Gần đây, có một người đàn ông 50 tuổi tên Lu Baolu, tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc trở thành đề tài bàn tán trên mạng xã hội. Mọi người thường cho rằng, những ai tốt nghiệp từ ngôi trường danh tiếng này ít nhiều cũng thuộc tầng lớp ưu tú của xã hội.
Sau khi tốt nghiệp, anh đầu quân cho một công ty lớn, rất nhanh sau đó trở thành giám đốc điều hành. Sau hơn 10 năm làm việc, thu nhập sau thuế hàng tháng của anh rơi vào khoảng 25.000 tệ (86 triệu đồng). Anh tự mình mở thêm 3 cơ sở giáo dục và đào tạo tại Trung Quốc, công việc kinh doanh rất phát đạt.
Thế nhưng, thương trường vốn cạnh tranh khốc liệt, chẳng bao lâu sau, có nhiều người bắt chước mô hình kinh doanh trường học của anh. Công việc kinh doanh ngày càng khó khăn, áp lực chồng chất, gia đình đối diện nguy cơ tan vỡ, anh quyết định bỏ việc.
Ở tuổi 40, tìm một công việc nào đó phù hợp ở Trung Quốc rất khó. Nhìn thấy hệ thống an sinh xã hội tốt, y tế và giáo dục miễn phí, anh quyết định đến Đức tìm cơ hội.
Ở nước ngoài, anh gặp không ít vấn đề về chuyên môn và khó khăn trong công việc. Lúc này, anh nhận thấy có nhiều người chọn làm thợ xây, thợ điện, thợ sửa ống nước… và hầu hết đều ở tầng lớp trung lưu.
Anh nhanh chóng vượt qua rào cản ngôn ngữ, học nghề điện, sau khi có chứng chỉ năng lực, anh bắt đầu làm riêng. Sau vài tháng kiên trì, anh đã thích nghi với cuộc sống mới. Hiện anh đang đảm nhận 4 công trình, mỗi công trình có chi phí vài nghìn euro, thời gian hoàn thành khoảng 2 tuần. Theo cách này, mức thu nhập của anh thuộc tầng lớp trung lưu thượng lưu ở Đức.
Từng là một người thành đạt ở Trung Quốc, sở hữu nhà và lái xe Mercedes Benz nhưng giờ ở Đức anh đi xe đạp đi làm mỗi ngày. Anh muốn dành nhiều thời gian cho gia đình hơn.
Anh cho biết hiện tại mình sống rất thoải mái và không có nhiều áp lực. "Khi tan làm ở Đức, bạn sẽ có cuộc sống của riêng mình, thoải mái uống rượu ở nhà và quây quần bên gia đình. Tất nhiên, nếu bạn muốn làm thêm giờ cũng được, thu nhập sẽ cao hơn tùy vào cường độ làm việc của bạn", anh chia sẻ.
Giờ đây, gia đình 4 người của anh sống trong một biệt thự rộng 200m2, chỉ riêng khu vườn đã rộng 500m2.
Anh chia sẻ rằng, mình từng rất vất vả để học tập tại Trung Quốc, đặc biệt trong trường Thanh Hoa. Trước đây, anh sống và làm theo nhu cầu của xã hội nhưng giờ ở nước ngoài, những người lao động có tay nghề lại được ưa chuộng hơn. Anh cho biết có rất nhiều chuyên ngành trong trường đại học không có tính thực tiễn ngoài đời.
Dựa trên kinh nghiệm sống của mình, anh nhận thấy vị trí quản lý ngày càng ít công ty cần, trong khi đó người lao động có tay nghề sẽ ngày càng được xã hội chuộng hơn. Ở các thành phố ven biển, những người thợ lành nghề đôi khi còn có thu nhập cao hơn vị trí quản lý.