Thực hiện chính sách tự chủ tại bệnh viện công: Bệnh nhân đông hơn, bác sĩ đỡ nghèo đi

Nguồn: Sở Y tế - Đồ họa: L.T.

Sáng 24-7, ông Tống Đăng Túc (ở Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) dậy sớm, đi xe khách lên thành phố Hạ Long cách đó 20km, đến BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khám thường kỳ. 

Hơn nửa năm nay, ông về quê nhà để khám, sau mấy năm đặt 2 stent tim và phải đi tận Hà Nội khám định kỳ mỗi tháng một lần. 

"Trên ấy nhiều bệnh nhân quá, BV quá tải, nếu nhanh mỗi lần lên khám cũng mất 1 ngày, chậm phải mất 2 ngày, về đây tôi chỉ mất 2 giờ, BV cho xếp số điện tử không phải chen lấn, cán bộ y tế rất nhiệt tình" - ông Túc nói.

BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh là một trong những BV tự chủ nhóm 1, tức là tự trả lương, phụ cấp cho cán bộ, chi trả phí xây dựng cơ bản, mua sắm cơ sở vật chất... và đã có những hiệu quả đáng kể.

Lương bác sĩ 50,4 triệu đồng

Khi đến BV Đa khoa Quảng Ninh mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tỏ ra bất ngờ với những con số BV công bố. Tổng thu từ viện phí năm 2018 khoảng 500 tỉ đồng, ngày cao nhất BV khám 1.800 bệnh nhân và có 1.300 bệnh nhân điều trị nội trú/ngày. 

BV này đã thực hiện được xấp xỉ 16.000 kỹ thuật trong danh mục 17.000 kỹ thuật của Bộ Y tế (94%), trong đó có nhiều kỹ thuật mới như ECMO (tim phổi ngoài cơ thể), hạ thân nhiệt chỉ huy...

Ông Trịnh Văn Mạnh, giám đốc BV Đa khoa Quảng Ninh, cho biết khi triển khai xây dựng Trung tâm tim mạch, BV đã mời các giáo sư đầu ngành tư vấn và hiện công năng của các thiết bị được đầu tư đều hợp lý. 

BV đã thực hiện được thường quy 9/10 kỹ thuật can thiệp tim mạch, chỉ còn kỹ thuật thay van nhân tạo qua da đang chờ hướng dẫn của Trung tâm tim mạch BV E. "Chúng tôi cũng thực hiện được bơm ximăng sinh học chữa xẹp lún cột sống, phẫu thuật thần kinh ít xâm lấn... 

Thu nhập cán bộ y tế cao nhất năm 2018 là 50,4 triệu đồng (năm 2017 là 46 triệu), bình quân 16 triệu đồng/tháng" - ông Mạnh nói.

BV tỉnh Phú Thọ cũng đang tự đổi mới rất nhanh. Trước đây, riêng chuyên ngành ung thư, 70-80% bệnh nhân ung thư ở Phú Thọ phải chuyển tuyến về BV K, nhưng gần đây BV tỉnh Phú Thọ là một trong hai cơ sở đầu tiên áp dụng big data, trí tuệ nhân tạo vào tìm phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân ung thư. 

Tỉ lệ bệnh nhân ung thư phải chuyển tuyến chỉ còn 1%. Nhiều bệnh nhân ở Tuyên Quang, Vĩnh Phúc cũng tìm đến BV này.

Từ một BV khá kín tiếng, BV trung ương Quân đội 108 giờ đây trở thành BV cởi mở, liên tục cập nhật thông tin về các ca bệnh khó. Đây cũng là BV đầu tiên có chương trình biểu diễn piano tại sảnh chính tòa nhà mới. Chị Đào, người nhà một bệnh nhân điều trị tại đây, cho biết dù phải ở dài ngày ở BV nhưng chị có cảm giác như ở nhà bởi sự thân thiện của BV này.

Chất lượng phục vụ tăng lên

BV quận Thủ Đức (TP.HCM) là BV tuyến quận đầu tiên của cả nước đạt BV hạng 1, BV tuyến quận đầu tiên của cả nước mổ tim hở, đồng thời hỗ trợ tích cực tuyến y tế dự phòng và thiết lập phòng khám vệ tinh rộng khắp...

Từ năm 2015, BV trở thành đơn vị tự chủ toàn phần, lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh rất cao. Trước đây có 2.000 - 2.500 bệnh nhân đến khám chữa bệnh nội, ngoại trú/ngày, hiện nay con số này là 6.000 - 6.500. Trong đó lượng bệnh nhân địa phương chiếm 40%, Bình Dương chiếm 20%, còn lại đến từ các tỉnh Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Tây.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, giám đốc BV, cho biết từ khi được tự chủ, đơn vị chủ động hơn trong các kế hoạch về nhân sự và đầu tư trang thiết bị y tế kỹ thuật cao bằng nhiều nguồn kinh phí: xã hội hóa, vay tổ chức tín dụng... 

Các phương tiện máy móc hiện đại được đầu tư đều không thua các BV ở tuyến trên, như máy chụp MRI 3.0 tesla ứng dụng trong tối ưu chẩn đoán các bệnh lý cơ xương khớp, thần kinh; máy chụp CT 264 lát cắt giúp tầm soát nhanh bệnh lý mạch vành; ứng dụng hệ thống máy DSA điều trị nhiều bệnh lý tim mạch, mạch máu não; hệ thống máy mổ tim, xét nghiệm... 

"Tự chủ đồng nghĩa với việc hoàn toàn chịu trách nhiệm với sự sống còn của đơn vị. Phải suy nghĩ cách nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo niềm tin của người bệnh, từ đó mới có thể tăng nguồn thu, lo cho đời sống nhân viên" - bác sĩ Quân nói.

Từ con số 200 bác sĩ ban đầu, đến nay BV này đã tăng lên khoảng 500 bác sĩ và 1.000 điều dưỡng, phục vụ khoảng 800 giường bệnh. Nhân sự BV cũng luôn được trẻ hóa nhằm phục vụ chiến lược phát triển lâu dài của đơn vị.

Không đổi mới sẽ tụt hậu

Cách đây 5 năm, khi có chỉ định đặt stent, ông Túc bắt buộc phải lên Hà Nội. Giờ đây, BV tỉnh Quảng Ninh đã đặt được stent và làm được nhiều kỹ thuật can thiệp tim mạch khác. Với điều trị ung thư, không chỉ Phú Thọ có Trung tâm ung thư làm được nhiều kỹ thuật, Bắc Ninh hiện cũng làm khá tốt và tỉ lệ chuyển tuyến về Hà Nội chỉ còn dưới 10% (bằng 1/8 so với trước đây).

Các BV cũng đang cạnh tranh về chất lượng phục vụ. Chị Đinh Thị Bích Thủy, tổ trưởng tổ công tác xã hội BV Đa khoa Quảng Ninh, cùng các chị em trong tổ luôn túc trực cạnh máy lấy số điện tử để hướng dẫn người bệnh đến khám với thái độ ân cần. 

Các quầy hàng phục vụ bệnh nhân được thiết kế đẹp mắt, không còn bóng hàng rong quanh cổng BV. "Bảng thông báo còn dán cả kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh đến khám. BV này đang vận hành khá chuyên nghiệp" - một thành viên đoàn công tác của Bộ Y tế nói.

Sự đổi mới, cạnh tranh của các BV tỉnh, BV tư nhân buộc các BV tuyến trung ương không thể đứng ngoài cuộc quan sát bởi nếu cứ "cành cao" mãi, họ sẽ không có bệnh nhân. Giờ đây, những BV tuyến trung ương vốn đông bệnh nhân nhất cũng phải đổi mới: BV Bạch Mai vừa đưa vào hoạt động tòa nhà 21 tầng mới, BV Bạch Mai và BV Việt Đức sắp đưa vào sử dụng cơ sở 2 hiện đại...

Giảm chi thường xuyên

Trong báo cáo gần đây, Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện hầu hết BV công tại TP đều được giao tự chủ chi thường xuyên. Nhờ đó, ngân sách chi thường xuyên năm 2018 giảm 1.300 tỉ đồng so với năm 2016. 

Để giám sát, đánh giá điều này, Sở Y tế TP triển khai hoạt động quản lý tự chủ tài chính và xây dựng phần mềm cảnh báo tình hình tự chủ tài chính tại các BV. Thông qua phần mềm, giám đốc các BV biết được tình hình tài chính của đơn vị thuộc các trạng thái "ổn định", "nguy cơ cần chủ động rà soát, chấn chỉnh" hay "nguy cơ cao cần giải trình, báo cáo".

Bà Đinh Thị Liễu, trưởng phòng kế hoạch - tài chính Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ năm 2006, đơn vị triển khai thí điểm tự chủ BV. 

Trong tổng số 55 BV trực thuộc Sở Y tế TP quản lý, đến nay chỉ còn 5 BV chưa được giao tự chủ toàn phần gồm BV Nhân Ái, Trại phong Bến Sắn (Bình Dương), Nhi Đồng TP, Tâm thần và Đa khoa Sài Gòn.

"Ngoài BV Nhi Đồng TP và Đa khoa Sài Gòn mới hình thành, các BV còn lại có đặc thù là chuyên điều trị các bệnh xã hội như HIV/AIDS, bệnh phong... do đó không có nguồn thu, buộc phải cấp ngân sách" - bà Liễu nói và cho biết đến nay mức chi ngân sách thường xuyên cho 5 BV này hoạt động giảm, còn 223 tỉ đồng/năm.

Theo đánh giá của bà Liễu, khi bước vào "cuộc chơi tự chủ", có nhiều BV vươn mình rất tốt nhưng cũng còn một số BV chưa tìm được lối ra hiệu quả. "Thực tế việc thu nhập tăng thêm ở nhiều BV khá thấp. Chỉ khi thu không bằng chi thì ngân sách nhà nước mới cấp, còn các BV thu bằng chi thì không còn được trợ cấp, nếu muốn tăng thu nhập phải tự phấn đấu" - bà Liễu nói.