Tôi cưới em, nhưng không phải là tình yêu gấp gáp, mãnh liệt của tuổi trẻ, cũng không lãng mạn, hẹn hò...
Tôi tốt nghiệp đại học khi đã ngoài 30 tuổi, thêm một năm thất nghiệp mới xin được việc. Vì vậy ngay khi mới vào cơ quan, tôi đã được đưa vào "nhóm người cao tuổi".
Tình yêu và nỗi hoài nghi
Trải qua tuổi thơ cơ cực, học hành dang dở, chắp nối, tôi không hề có suy nghĩ coi thường bất kỳ ai mà đều hòa đồng vui vẻ. Như thói thường ở đời, tôi có một nhóm bạn và cả những người không ưa tôi. Trong nhóm bạn, có cô gái là vợ tôi bây giờ.
Thật ra, em là bạn mấy cậu bạn trẻ, dần dà chúng tôi quen rồi thân thiết chuyện trò. Nghe đâu lúc ấy, em yêu một người cùng cơ quan. Có lần, em chủ động tâm sự rằng không thể có tình yêu với người ấy vì truyền thống gia đình không cho phép. Tuy vậy, anh ta cứ đến chơi vài lần rồi đi, rồi lại đến vài lần và đi, nên mọi người bàn tán.
Tôi tin em nói thật. Khi đã thân thiết, thêm bạn bè và gia đình vun vào, tôi cưới em. Nhưng không phải là tình yêu gấp gáp mãnh liệt của tuổi trẻ, cũng không lãng mạn, hẹn hò, tôi và em đến với nhau trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Em chuyển nơi công tác trước ngày cưới vì nhiều lý do. Tôi ủng hộ quyết định đó. Cưới nhau xong, đôi lúc tôi ngạc nhiên với chính mình. Trong những ngày yêu và cưới em, tôi không nhận ra lời bàn tán của người trong cơ quan và hình như cả chút vấn vương của em với chàng trai cũ.
Một thời gian sau ngày cưới, tôi lại ngạc nhiên vì nhận được sự quan tâm hỏi han của những người trước đây tỏ ra không ưa tôi. Họ hay rủ tôi nhậu khi tan giờ làm, họ khen vợ tôi hiền lành, sống hay và có tình yêu mãnh liệt.
Tôi vui vì điều đó. Lâu dần, họ vẫn khen nhưng thêm vào chú thích: đó là nhận xét của người đàn ông cũ về vợ tôi. Tôi không tin vợ mình từng có tình yêu sâu đậm với người cũ như vậy, nhưng trong lúc ngà ngà say, họ cố chứng minh cho tôi thấy. Yêu rồi chia tay, lại yêu và lại chia tay nhiều lần. Thậm chí khi thân thiết với tôi, em cũng còn đi uống cà phê, đi chơi với người ấy. Đó là tình yêu thật sự lớn, nếu không vì truyền thống gia đình chắc chắn họ là đôi trời sinh.
Tôi cũng cố bảo vệ vợ mình rằng em ngây thơ đến dại dột, ai nói gì cũng thật thà tin theo. Tôi muốn mọi người biết rằng chúng tôi đến với nhau vì tình cảm, không phải là chắp vá hay để lấp đầy khoảng trống ai đó đã tạo ra.
Tuy nhiên, không biết từ khi nào những lời nói không hay đó đã dần thấm vào suy nghĩ của tôi. Khi đã dao động thì bao lời khuyên của nhóm bạn tốt cũng không đủ để giữ tôi lại bên yêu thương và niềm tin của vợ. Tôi hoài nghi tình cảm vợ dành cho mình. Tôi đã từng hạnh phúc với chút tình thừa. Tôi là kẻ chen ngang vào đôi trời sinh. Và tôi sa sút dần.
Gia đình nhìn tôi xót xa, đồng nghiệp không khỏi ngỡ ngàng vì sự thay đổi của tôi. Chỉ những người mang đến cho tôi lời không hay vẫn vui vẻ. Đời sống gia đình lạnh nhạt dần, sự quan tâm của tôi dành cho vợ cũng ít đi.
Cũng có lần tôi đem nỗi hoài nghi nói với vợ, nhưng em lại thật thà bảo người ta nói không đúng và bảo tôi đừng tin, mà không hề giải thích thêm. Nỗi hoài nghi không được tháo gỡ và rạn vỡ bắt đầu hiện ra. Tôi đi làm về muộn, ngập ngụa men rượu thường xuyên.
Ánh mắt con thơ và hạnh phúc gia đình
Cưới nhau hơn một năm, vợ tôi sinh con. Đêm em trở dạ, người nhà phải đưa đi bệnh viện. Còn tôi về nhà trong cơn say vùi lúc đêm đã khuya.
Trưa hôm sau tôi mới đến bệnh viện. Vợ sinh khó, phải đợi tiểu phẫu, tôi bắt đầu lo lắng. Khoảnh khắc ngồi ngoài phòng hộ sinh chờ nghe tiếng khóc trẻ thơ thật căng thẳng, hồi hộp. Hình dung vợ trong cơn đau quặn, tôi thấy mình đã quá vô tâm, cảm giác như mình đã phản bội sự tin yêu của vợ. Nỗi hoài nghi thay bằng tâm trạng tội lỗi, ăn năn.
Đến tối, vợ tôi sinh xong và được đưa xuống phòng hậu sản. Em kiệt sức sau cơn vượt cạn, bác sĩ dặn để em nghỉ ngơi và giao con cho tôi. Bế hình hài nhỏ bé mà tôi cảm giác như mình đang ôm cả cuộc sống trong vòng tay. Ánh mắt trong veo nhìn tôi như có mãnh lực gạt bỏ hết hoài nghi để mang về ngập tràn yêu thương.
Tôi biết mình đang ôm vào lòng cả máu thịt của tôi và vợ hòa làm một trong con. Còn nhớ đêm đó tôi đã bế con đi lòng vòng trong căn phòng nhỏ suốt đêm mà không hề thấy buồn ngủ. Thỉnh thoảng cho con bú bằng chai sữa pha sẵn, nhìn đôi môi bé tí ngậm núm bình sữa, ánh mắt nhìn tôi như đang cười, tôi hiểu mình có trách nhiệm mang lại cho con tháng ngày an vui.
Nhìn vợ thiếp đi, vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt, tôi thấy đau lòng khi nghĩ trong vẻ mặt đó có một phần do sự vô tâm, hoài nghi của tôi những ngày tháng qua.
Đưa vợ về nhà chăm sóc, suốt bốn tháng tôi đều giặt đồ cho vợ con trước khi đi làm. Kể từ ngày có ánh mắt con, tôi biết trách nhiệm mình nhiều hơn những gì đã làm. Bạn bè vẫn rủ rê, nhưng tôi phải về vì con đang đợi.
Mười năm trôi qua, gia đình tôi đã có thêm đôi mắt trẻ thơ nữa, nhưng ánh mắt con lần đầu nhìn tôi vẫn là khoảnh khắc khó phai. Ánh mắt ấy dắt tôi về từ nỗi hoài nghi, sa ngã, trả tôi về với yêu thương gia đình. Ánh mắt con trẻ đã mang yêu thương sưởi ấm gia đình tôi.
Theo Tuoitre