“Hạt giống lép” chỉ cao 1,2m, nặng 36,5kg
Cơ duyên đặc biệt đã giúp phóng viên có cuộc gặp gỡ thân tình với ông Đinh Văn Phú (sinh năm 1955) tại nhà của ông ở số 24C, phố Hàng Cót, Hà Nội. Căn nhà nhỏ chỉ vỏn vẹn khoảng 3m2 và “nép mình” bên các quán xá, cửa hàng sầm uất. Không gian tưởng chừng chật chội, bí bách ấy vừa là nơi ông Phú sinh sống, vừa là nơi ông mở quán nước, kiếm kế sinh nhai. Cái nóng bức, oi ả của buổi trưa hè dường như được xoa dịu bởi sự đón tiếp hồn hậu, nhiệt tình của ông Phú.
Ông Phú được ví như chú chim cánh cụt với chiều cao 1,2m và cân nặng chỉ vọn vẹn 36,5kg. Từ bé đến lớn ông luôn bị người đời trêu đùa, miệt thị rằng ông mãi mãi chỉ là một “hạt giống lép” – một hạt giống không bao giờ có thể nảy mầm được.
Vượt qua sự kỳ thị của người xung quanh và nỗi mặc cảm của bản thân, ông Phú quyết tâm tự học tiếng Anh, đây cũng chính là con đường giúp ông khẳng định bản thân, tuy không cao nhưng người đời phải ngước nhìn.
Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, giờ đây người đàn ông 65 tuổi có thể nói tiếng Anh lưu loát, ngoài ra ông còn mở lớp học tiếng Anh miễn phí vào 17h Thứ Sáu hàng tuần ngay tại quán nước của mình.
Ông sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em, nhưng chỉ mình ông phải chịu ảnh hưởng từ người bố từng làm chiến sĩ pháo binh.
“Lên 7 tuổi tôi mới bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên, đến năm 9 tuổi mới bập bẹ được vài câu nói. Trông thấy những ánh mắt kỳ lạ, những ngón tay chỉ trỏ của mọi người hướng về mình lúc đó, tôi dần dần nhận thức được rằng bản thân không hề giống người bình thường.
Đến năm 12 tuổi, đầu tôi ngày càng to ra, chân tay co rụt lại, dáng đi khệnh khạng và nhất là ăn bao nhiêu cơm cũng chẳng thể cao thêm một tấc. Thấy bạn bè cao lớn phổng phao, tôi cũng tủi thân và ghen tị lắm. Thế là, tôi bắt đầu tự học và luyện bơi hàng ngày nhưng cũng chỉ cao lên khoảng 20 phân. Chiều cao của tôi mãi mãi chỉ dừng lại ở 1,2m.
Việc đến trường đối với tôi như một cơn ác mộng vì đi đến đâu cũng là những tiếng cười chê, những lời mỉa mai, giễu cợt. Có những hôm đi học bị các bạn đẩy ngã rồi nhảy qua đầu, tôi về nhà ôm mẹ khóc trong ấm ức.
Tôi thầm trách tại sao cha mẹ lại sinh ra tôi như thế, tại sao không bóp chết tôi ngay từ khi mới lọt lòng. Nhưng được sự động viên từ gia đình, tôi vực lại tinh thần và quyết tâm bỏ ngoài tai mọi lời châm chọc để tiếp tục cố gắng học tập thực hiện ước mơ của mình”, ông Phú chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp lớp 12, ông nộp hồ sơ vào đại học Bách khoa, ấp ủ giấc mộng trở thành một kỹ sư điện tử. Nhưng ước mơ đó chỉ mới nhen nhóm đã bị dập tắt hoàn toàn, ông bị từ chối thẳng thừng ngay từ "vòng gửi xe" với lý do không đủ điều kiện sức khoẻ.
“Người ta chẳng quan tâm tôi có khả năng thi đỗ vào trường hay không mà thẳng thừng nói tôi rằng có học cũng vô ích vì sẽ chẳng cơ quan nào nhận tôi làm việc”, ông Phú nghẹn ngào kể lại.
Khoảnh khắc bị từ chối năm ấy, ông Phú đã bật khóc, ông không tiếc 12 năm cực khổ đèn sách, chuyên tâm học hành mà chỉ cảm thấy thực sự bất lực vì lý do bị từ chối là thứ mà mình không thể thay đổi.
Không muốn thành gánh nặng cho gia đình, cả một thời trai trẻ, “chú lùn” rong ruổi trên hành trình mưu sinh dưới ánh mắt khắt khe, dò xét của người đời, thế nhưng chưa một lần ông có ý định bỏ cuộc. Người đàn ông ấy hiểu, dù cơ thể mình không được lành lặn, nhưng ý chí nghị lực thì luôn mạnh mẽ, kiên cường. Vậy nên, dù chân có ngắn, bước đi có chậm nhưng ông nhất định sẽ cố gắng vững bước trên con đường của mình.
Người thắp lửa nghị lực và truyền cảm hứng
Năm 1992, nhờ sự giúp đỡ của gia đình, ông Phú mở một của hàng nước nhỏ trên phố Hàng Cót để tự kiếm sống. Bất cứ ai đi qua quán nước của ông đều bị thu hút bởi cái tên rất ấn tượng: "Đi khắp muôn nơi". Ông chia sẻ, “đi khắp muôn nơi” khám phá từng hơi thở của cuộc sống cũng chính là khát khao mà bấy lâu ông hằng mong ước.
Quán của ông Phú mở ra đúng thời điểm đất nước mở cửa hội nhập quốc tế, số lượng người nước ngoài vào Việt Nam vì thế mà ngày càng đông. Mỗi lần ngồi bán nước, nghe các vị khách nước ngoài giao tiếp bằng tiếng Anh, dù không hiểu họ nói gì nhưng ông Phú luôn bị hút hồn bởi thứ ngôn ngữ giàu nhạc điệu ấy. Ông quyết tâm học tiếng Anh để giao tiếp và giới thiệu về Việt Nam với họ.
Ông Phú mua sách, bắt đầu hành trình tự học. Chẳng dễ để học những con chữ khi đã bước vào tuổi 40 nhưng điều đó chẳng thể làm ông chùn bước. Không chỉ học qua sách, ông còn chủ động đi dạo quanh bờ hồ, đến các khách sạn có nhiều khách nước ngoài để được luyện tập giao tiếp. Thế nhưng, với ông Phú, học như thế vẫn “chẳng thấm vào đâu”, ông khao khát được học nhiều và biết nhiều hơn nữa.
May mắn mỉm cười khi ông Phú lại tình cờ nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều “người thầy”, đó là những người bạn nước ngoài, những người cảm phục ý chí vươn lên của chàng lùn hiếu học. Bằng sự kiên trì quyết tâm của bản thân và quá trình “góp nhặt” kiến thức từ những người thầy nhiệt huyết, khoảng 2 năm sau ngày bắt đầu làm quen với tiếng Anh, ông Phú đã sử dụng tương đối thành thạo ngôn ngữ mới.
Không chỉ học tập cho riêng mình, đã 10 năm nay ông Phú vẫn duy trì một lớp học ngoại ngữ miễn phí cho học sinh, sinh viên,... đều đặn vào 5h chiều Thứ Sáu hàng tuần. Lớp học kéo dài khoảng 2-3 tiếng diễn ra tại chính quán nước vỉa hè nơi mà ông đã từng học những chữ cái tiếng Anh đầu tiên. Lớp học “chú lùn” không chỉ dạy những kiến thức bổ ích mà còn góp phần truyền cảm hứng sống, nghị lực vươn lên cho các bạn sinh viên.
“Là con người ai cũng muốn yêu và được yêu. Tôi cũng vậy, tôi luôn khao khát có một tình yêu chân thành và một mái ấm gia đình trọn vẹn. Có khi ngồi thẩn thơ tôi vẫn mơ mộng, tưởng tượng đến một ngôi nhà nhỏ tràn ngập hạnh phúc và đầy ắp tiếng cười. Thật sự mà nói tôi ở cái tuổi này rồi tôi cũng “thèm” được có người quan tâm, chăm sóc mỗi khi đau yếu, bệnh tật. Thế nhưng thực tế thì luôn phũ phàng, nhìn lại chính mình tôi vẫn không dám lấy vợ vì sợ mình sẽ trở thành gánh nặng cho người khác. Tôi tự hài lòng với cuộc sống hiện tại và những giấc mơ của tương lai”. |