Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, UBND huyện Cần Giờ và phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa khảo sát nhằm chuẩn bị luồng tuyến cho việc xây dựng tuyến phà biển đầu tiên kết nối 2 địa phương. Theo Sở GTVT TP, sau khi được UBND TP HCM cho phép, sở sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có năng lực và đưa tuyến vận tải này vào khai thác trong năm 2019.
Thêm lựa chọn, rút ngắn quãng đường
Tuyến phà biển theo kế hoạch hoạt động trên cự ly khoảng 15 km, đáp ứng cả việc vận chuyển hành khách và hàng hóa, với thời gian hành trình dự tính chỉ khoảng 30 phút. Phà khai thác có chiều dài 43,25 m, tải trọng hơn 103 tấn và sức chứa khoảng 350 hành khách, 150 xe máy, 20 xe hơi... Điều kiện thuận lợi để hình thành tuyến là hiện bến Tắc Suất tại Cần Giờ đã có, khi luồng tuyến sẵn sàng thì có thể khai thác ngay. Do đó, theo Sở GTVT TP, trước mắt sẽ thí điểm tuyến vận tải này và nếu hiệu quả sẽ xem xét quy hoạch thêm vị trí phù hợp.
Phà Bình Khánh hiện đang là tuyến nối giữa khu nội thành TP HCM tới huyện Cần Giờ để đi bến Tắc Suất
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Lửa Việt Tours - người có nhiều hoạt động trong lĩnh vực du lịch, giao thông thủy, đánh giá là khá phù hợp bởi ngoài việc có thêm một loại hình mới thì người dân cũng có nhiều sự lựa chọn trong việc đi lại. Hơn nữa, vấn đề này đồng thời góp phần giải quyết nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa qua lại bởi các dịch vụ, phương tiện đi lại tại khu vực trên bị nhiều hạn chế. "Mặt khác, việc có tuyến phà cũng góp phần phát triển du lịch, kéo người dân tới tham quan huyện đảo Cần Giờ - một huyện đảo với nhiều cảnh quan đẹp ở TP HCM nhưng không phải ai cũng được biết đến" - ông Mỹ phân tích.
Trong khi đó, một số ý kiến khác nhìn nhận việc có thêm tuyến phà cũng góp phần giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường kết nối giữa TP HCM và Vũng Tàu bởi hiện không chỉ các tuyến đường bộ mà ngay cả cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng liên tục quá tải, thường xuyên ùn tắc vào những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ, Tết. Đặc biệt, nhu cầu tham quan, giải trí tại huyện đảo Cần Giờ ngày càng tăng cao, khi tuyến vận tải này hình thành có thể tạo điều kiện cho người dân vui chơi, di chuyển qua lại giữa 2 địa phương.
Phải tính toán kỹ các phương án
Ủng hộ việc xây dựng tuyến phà biển nhưng theo ông Nguyễn Văn Mỹ, để hoạt động hiệu quả cần đồng bộ các giải pháp kết nối đối với tuyến vận tải này. Hiện nay, bến Tắc Suất tại Cần Giờ cách xa trung tâm TP HCM, trong khi việc di chuyển tới khu vực này còn nhiều hạn chế. Mặt khác, hiện TP HCM đang có tuyến tàu cao tốc kết nối với Vũng Tàu, dù giá thành cao hơn phà nhưng đi lại khá dễ dàng, vì vậy nếu không có sự thuận tiện trong việc kết nối giao thông đến tuyến phà thì khó hiệu quả. "Việc có thêm tuyến mới là phù hợp nhưng vấn đề đặt ra là có thuận tiện hay không, thời gian di chuyển so với những loại hình khác và mức giá như thế nào bởi dù giá thấp nhưng thời gian di chuyển kéo dài hoặc gây bất tiện thì khách vẫn chọn đường bộ hoặc các loại hình khác" - ông Mỹ nói và nhận định thời gian đầu, tuyến phà nếu hình thành mỗi ngày cũng chỉ có thể hoạt động được vài chuyến nên đừng quá kỳ vọng có thể giảm tải cho các tuyến đường kẹt xe.
Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP - đơn vị đang vận hành tuyến tàu cao tốc TP HCM - Vũng Tàu, cũng đánh giá ý tưởng hình thành tuyến phà biển kết nối giữa 2 địa phương này là phù hợp. Theo ông Hải, hiện nhu cầu đi lại giữa TP HCM và Vũng Tàu khá lớn, không chỉ riêng vui chơi, tham quan mà còn là đi lại, giao thương thường xuyên. Dẫn chứng tại các tàu cao tốc đơn vị đang vận hành, ông Hải cho biết khá nhiều người giữa 2 địa phương khi mua vé có nhu cầu mang thêm xe máy hoặc gà, vịt, hải sản... nhằm trao đổi qua lại. Tuy nhiên, do tàu cao tốc là những tàu du lịch nên các trường hợp này đều phải từ chối. "Vì vậy, tuyến phà biển khi hình thành có thể đáp ứng được nhu cầu trên. Đối với những người đi "phượt" sẽ thuận tiện hơn bởi có thể chạy xe tới Cần Giờ trên những con đường rất đẹp, nhiều cảnh quan tự nhiên và mang theo xe máy qua lại tới Vũng Tàu" - ông Trần Song Hải nói.
Ông Trần Song Hải cũng cho rằng tuyến vận tải nêu trên được dự tính thời gian di chuyển khoảng 30 phút là khó khả thi bởi dù cự ly chỉ khoảng 15 km nhưng phà có tốc độ di chuyển chậm, trong khi còn phải tính đến thời gian hành khách lên xuống, tình hình lưu thông, thời tiết... "Nếu đóng những phà nhanh, việc đầu tư và vận hành có chi phí khá cao, trong khi thời gian đầu lượng khách dự báo không nhiều nên phải tính toán kỹ các phương án để bù lại. Trường hợp nếu đưa ra mức giá quá cao sẽ khó cạnh tranh với những loại hình khác, nhất đường bộ bởi giá rẻ và sự thuận tiện" - ông Hải nhận định và cho rằng nếu tuyến đưa vào vận hành và khai thác hiệu quả thì chỉ khi nhiều dự án tại Cần Giờ đồng loạt phát triển.
Theo nld.com