Toán học là một môn học vô cùng đặc biệt, không chỉ dành cho người yêu thích sự chính xác mà còn thu hút những ai đam mê sự tư duy và tính toán logic. Sự logic và độ khó sẽ tăng theo từng cấp học từ dễ đến khó, để có thể phát triển trí thông minh của người học. Tuy nhiên, cũng có những bài toán trở thành nguồn cơn tranh cãi và khiến cộng đồng "chia phe" vì không tìm ra được câu trả lời thống nhất, dưới đây là một ví dụ.
Theo đó, bài toán 8÷2(2+2) tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến nhiều người tranh luận dữ dội suốt nhiều ngày qua.
Các ý kiến chia thành 2 phe rõ rệt, đó là 1 và 16. Người tính ra đáp án là 1 kêu gọi những người theo phe 16 đi học lại toán. Người nhẩm tính ra 16 lại khẳng định phe 1 nên xem lại kiến thức toán đáng quan ngại của mình. Thậm chí, cư dân mạng còn sử dụng máy tính điện tử để kiểm tra kết quả nhưng không ngờ, máy tính cũng cho ra 2 kết quả khác nhau.
Một số bình luận đáng chú ý:
"Để cho những ai bảo bằng 1 tin bằng 16 nhé! 8:2(2+2)=16 vì: Tính trong ngoặc trước lấy 2+2=4, tính ở ngoài 8:2=4 chốt: 4×4=16";
"Đây là bẫy trong thứ tự làm phép tính. Các bạn cộng trong ngoặc trước là đúng. Nhưng khi biểu thức chỉ còn toàn nhân, chia bình đẳng thì các bạn ưu tiên phép nhân trước là sai. Khi biểu thức chỉ còn phép nhân chia thì phải ưu tiên tính từ trái qua phải theo lần lượt nhé";
"Phải viết đầy đủ dấu thì mới ra = 16. Nếu viết đầy đủ dấu thì tính bình thường còn dính với nhau = 1 vì viết dính với nhau đồng nghĩa với việc chúng gắn kết với nhau từ trước. Bài này đáp án nào cũng đúng hết".
Thực tế, 16 mới là đáp án chính xác. Toán học quy định các phép toán sẽ được tính theo quy tắc từ trái qua phải, nhân chia trước, cộng trừ sau, ưu tiên các phép tính trong ngoặc. Tuy nhiên, do cách viết 2(2+2), nhiều người mặc định đây là cụm được ưu tiên nên tính trước, sau đó lấy 8 chia cho kết quả này và đáp án là 1.
Phép tính này sẽ được viết đủ là 8:2x(2+2). Theo thứ tự ưu tiên trong ngoặc, ta sẽ có phép toán 8:2x(4). Tiếp tục dùng tới thứ tự từ trái qua phải, ta sẽ lấy 8:2 trước rồi đêm kết quả nhân với 4 để ra đáp án là 16.
Đây không phải lần đầu tiên những bài toán đơn giản gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội. Năm 2011, phép toán 48:2(9+3) cũng từng khiến dư luận "dậy sóng". Theo cách tính như trên, ta được đáp án đúng là 288 nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ kết quả là 2.