Theo thông báo chính thức, 4 môn thi bắt buộc vào lớp 10 tại Hà Nội là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Trong khi đó, Sở GD&ĐT TP HCM sẽ không cộng điểm nghề trong kỳ thi tới.
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa qua đã có công văn gửi các phòng GD&ĐT, trường THPT, trung tâm nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên về thông báo các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019 - 2020 với thông tin đáng chú ý là môn thi thứ 4 được quyết định chọn Lịch sử. Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh được phép chọn đăng ký dự thi một trong các môn: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật (thí sinh được đăng ký thi môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học ở trường THCS).
Các bài thi Toán và Ngữ văn sẽ theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Bài thi Ngoại ngữ theo hình thức kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận, thời gian làm bài là 60 phút. Bài thi Lịch sử làm theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài cũng 60 phút.
Bài thi hoặc phần thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan sẽ có nhiều mã đề trong một phòng, đảm bảo nguyên tắc 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề, thí sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Kết quả bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phầm mềm máy tính. Đề thi bao gồm các câu hỏi theo chuẩn kiến thức kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.
Đề thi Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Còn đề thi Ngoại ngữ, Lịch sử chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu vận dụng thấp.
30.000 học sinh TP HCM sẽ không vào lớp 10 công lập
Tại TP HCM, theo số liệu thống kê thì năm học 2018 - 2019, thành phố có khoảng 105.000 học sinh đang theo học lớp 9, tăng nhẹ so với năm học trước. Tuy nhiên, đến năm 2020 sẽ chỉ còn 60% học sinh vào lớp 10 công lập. Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến với lớp 10 công lập tại TP HCM năm học 2019 - 2020 là khoảng 70.000 học sinh, không tăng so với các năm trước.
Như vậy, sẽ có khoảng hơn 30.000 học sinh lớp 9 tại TP HCM trượt lớp 10 công lập trong mùa tuyển sinh tới. Năm nay, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh sẽ không công bố đề thi minh họa cho kỳ thi lớp 10. Theo quy định của UBND TP HCM, thời gian dự thi kỳ thi lớp 10 năm 2019 sẽ do giám đốc Sở GD&ĐT quyết định. Thí sinh dự thi sẽ trải qua 3 bài thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Đối với môn Ngữ văn, cấu trúc đề thi năm 2019 sẽ vẫn gồm 3 phần. Phần đọc - hiểu vẫn là chọn một văn bản để học sinh trả lời các câu hỏi với nội dung mang tính thời sự, thực tiễn nhưng vẫn phù hợp, gần gũi với tâm lý lứa tuổi của các em. Hình thức đọc văn bản cũng được mở rộng đa dạng, có thể là một biểu đồ, một hình ảnh...
Các câu hỏi ở phần đọc - hiểu sẽ chia thành 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, phân tích, vận dụng và đưa ra quan điểm riêng. Ở phần nghị luận xã hội sẽ có những câu hỏi có tính chất định hướng cho thí sinh.
Câu số 4 là những lựa chọn khá quen thuộc. Phần này sẽ thay đổi cách hỏi để yêu cầu học sinh phải vận dụng tổng hợp kiến thức với mục đích kích thích sự tư duy của học sinh.
Cả 2 môn Toán và Tiếng Anh, theo Sở GD&ĐT TP HCM, vẫn giữ nguyên cấu trúc đề thi như năm trước. Đề thi vẫn có những câu hỏi yêu cầu học sinh phải sử dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống trong thực tiễn. Cũng bắt đầu từ năm học 2019 - 2020 Sở GD&ĐT TP HCM sẽ không cộng thêm điểm nghề trong kỳ thi vào lớp 10.
Học sinh TP HCM chỉ được cộng các loại điểm sau:
- Cộng 2 điểm cho một trong các đối tượng là con liệt sĩ, con thương binh mất sức lao động 81% trở lên, con của người được cấp "Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên".
- Cộng 1,5 điểm cho một trong các đối tượng là con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con thương binh mất sức lao động dưới 81%, con của người được cấp "Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%".
- Cộng 1 điểm cho một trong các đối tượng là người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; Người dân tộc thiểu số.
Theo Trí Thức Trẻ