Tuổi trẻ có thanh xuân vô giá nhưng phải biết "tìm ra kho báu" kinh nghiệm mới có được thành công

Kinh nghiệm là thứ phải tích lũy ngay từ thời đi học

Các nhà tuyển dụng muốn sức chiến đấu ở nhân viên lớn tuổi và kinh nghiệm của nhân viên trẻ tuổi. Vậy người trẻ đang làm gì để tích lũy kinh nghiệm?

Nghe thì có vẻ vô lý bởi không ai nói người trẻ có kinh nghiệm cả. Nhưng các nhà tuyển dụng luôn đăng thông báo cần 1 - 2 năm kinh nghiệm khi tuyển dụng, không phải là 0 năm, cũng không phải là 10 năm. Và họ cũng thường hỏi những câu hỏi để xem ứng viên hiểu biết gì về ngành nghề, công việc sẽ được giao hay nói cách khác đó là những kinh nghiệm ban đầu khi tiếp xúc nghiên cứu về lĩnh vực đó.

Dù bạn còn trẻ, mới ra trường thì khi đi thi tuyển, bạn không thể nói em chưa có kinh nghiệm hay em chưa làm qua cái này, tìm hiểu cái kia... Nếu trẻ mà lại nhiều kinh nghiệm thì bạn "bá đạo". Vậy bạn đã làm gì để tích lũy kinh nghiệm cho mình?

Đời người dài nhưng thanh xuân thì ngắn. Muốn thành đạt thì ngay từ khi còn là sinh viên, bạn phải có phương án tích lũy kinh nghiệm trong ngành nghề mình theo đuổi để tìm cho mình một công việc ổn định sau này. Vừa học vừa làm thêm luôn là cách bạn trẻ xưa nay theo đuổi.

Bạn cần phải phân biệt được mục tiêu của mình là đi làm để học hỏi thêm kiến thức và tiếp thu kinh nghiệm chứ không phải để kiếm tiền nuôi bản thân. Đây chưa phải lúc bạn tự bươn trải. Nếu bạn xác định sai mục tiêu, mọi công sức và thời gian mà bạn bỏ ra trong suốt quá trình học tập sẽ thật lãng phí.

Hiện nay, hầu hết sinh viên đều tìm công việc làm thêm với nhiều mục đích khác nhau. Phần lớn bạn trẻ đi làm để có thêm tiền chi tiêu, mua sắm quần áo, giải trí... Nhiều sinh viên không ngần ngại làm bồi bàn, phục vụ ở các quán ăn, quán trà sữa hay làm giúp việc theo giờ... bởi những công việc này không quá vất vả và kiếm được một khoản tiền “kha khá”.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, những công việc trên chỉ dành cho các sinh viên năm nhất hoặc năm hai vì đây cũng là một trong những công việc giúp sinh viên mới lên thành phố có những trải nghiệm ngoài cuốc sống, tăng kỹ năng làm việc, giao tiếp. Ngoài ra, những kiểu công việc phù hợp cho những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình không đủ điều kiện để hỗ trợ học hành.

Còn nếu gia đình không quá khó khăn về kinh tế thì bạn hãy tìm kiếm cho mình một công việc có liên quan mật thiết đến ngành học hoặc nghề nghiệp mà bạn ước mơ theo đuổi. Điều này sẽ giúp cho bạn bổ sung được các kiến thức thực tế, trau dồi kỹ năng mềm.

Những lý thuyết trong sách vở mà bạn vẫn thường được nghe cô thầy giảng dạy sẽ được thực hành ngay trong chính việc làm thêm đó. Ví dụ như sinh viên ngành báo chí có thể trở thành cộng tác viên cho các tòa soạn báo để trau dồi kỹ năng viết lách cũng như học hỏi được cách sàng lọc tin tức hay cách thức viết bài; sinh viên chuyên ngành marketing, kinh tế có thể trải nghiệm ở các vị trí PG, nhân viên của các sự kiện truyền thông; sinh viên ngành điện lực có thể thực tập không lương tại các nhà máy, công trường...

Bạn cũng phải sắp xếp thời gian cũng như cân bằng sức lực giữa việc học và đi làm sao cho thật hợp lý. Đừng vì quá hăng say với công việc mà lơ đãng việc học của mình để ảnh hưởng tới kết quả học, thi..., khiến việc ra trường bị chậm trễ, ảnh hưởng đến cơ hội tìm công việc phù hợp với bản thân sau khi ra trường.

Kỳ nghỉ hè cũng là một trong những khoảng thời gian lý tưởng dành cho sinh viên lên kế hoạch trau dồi kinh nghiệm thay vì tiêu tốn thời gian cho việc xem phim, lướt mạng xã hội một cách nhàm chán. Bạn có thể làm việc part-time hay full-time trong 3 tháng hè mà không cần phải đau đầu sắp xếp thời gian biểu. Thêm vào đó, chỉ với một lượng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để bạn trải nghiệm và thử sức mình với các nhà tuyển dụng.

Đặc biệt, các kỳ kiến tập hay thực tập mà trường ĐH đề ra cũng là hành trang bước vào đời của sinh viên. Đây là cơ hội để sinh viên được làm quen với những công việc có liên quan đến chuyên môn của mình cũng như hình dung ra được những bước tiếp theo sau khi ra trường tìm việc làm. Thậm chí, đây cũng là cơ hội “ngàn năm có một” để gặp gỡ những người có tầm hiểu biết sâu rộng và có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong ngành nghề bạn theo đuổi.

Làm việc lấy kinh nghiệm hay chỉ để kiếm tiền?

Sau khi ra trường, đã có không ít bạn trẻ bị khủng hoảng về vấn đề tìm việc làm. Mối lo ngại ấy cùng chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” làm bạn có những suy nghĩ tiêu cực và bi quan. Chính những sức ép vật chất khiến nhiều bạn trẻ mới ra trường quyết tâm phải đi làm để kiếm thật nhiều tiền.

Dẫu biết mỗi người đều có nhiều lựa chọn cho công việc của mình, nhưng trên thực tế, nhiều bạn trẻ sau khi ra trường đã chọn cho mình những công việc không như mong ước của bản thân. Tuy nhiên, nếu còn tuổi trẻ và còn sức khỏe thì liệu chúng ta có nên dập tắt ước mơ bằng những lợi ích trước mắt?

Tỷ phú Mark Cuban từng nói rằng: “Nếu bạn mãi tính toán về đồng lương, chưa hẳn bạn đã thích công việc đó đâu. Bạn hãy tìm cho mình một công việc khiến bản thân khao khát đến mức có thể sống như một sinh viên nghèo, chỉ để được làm nó mỗi ngày. Đó là khi bạn tìm thấy nơi mình thuộc về”.

Thiết nghĩ, câu nói này phù hợp với những ai còn trẻ. Sau tốt nghiệp, bạn có thể nộp đơn xin việc, thậm chí xin học việc vào các công ty có chuyên ngành mà mình yêu thích để thử sức. Dù số tiền lương ít ỏi nhưng chắc chắn, với niềm hứng khởi trong công việc, bạn sẽ trở nên yêu đời, lạc quan hơn và tích lũy được nhiều kiến thức chuyên môn cũng như nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề hơn.

Trong quá trình làm việc, có những lúc bạn sẽ gặp nhiều khó khăn và thử thách, tuy nhiên sự chăm chỉ, ý chí quyết tâm học hỏi sẽ rèn giũa cho bạn tính kiên trì và không ngại gian khổ trong công việc. Bên cạnh đó, nó còn giúp bạn hình thành nên một phong cách làm việc chuyên nghiệp, chịu được áp lực cao, giải quyết công việc nhanh chóng nhưng vẫn giữ được mối quan hệ thân thiện với đồng nghiệp.

Khi đã tích lũy được vốn kinh nghiệm dồi dào, cũng là lúc bạn có quyền đặt ra những dự định cho tương lai của mình. Bạn có thể ở lại công ty nỗ lực làm việc để được ghi dấu ấn với nhà tuyển dụng trong việc thăng tiến hay tính chuyện tìm kiếm một con đường đi riêng để khởi nghiệp trong ngành nghề mà mình đã nắm rõ. Dẫu cho “đi hay ở” thì chắc chắn ở thời điểm đó, trong bạn đã tràn đầy sự tự tin và niềm hứng khởi về sự thành công của mình.

Ngày nay, “nhảy việc” không còn là cụm từ xa lạ đối với bạn trẻ bởi nếu công ty hiện tại không đáp ứng được hết những kinh nghiệm mà bạn muốn có thì bạn có thể ngó nghiêng các cơ hội xung quanh. Điều quan trọng "nhảy" khi ta đã "đủ lông đủ cánh". Mặc dù xu hướng hiện nay là đề cao những người có thể làm việc đa nhiệm, có khả năng đảm trách nhiều công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng trên hết, bạn phải giữ cho mình một lĩnh vực chuyên môn mà bản thân thực sự yêu thích và đam mê.

Thời điểm “vàng” phát huy kinh nghiệm

Sau một quá trình tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ thời đại học cho tới lúc đi làm, đã đến lúc bạn phát huy hết khả năng của mình? Đối với nhiều người, thời điểm mà họ lĩnh hội hết những kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực theo đuổi suốt thời thanh xuân là ở tuổi 30. Đây là tuổi đẹp nhất để đạt được thành công nhất định trong cuộc sống bởi nếu chịu khó hy sinh làm việc hết sức mình khi còn trẻ, lúc trưởng thành họ sẽ cảm thấy tự tin, bản lĩnh hơn.

Cũng có những người có chí tiến thủ, chỉ sau 5 - 7 năm làm việc trong một lĩnh vực, họ đã có thể tích lũy đủ kinh nghiệm và phát huy hết khả năng của mình. Điểm mấu chốt của những con người tài ba này là họ luôn có một nguyên tắc làm việc: Không bao giờ thay đổi ngành nghề và chức vụ cùng một lúc. Họ nhận ra là dù ở vị trí nào trong công việc, nếu như thời gian làm công việc đó của họ ngắn hạn thì họ chỉ có thể hiểu được bề ngoài của công việc mà thôi. Muốn nắm bắt được kinh nghiệm thì không còn cách nào khác là phải gắn bó lâu dài và am hiểu về công việc đó.

Cũng có không ít người quyết định lập gia đình và sinh con trong lúc tích lũy các kinh nghiệm. Xong chuyện gia đình mới là lúc họ bung sức phát huy tối đa khả năng. Đôi khi không phải vì họ không có ý chí phấn đấu mà đơn giản là họ chỉ muốn chờ đợi thời cơ “chin muồi” để tỏa sáng. Gia đình là động lực lớn lao để mọi người có thể thể hiện được hết tất cả những khả năng của mình trong công việc.

Trên thế giới, có những nhân tài thậm chí khi ngoài tuổi 40 mới bộc lộ những khả năng đặc biệt. Họ dành cả tuổi thanh xuân và đánh đổi cả sự trưởng thành để theo đuổi niềm đam mê và tích lũy kinh nghiệm. Mặc dù thành công nở muộn nhưng nó lại là một sự thành công vang dội.

Đã có rất nhiều doanh nhân huyền thoại Mỹ khởi nghiệp ở tuổi ngoài 40 như Colonel Harland Sanders, Ray Kroc, David Duffield, Henry Ford, Sam Walton... Để đạt được mong ước trong sự nghiệp của mình, chắc hẳn họ đã phải đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu sau bao thăng trầm mà họ phải trải qua.

Tuổi trẻ là thế, nếu không chịu đầu tư thời gian và sức lực để xông pha, chinh chiến với nó thì bạn khó có thể dành trọn cho mình “cả một bầu trời kinh nghiệm”. Dù trong khoảng thời gian bước vào đời, chúng ta có thể gặp nhiều giông bão, song để đi tới thành công thì tuyệt đối bạn không được nản chí và đánh mất tinh thần học hỏi của bản thân./.