Võ Thanh Phương sinh năm 1991 tại TP.HCM, sinh sống tại New York từ năm 2013. Hiện tại cô là nhiếp ảnh gia tự do, nhà sản xuất phim, tham gia nhiều chiến dịch quảng cáo cho các thương hiệu lớn như Canon, JBL...
Bên cạnh công việc chính trong mảng hình ảnh và quảng cáo, Phương Võ còn sử dụng nhiếp ảnh và mỹ thuật đương đại để phản ánh nhiều vấn đề xã hội khác nhau.
Năm 2013, Phương Võ từ TP.HCM tới sống tại thành phố New York, Mỹ. Đây là lần đầu tiên cô gái sinh năm 1991 trực tiếp trải nghiệm sự kỳ thị chủng tộc. Đó là một trong những nguồn cảm hứng để năm 2021, Phương Võ cùng ekip cho ra đời bộ phim tài liệu ngắn về vấn đề phân biệt chủng tộc mang tên "Centuries and Still" (dịch ra tiếng Việt là "Hàng thế kỷ vẫn thế").
Mới đây, producer trẻ đã có một số chia sẻ về tác phẩm của mình.
- Chào Phương Võ, điều gì đã thúc đẩy bạn sản xuất bộ phim tài liệu về vấn đề phân biệt chủng tộc với người châu Á tại Mỹ vào năm 2021, mà không phải sớm hơn hay muộn hơn?
Phân biệt chủng tộc là một vấn nạn đã có từ lâu đời, mình hay nói đùa nó là "đặc sản Mỹ". Chuyện này xảy ra hàng ngày, và ở khắp nơi kể cả cơ quan, trường học.
Mình gặp chị Sally Tran, đạo diễn của bộ phim vào tháng 4 năm nay qua một người bạn. Chị Sally bức xúc với những vụ việc đã xảy ra và cảm thấy không thể ngồi yên nhìn cộng đồng châu Á bị tấn công mà không làm gì. Chị chia sẻ với mình về dự án phim này và mình lập tức ngỏ lời giúp chị sản xuất, vì đây là một dự án rất ý nghĩa, không chỉ đối với mình mà còn đối với cộng đồng châu Á nói chung.
Ekip làm phim "Centuries and Still"
- Phương Võ có nghĩ việc làm bộ phim này có thể gây ra khó khăn, trở ngại cho bản thân trong tương lai không, khi bạn là một người châu Á đang sống trên đất Mỹ?
Mình không nghĩ đây sẽ là trở ngại hay rào cản trong tương lai đối với mình hay bất cứ thành viên gốc Á nào trong đoàn. Khi người châu Á bị tấn công, người châu Á đứng lên đấu tranh và đòi quyền bình đẳng. Xã hội ở Mỹ đã bắt đầu nhận ra rằng phân biệt chủng tộc là vấn đề lớn ở đây (đối với người da đen, da nâu, da đỏ và da vàng). Nếu họ gây cản trở cho tụi mình trong tương lai bởi vì bộ phim này thì đó một bước đi lùi. Ngoài ra theo luật lao động, tụi mình có thể kiện vì tội phân biệt chủng tộc ở nơi làm.
Một cảnh trong phim
- Tại sao lại lựa chọn dạng mix-media để thực hiện phim ngắn này thay vì quay phim như hình thức thông thường? Định dạng này đem lại khó khăn/thuận lợi gì cho đoàn làm phim?
Sử dụng mix-media là phong cách làm phim đặc trưng của chị Sally. Hình thức này tạo điểm nhấn thú vị đặc biệt với dòng phim tài liệu. Một phần nữa do những sự kiện lịch sự tụi mình nghiên cứu và sử dụng không có hình ảnh cụ thể để minh họa (nhiều sự kiện xảy ra vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20).
Tụi mình kêu gọi được nhiều họa sĩ gốc Á ở khắp toàn cầu tham gia dự án. Đó cũng là điểm khá độc đáo khi thiết kế và dựng set cho phim, bởi mỗi họa sĩ mang một phong cách riêng biệt. Do các họa sĩ ở nhiều nước trên thế giới nên múi giờ cũng khác nhau, khi mình theo tiến độ phải "canh" email của họ gần như 24/7.
Tổng cộng mình có 13 cảnh và 13 set, dựng trong vòng 2 tuần. Vì sử dụng hình thức này nên đoàn có thể quay ngay lập tức và hoàn thành quay trong vòng 3 ngày liên tục. Mình và nhóm sản xuất phải có mặt trên phim trường từ 6h sáng đến 11h khuya trong 3 ngày quay đó. Sau đó Sally và đội biên tập dựng phim trong 2 tuần tiếp theo.
Hình ảnh hậu trường phim
- Ngoài phim ngắn về chủ đề phân biệt chủng tộc, bạn còn có một số dự án khác về vấn đề phân biệt giới tính ăn sâu vào tiềm thức của người châu Á. Điều gì thôi thúc bạn lựa chọn khắc hoạ những vấn đề xã hội "gai góc" này?
Vì đó là những vấn đề ai cũng biết nhưng không ai muốn nhắc tới. Điều này ăn sâu vào máu người châu Á, bị bình thường hóa và phổ biến đến nỗi họ chấp nhận sống chung với nó. Hồi bé mình hay tự hỏi tại sao đàn ông luôn nghĩ phụ nữ phải vào bếp nấu ăn, phải hầu hạ chồng và gia đình? Mình cảm thấy nếu mình nấu ăn, nó phải bắt nguồn từ ý thích của mình, chứ không nên từ ý muốn và mong đợi của người khác.
Mình may mắn được sinh ra lớn lên trong gia đình có suy nghĩ khá tân tiến và bình đẳng, nhưng xung quanh không phải ai cũng suy nghĩ như vậy.
- Cảm ơn những chia sẻ của bạn!