Trong cuộc sống ngày càng bận rộn, việc được ngủ ngon và đủ giấc đối với nhiều người đang là một thứ gì đó khá... xa xỉ. Áp lực từ công việc, từ cuộc sống, và đặc biệt là từ công nghệ đã khiến giấc ngủ trở nên khó trọn vẹn. Tự ngẫm lại xem, có phải chính bạn trước khi đi ngủ cũng lướt điện thoại cả tiếng đồng hồ, rồi trằn trọc đến 2 - 3h sáng mới có thể chợp mắt?
Bài viết lần này sẽ là một lời cảnh tỉnh dành cho tất cả chúng ta, về sự quan trọng của giấc ngủ và hệ quả sẽ xảy ra nếu bạn không tìm cách ngủ cho đủ giấc mỗi đêm.
Giấc ngủ giúp làm sạch não bộ
Tại sao các loài sinh vật phải ngủ? Vì đó là khoảng thời gian cơ thể nạp lại năng lượng. Hệ miễn dịch, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, thậm chí cả năng lượng cũng được phục hồi. Ngoài ra, giấc ngủ còn là khoảng thời gian để não bộ xử lý các thông tin tiếp nhận trong ngày, đồng thời góp phần điều hòa nhịp tim, huyết áp...
Nhưng không chỉ vậy đâu. Khoa học đã chứng minh rằng giấc ngủ sẽ giúp loại bỏ độc tố từ các hoạt động của hệ thần kinh trong suốt cả một ngày. Vậy nên nếu không ngủ đủ giấc, các độc tố này sẽ được lưu lại thành một dạng "nhiên liệu dự trữ", và nó không hay chút nào đâu.
Trong ngắn hạn, điều này sẽ giúp chúng ta trở nên tỉnh táo, vì não bộ sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn để dọn dẹp số độc tố sót lại. Nhưng về lâu dài - đặc biệt là với những người bị mất ngủ, việc thường xuyên đẩy não bộ vào tình trạng cạn kiệt năng lượng sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng, thậm chí khiến một số cơ quan thiết yếu bị rối loạn.
Nghiên cứu trên chuột
Michele Bellesi - chuyên gia thần kinh học cùng nhóm nghiên cứu từ ĐH Bách khoa Marche (Ý) đã tiến hành thực hiện một thí nghiệm trên chuột để kiểm tra tác động của giấc ngủ. Họ chia chuột ra thành các nhóm khác nhau rồi tiến hành quan sát sự thay đổi của não bộ: một nhóm có thể ngủ bất kỳ lúc nào; nhóm bị ép phải thức liên tục, chỉ được ngủ dưới 8h/ngày; và nhóm buộc phải thức liên tục trong 5 ngày.
Cần biết rằng, trong não có một bộ phận gọi là "astrocyte" (tế bào thần kinh đệm hình sao). Đây là nhóm tế bào chịu trách nhiệm kích hoạt chức năng tự làm sạch của não, và nó có tồn tại trong cả chuột lẫn người.
Kết thúc thí nghiệm, kết quả cho thấy những con chuột được ngủ đủ giấc có mức độ hoạt động của các astrocyte rơi vào khoảng 6%; nhóm ngủ dưới 8 tiếng ở mức 8%; và nhóm thứ 3 - thức sau 5 ngày, có mức độ hoạt động khoảng 13,5%. Điều này cho thấy, astrocyte sẽ hoạt động mạnh hơn khi chúng ta ngủ ít đi.
Điều này sẽ gây ra hậu quả rất đáng sợ: não bộ có thể tự "ăn" chính nó
Ở chuột, việc để các astrocyte hoạt động quá mạnh thực chất sẽ khiến các synapse thần kinh trong não bị tiêu giảm. Sau nhiều đêm thức liên tiếp, não sẽ nhanh chóng suy kiệt, khiến rủi ro mắc phải những chứng bệnh như mất trí nhớ, hoặc nặng hơn là Alzheimer.
Và điều quan trọng là vì não bộ của chuột với người có nhiều điểm tương đồng, những hiệu ứng trên hoàn toàn có thể xảy ra với con người.
Làm sao để ngăn "thảm họa" này xảy ra?
Cách duy nhất để ngăn bi kịch này xảy ra là bạn phải ngủ cho đủ giấc. Vấn đề là làm như thế nào? Dưới đây sẽ là một số cách bạn có thể thử:
Tập thiền
- Thay đổi phòng ngủ sao cho đó phải là môi trường bạn thấy thoải mái nhất
- Chăm tập thể dục thể thao
- Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ
- Tập thói quen đi ngủ đúng giờ
- Hạn chế uống cafe trước khi đi ngủ
- Nên tiếp xúc với ánh Mặt trời trong ngày.
(Theo kenh14.vn)