Phương pháp Sandwich và hiệu quả đáng kinh ngạc trong việc đối phó với trẻ cứng đầu

Làm cha mẹ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, bởi lẽ việc giáo dục và hướng dẫn cho con trẻ nhận thức và có hành vi đúng đắn mà không làm tổn thương chúng là gần như không thể. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết nếu bạn biết cách thì những lời phê bình mang tính xây dựng sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Và một trong những cách để nuôi dạy con hiệu quả và tạo ra những tác động tích cực mà không phải bậc cha mẹ nào cũng biết – phương pháp Sandwich.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các kỹ thuật giao tiếp khác nhau có thể giúp giải quyết xung đột giữa cha mẹ và con nhỏ một cách nhẹ nhàng và đơn giản nhé.

Bác sĩ tâm lý trẻ em - Tiến sĩ Daniel Amen chia sẻ rằng nhiều bậc cha mẹ thường có hai xu hướng hanh vi nuôi dạy trẻ: chỉ trích hoặc phản ứng một cách thô lỗ, hoặc ngược lại, lo sợ bản thân quá nặng lời với con. Tiến sĩ Amen cũng đã tìm ra 2 đặc điểm có thể tạo ra sự khác biệt tích cực trong việc nuôi dạy con cái: vừa kiên định vừa yêu thương.

Khi cha mẹ rõ ràng và kiên quyết về hành vi không mong muốn, nhưng thể hiện nó bằng tình yêu, lòng tốt và sự quan tâm, thì họ sẽ luôn nhận lại được kết quả tốt. Các bậc phụ huynh chỉ cần thêm những lời chỉ trích vào những bình luận và lời khen nhẹ nhàng nhưng chân thực, để trẻ không quá cảm thấy nặng nề hay phớt lờ lời nói của bạn.

Khen ngợi

Trước mỗi một sự việc mà bạn chưa hiểu tường tận, hãy cố gắng bắt đầu cuộc trò chuyện với trẻ về những điều tích cực và ưu điểm của chúng. Điều này sẽ giúp bạn và con cái gần gũi hơn và giảm căng thẳng từ hai phía. Điều quan trọng là bạn phải đưa ra những lời khen cụ thể, những cụm từ chung chung như ‘mẹ biết là con rất ngoan’ sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp nào cho cuộc trò chuyện cả. Nếu bạn quyết định khen ngợi hành vi của con, tốt hơn là nhớ lại khoảnh khắc đứa trẻ cư xử tốt, hay khi hành động của chúng có tác động tích cực đến người khác.

Đưa ra ý kiến của bạn – Thật cụ thể và chi tiết

Ngay khi bạn chắc chắn rằng con bắt đầu chú tâm lắng nghe lời nói của bạn, bạn có thể bắt tay vào giải quyết các vấn đề hoặc hành vi chưa đúng của con. Một lần nữa, những chi tiết, lời bình luận và nhận xét cần phải được nếu ra một cách rõ ràng và dễ hiểu. Các cụm từ như “Mẹ không thích hành động của con đâu”, hay “con không được làm thế nữa”, không chỉ không giải thích được cho con trẻ biết bản thân chúng đã làm sai điều gì, mà còn có thể khiến trẻ phân tâm và không còn muốn lắng nghe lời nói của bạn nữa. Đừng bắt đầu bằng những lời mắng mỏ, và đừng ‘lên lớp’ bằng cách nói ‘con phải làm thế này…thế kia’, thay vào đó hãy cố gắng cùng nhau đưa ra giải pháp để cải thiện tình hình, bằng cách nói chuyện bình đẳng với nhau.

Hỏi ý kiến của trẻ

Sau khi đã cùng nhau tìm ra giải pháp, hãy cố gắng lắng nghe ý kiến của con trẻ. Điều quan trọng là phải xác định được liệu trẻ hiểu được bao nhiêu trong những chia sẻ và giải pháp ở trên. Hãy hỏi xem chúng có hiểu những gì bạn vừa giải thích không. Chúng có đồng ý với quan điểm đó không, chúng có cần bổ sung điều gì không. Nếu trẻ muốn tranh luận với bạn, hãy cố gắng giữ thái độ bình tĩnh, lắng nghe và không ngắt lời chúng, sau đó thảo luận về các sắc thái với nhau.

Hãy nói ‘Mẹ yêu con’

Quan trọng hơn cả là sau khi đã trò chuyện với con xong, phải biết vỗ về và động viên, có những cử chỉ âu yếm, yêu thương để con trẻ không nghĩ rằng chúng đã làm bạn thất vọng và bạn không còn yêu chúng nữa. Cách kết thúc cuộc trò chuyện không đúng có thể gieo mầm cảm giác tội lỗi trong tâm trí của đứa trẻ, hoặc chúng có thể bắt đầu cư xử tồi tệ hơn bằng những hành vi chống đối. Hãy kết thúc cuộc nói chuyện bằng một lời khen khác - cố gắng không sử dụng những câu nói chung chung và những từ ngữ quá phô trương, hãy chia sẻ một cách chân thành với con về cảm xúc của bạn về những ưu điểm của con.