Tại sao mỗi khi nhìn thấy những thứ dễ thương, chúng ta lại không cưỡng lại được hành vi bóp, véo chúng? Trông bạo lực sao ấy, thành thật mà nói.
Bạn có bao giờ thấy bản thân mình và những người xung quanh trong lời nghi vấn đó?
Trong đời sống của người Việt Nam, các cụ ông cụ bà hay những người thuộc thế hệ cha chú chúng ta thường có hành động véo má, véo tay, hoặc véo bất cứ chỗ nào họ thấy dễ thương ở em bé. Đôi khi quá tay, hành động tưởng chừng là nựng yêu này sẽ để lại vết đỏ hoặc bầm trên làn da nhạy cảm của bé, khiến không ít phụ huynh xót xa than thầm.
Vào năm 2015, nhà tâm lý học Đại học Yale Oriana Aragon cùng nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra: con người thường phản ứng tích cực trước những hình ảnh em bé đáng yêu mà họ được cho xem, nhưng đồng thời cũng phát sinh hành vi mạnh bạo đó là muốn véo má em bé
Về việc ngắt nhéo, nhóm làm tiếp một thí nghiệm khác kiểm chứng. Trong đó các tình nguyện viên được phát cho những bao xốp bong bóng và xem hình động vật nhỏ dễ thương, còn nhóm khác xem những hình ảnh động vật lớn hoặc hài hước.
Kết quả cho thấy, những người được xem hình ảnh dễ thương trung bình bóp 120 cái bong bóng, nhóm xem ảnh động vật trưởng thành bóp 100 cái và nhóm xem ảnh hài bóp 80 cái (Hãy đọc thử bài này để xem bạn muốn bóp hết bao nhiêu cái bong bóng). Chứng tỏ nếu có cơ hội, con người sẽ thò tay nựng nhéo những thứ dễ thương, nhưng không phải vì chủ ý làm hại chúng.
Cái tốt, cái xấu, và sự dễ thương
Theo tiến sĩ Aragon, khi trải nghiệm cảm xúc dữ dội, con người "thường có phản ứng cơ học ngược lại với cảm xúc của họ. Thế nên có những người khóc vì vui mừng, cười khi lo âu, và ở đây là bóp nhéo những thứ dễ thương không chịu được" - cho dù sinh vật dễ thương ấy họ luôn muốn ôm ấp và bảo vệ. Những người yêu thương nhau sẽ ôm ấp đến tức ngực, hay như chúng ta vỗ vào mông cún cưng đáng yêu nhà mình.
Khi cảm xúc dâng lên quá mạnh, chúng ta đơn giản không biết phải làm gì. Để đưa bản thân thoát khỏi tình trạng bối rối, bộ não ra lệnh thực hiện một phản ứng thứ cấp ngược lại với cảm xúc hiện có.
Phản ứng ấy có chức năng xoa dịu cảm xúc đang dâng trào, đưa con người trở về trạng thái cân bằng tình cảm. Cảm xúc tích cực càng cao, phản ứng thứ cấp càng mạnh bạo hơn. Trẻ em nhỏ chưa học được cách kiểm soát nên sẽ có trường hợp ẵm hoặc siết thú cưng quá chặt.
Đồng thời theo nhà nghiên cứu Rebecca Dyer, khi nhìn vào những loài vật bé nhỏ xinh xắn, chúng ta trỗi dậy bản năng muốn bảo vệ chăm sóc chúng, nhưng đôi khi đó chỉ là hình ảnh. Hoặc chúng ta không thể bảo bọc chúng, thì sẽ phát sinh phản ứng "phải làm cái gì đó" như nắn, bóp để xoa dịu cảm giác thất vọng, thèm thuồng.
Phản ứng thứ cấp không chỉ có hành động cụ thể như ngắt nhéo, theo Hiroshi Nittono - trưởng khoa Tâm Sinh Lý Học Nhận Thức đại học Osaka, hành vi xa lánh cũng là phản ứng thường thấy. Ví dụ khi thích một ai đó, người ta cũng hay trở nên xa cách, tỏ ra không hứng thú gì với đối tượng.
Chúng ta có các nhà khoa học từ Yale và Osaka nhúng một tay lý giải cho bộ môn khoa học dễ thương rồi. Vậy nên, từ nay bạn không cần phải ngại ngùng vì sao mình cứ hay bóp mông mấy con mèo nhà hàng xóm. Đó chỉ là cách bộ não bảo vệ bạn khỏi cơn đau tim vì bị những thứ dễ thương tấn công.
(Theo Lostbird)