“Tám năm kể từ khi lấy chồng, mình chưa từng một lần về ngoại ăn tết. Mình quê gốc ngoài Bắc, lấy chồng Nam. Hai vợ chồng đi làm, gặp nhau rồi nên duyên. Cứ mỗi lần giao thừa là nhớ lắm. Thời còn đi học là năm nào giao thừa bố cũng làm thừa 5 cái bánh chưng để cho mỗi đứa con một cái. Trong đó mình là con gái, lại là con út nên lúc nào bố cũng ưu tiên làm một cái to hơn bình thường”.
Câu chuyện về “Tết ngoại” của chị Tám chia sẻ thu hút nhiều sự đồng cảm khi đăng tải trên mạng xã hội.
Có một sự thật không phải ai cũng hiểu, không phải người chồng nào cũng hiểu đó là: người phụ nữ lấy chồng xa nhà rất nhớ tết ngoại. Tết ngoại đối với họ là những hương vị xưa cũ. Họ từng chờ cha luộc con gà đêm ba mươi, cúng giao thừa xong là chặt ra những miếng nhỏ, chia cho mấy đứa con trong những ngày còn đói. Họ nhớ không khí quây quần khi còn thơ, nhà có mấy đứa con chưa lớn, để không phải “mỗi đứa mỗi xứ”.
Tôi từng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng cãi nhau khi người vợ bày tỏ mong muốn được về quê ăn tết ngoại. Mọi sự âu cũng là từ lối tư duy cố hữu trong lòng người Việt: chúng ta tôn trọng những gì bất biến, ừ lấy chồng là phải theo chồng; Rồi thì: bao nhiêu năm rồi vẫn ăn tết nhà chồng như thế có làm sao đâu; Nhà chồng thì cũng là nhà mình, có con rồi chứ đâu phải mười lăm mười tám nữa mà nắng mưa nhạy cảm.
Cũng không biết phải trách ai? Trách người vợ không biết mở lòng chia sẻ hay trách người chồng không thấu hiểu cho vợ. Phụ nữ lấy chồng, theo chồng, nhiều khi là “mất gốc”. Lấy chồng xa, nhớ họ hàng gốc rễ được một đời, hai đời, có ai nhớ được mãi? Rồi thì đám xá, giỗ chạp, cũng mượn cớ xa xôi mà ngại về. Rồi đến cả mấy năm Tết cũng chẳng có lấy một cơ hội để về thăm quê.
Tôi có một người anh họ chơi thân từ bé. Kể từ khi lấy vợ, những ngày lễ tết anh ấy ở nhà ngoại còn nhiều hơn nhà nội. Điều này có lẽ phần nào tôi hiểu: anh tôi không cha. Mẹ đi làm xa từ nhỏ, nhà chỉ có anh với bác. Nhà ngoại thì lại khác: chị dâu tôi là chị cả trong nhà. Nhà chị dâu có đủ cha mẹ, ngoài ra còn có thêm hai đứa em trai. Kể từ ngày lấy vợ, mối quan hệ ruột thịt của anh trai tôi nhiều hơn hẳn. Có thêm hai cậu em trai để yêu thương. Có thêm “người cha” để ngày lễ lạt ngồi nhâm nhi chén rượu, nói dăm ba câu chuyện của cánh đàn ông. Anh rất thích đưa thằng Cò con anh về nhà ngoại có lẽ vì ở đấy đem lại cho anh thứ tình cảm ấm áp sum họp mà suốt quãng thời gian trước đó anh chưa từng có được.
Người ta vẫn nói, gia đình là mắt xích của xã hội. Gia đình cho chúng ta những trải nghiệm yêu thương. Nuôi dạy chúng ta những tình cảm con người. Câu chuyện tết nội - tết ngoại thực chất cũng chỉ là sự bồi đắp cho những tình cảm đó.
Trong thời đại nam nữ bình đẳng, tết nội hay tết ngoại thì cũng quan trọng như nhau. Không ai trong số chúng ta được phép quên nơi nuôi ta lớn, cả ngôi nhà mà chúng ta hai chục năm gắn bó. Phụ nữ cũng vậy và đàn ông cũng thế. Thế nên, tết ngoại cũng là một câu chuyện hết sức thiêng liêng đối với người phụ nữ.
Chúng ta sau này dựng vợ gả chồng, rồi cũng sẽ sinh con đẻ cái. Con gái chúng ta cũng có thể lắm chứ, lấy một người chồng xa và đi biệt tăm không về.
Tôi được nghe câu chuyện từ một người em lấy chồng xa và “không hợp lắm” với mẹ chồng. Em sinh con, vừa chăm con, vừa làm việc, lại vừa ngày ngày nghe sự chì chiết. Chồng thì cũng chưa trưởng thành, không bảo vệ được em. Em tôi xin mẹ về quê ngoại ít hôm và nói với mẹ rằng "con mệt". Mẹ đẻ em lo lắng bảo: "Mày mệt thì cũng phải cố, rồi sớm mà về với chồng mày, mày cứ như thế này thì con mày ai chăm". Bố em chặn lời mẹ và bảo: "Vậy con gái tôi mệt rồi ai chăm nó?".
Phụ nữ lấy chồng rồi không yếu đuối tới mức chẳng thể tự lo được cho mình. Điều cô ấy cần đôi khi chỉ là một sự cảm thông, nhận được cảm giác bao bọc yêu thương từ gia đình - như hồi còn bé.
Chúng ta nhiều khi vì yếu tố địa lý, kinh tế đi lại mà ngại tạo điều kiện cho chính mình và vợ con được về thăm ngoại. Có khi vừa được về đến nhà ngoại thì cũng vừa hay…. hết tết. Chúng ta không thể cãi lại quy luật tự nhiên rằng: Lấy chồng thì sẽ theo chồng, ở nhà chồng, rằng nhà chồng cũng chính là ngôi nhà nhỏ của mình. Nhưng chúng ta cũng có thể dành cho nhau nhiều hơn sự thấu hiểu và san sẻ.
Nỗi thèm tết ngoại thực sự là một nỗi thèm thiêng liêng của người phụ nữ.