"Tịnh thất Bồng Lai" nay đổi tên thành “Thiền am bên bờ vũ trụ” hiện là những từ khóa hot trên Google Việt Nam cũng như các điễn đàn giải trí. Đây là nơi sinh sống của 5 chú tiểu từng gây chú ý với khán giả trong lẫn ngoài nước khi tham gia chương trình “Thách thức danh hài” trên HTV7 (Đài Truyền hình TP.HCM). Ngoài ra, 2 chú tiểu tại đây cũng tham gia nhiều cuộc thi ca hát trên sóng truyền hình.
Gần đây, "Tịnh thất Bồng Lai" liên tục bị nhắc tên trên mạng xã hội vì bị tố cáo không phải là cơ sở Phật giáo, có dấu hiệu lạm dụng trẻ em để trục lợi cùng nhiều vấn đề liên quan khác. Đỉnh điểm, ngày 4/11, doanh nhân Nguyễn Phương Hằng cùng đoàn người xuống trực tiếp “Thiền am bên bờ vũ trụ” tại Long An như tuyên bố trước đó với mục đích gặp và trò chuyện với ông Lê Tùng Vân, người đứng đầu nơi đây. Sự việc thu hút nhiều YouTuber, người dân hiếu kỳ đến chứng kiến. Vì quá đông người có mặt trước "Tịnh thất Bồng Lai" giữa mùa dịch nên đôi bên không thể gặp gỡ như dự kiến.
Mới đây, phía "Tịnh thất Bồng Lai" tuyên bố sẽ kết thúc câu chuyện lùm xùm với doanh nhân Nguyễn Phương Hằng. "Từ trước tới nay, chúng tôi chỉ có 2 lần phát ngôn chính thức qua đoạn video của ông Lê Tùng Vân. Tuy nhiên, lần nói chuyện thứ hai cũng sẽ là lần cuối cùng bởi chúng tôi quyết định sẽ không đôi co với bà Phương Hằng nữa. Bởi lẽ, bà ấy nhỏ hơn sư phụ tôi mà dùng những lời lẽ rất khó nghe", người đại diện nói.
Đồng thời, phía "Tịnh thất Bồng Lai" cũng tiết lộ, hiện nơi đây có gần 30 người sinh sống, đa số là trẻ em... Theo đó, nguồn thu chính của mọi người đến từ 4 kênh YouTube đang quản lý, làm đá phong thủy, buôn bán rau ngoài chợ...
“Thời điểm 5 chú tiểu tham gia Thách thức danh hài, kênh YouTube của Thiền am thu về 200 triệu đồng. Những tháng đỉnh điểm cũng rơi vào 100 triệu đồng. Còn trung bình mỗi tháng trên dưới 50 triệu đồng. Do kênh làm về nội dung trẻ em, YouTube hạn chế quảng cáo nên nguồn thu nhập ít hơn các Youtuber khác”, đại diện "Tịnh thất Bồng Lai" nói.
Hiện "Tịnh thất Bồng Lai" quản lý 4 kênh YouTube, mỗi tháng thu về số tiền khá lớn
Hiện tại, Nhất Nguyên và Hoàn Nguyên là 2 người quản lý thu chi tại "Tịnh thất Bồng Lai". 70 triệu mỗi tháng là số tiền họ dùng để lo chi phí ăn uống, sinh hoạt cho các bé. Nếu sau này không làm YouTube, những người trong "Tịnh thất Bồng Lai" dự định sẽ nuôi trồng thủy sản vì trước đây từng có nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực này.
"Nếu sau này không làm Youtube, thiền am sẽ chuyển qua nuôi trồng thủy sản tiếp. Công việc ổn định, có công thức sẵn, chắc chắn sẽ thành công. Chúng tôi sống như mọi người, đều phải đi làm, bỏ công sức của mình ra, tự mình làm đồng tiền nuôi mình và nuôi nhiều người, không có sống nhờ mạnh thường quân nào hết", phía "Tịnh thất Bồng Lai" thẳng thắn nói thêm.
Trong buổi họp báo định kỳ của Bộ Nội vụ mới đây, ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, "Tịnh thất Bồng Lai" sau này đổi tên “Thiền Am bên bờ vũ trụ”, thực chất đây là cơ sở do bà Cao Thị Cúc (trú tại ấp Lộc Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) thành lập. Bản thân bà Cúc lúc đầu xây dựng nhà riêng để ở, sau đó vận chuyển các tượng Phật và đồ thờ cúng vào để biến nơi này thành một cơ sở thờ tự bất hợp pháp.
Theo báo cáo của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Long An gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, cơ sở trên có một số sai phạm, như: Các công trình xây dựng đều do cá nhân đứng tên và xây dựng trên đất ở nông thôn. Chủ cơ sở đã sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. UBND xã Hòa Khánh Tây cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc bà Cúc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
Theo Bộ Nội vụ, "Tịnh thất Bồng Lai" hay "Thiền am bên bờ vũ trụ" không phải là cơ sở Phật giáo
Theo Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, tại hộ bà Cúc có 8 trẻ em, trong đó có 6 trẻ được bà Cúc xác định sống với mẹ ruột và 2 trẻ được nhận nuôi từ 2019 đến nay. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Trọng thông tin, việc lập hồ sơ nhận con nuôi còn nhiều tình tiết chưa đảm bảo theo quy định pháp luật, do đó phía xã Hòa Khánh Tây chưa thống nhất để bà Cúc nhận con nuôi. Hiện, Uỷ Ban Nhân Dân huyện Đức Hòa tiếp tục làm việc với những phụ nữ có con ở cơ sở trên để làm rõ thêm những nội dung liên quan.
“Vụ việc này có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Mặc dù bà Cúc khẳng định chỉ thờ tượng Phật tại gia, không phải sinh hoạt tôn giáo”, ông Nguyễn Tiến Trọng nói và khẳng định, sẽ tiếp tục đề nghị Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Long An cùng các cơ quan chức năng tỉnh xác minh, làm rõ các nội dung liên quan để xử lý theo quy định.