Vượt lên hoàn cảnh mồ côi cha mẹ, nữ sinh dân tộc Lự xuất sắc đỗ đại học và khát khao phát triển du lịch quê nhà

Cô nữ sinh dân tộc Lự - Tao Thị Ón đang dần hiện thực hóa ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch để lan tỏa những nét đẹp văn hóa của quê hương Lai Châu.

Tao Thị Ón (SN 2001), người dân tộc Lự, sinh ra và lớn lên ở bản Nậm Ngập, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Vượt lên những khó khăn về vật chất và tinh thần, Ón quyết tâm thi THPT Quốc gia và đỗ vào Học viện Phụ nữ Việt Nam. Cô bạn là một trong 120 tấm gương học sinh, sinh viên và thanh niên dân tộc vừa được vinh danh năm 2019.

Cô gái Ón là con út trong gia đình 8 anh chị em. Mẹ Ón mất từ năm 1 tuổi, lên 3 tuổi bố cũng không còn. Từ đó, các anh chị cùng chăm sóc cho cô bé. Nhỏ tuổi nhất trong ngôi nhà nhiều thế hệ (người anh cả của Ón sinh năm 1975), đôi khi cô bạn cảm thấy cô đơn vì không thể chia sẻ một số chuyện.

Cô bé cứ thế lớn lên, tìm niềm vui bên những trang sách vở. Suốt 12 năm học, Ón bền bỉ, tự học, tìm niềm đam mê ở những môn xã hội. Ngoài thời gian học ở trên lớp, không giống như học trò miền xuôi có lò luyện thi đại học, Ón về nhà tự học. Có những hôm cô bạn học đến tận 2 - 3h sáng.

Mơ ước của Ón là được "vươn" ra khỏi bản Nậm Ngập, tìm đến với những vùng đất mới, được nghe những câu chuyện mới và gặp những con người của những nền văn hóa khác nhau. Tháng 8 năm nay, Ón thi đỗ Học viện Phụ nữ Việt Nam với 23,5 điểm, trong đó 7 điểm Văn; 8,5 Sử và 8 Địa. Với kết quả này, nữ sinh vừa mừng vừa lo.

Chị gái khuyên Ón không nên học đại học vì gia đình chị có hai con nhỏ, nếu em muốn học thì phải tự lo cho bản thân. Hơn nữa, nhìn hai anh trai học đại học 4 năm ra thất nghiệp, chị không đành lòng để Ón xuống Hà Nội một mình. Lòng Ón trĩu nặng, mơ hồ tưởng tượng đến giảng đường đại học.

Ngày nhận được giấy báo nhập học, chuẩn bị mọi thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, Ón hít một hơi thật sâu, quyết tâm "làm công tác tư tưởng" với chị gái thêm lần nữa. Nhưng câu trả lời Ón nhận được vẫn là cái lắc đầu chắc nịch. Chị nói biết Ón khát khao đi học, nhưng hoàn cảnh nhà không cho phép. Nghe từng lời của chị mà cô gái Ón khóc nấc lên. Vậy là mơ ước được học ngành du lịch của cô gái nhỏ tan vỡ.

Thương chị, Ón tạm gác giấc mơ với giảng đường đại học nhưng vẫn xuống Hà Nội với dự định đi làm 3 tháng rồi lấy tiền đi học tiếng Anh, hoặc tiếng Trung để có thể xin đi làm. Khăn gói xuống Hà Nội làm thêm, Ón được người anh họ giới thiệu vào làm tại một quán lẩu ở quận Bắc Từ Liêm với công việc chạy bàn. Mỗi ngày làm từ 9h đến 14h, chỉ nghỉ ngơi 2 tiếng rồi lại tiếp tục làm đến 23h, mức lương 4 triệu đồng/tháng và được bao ăn ở.

Công việc này đem lại cho cô gái những trải nghiệm mới mẻ, khác với tưởng tượng, giúp Ón cải thiện khả năng giao tiếp, tạo thiện cảm với mọi người. Tuy nhiên trong quá trình làm việc, nhìn các bạn sinh viên đến quán ăn, khát khao về đại học lại trỗi dậy.

Cho đến một ngày, Ón bất ngờ nhận được cuộc điện thoại hỏi thăm là đang làm gì, ở đâu, có đang đi học không... Ón nói là mình đang đi làm. Đầu dây bên kia tiếp tục hỏi có muốn đi học không, lúc đó trong lòng Ón trào dâng một thứ cảm xúc khó tả. Không ngần ngại, cô bạn trả lời ngay: "Có ạ!".

Sau đó chỉ mấy hôm, cô bạn dân tộc Lự - Tao Thị Ón chính thức ghi danh vào Học viện Phụ nữ Việt Nam, ngành Quản trị Du lịch, tiếp tục xây dựng mơ ước của mình. Hiện nữ sinh dân tộc dự định sẽ hoàn thành xuất sắc 4 năm đại học.

Tốt nghiệp xong, Ón tính ở lại Hà Nội một thời gian để đi làm ở khách sạn hoặc tại các hãng du lịch. Bên cạnh đó, ngay từ bây giờ em sẽ bắt đầu học thêm tiếng Anh. Ước mơ của Ón một ngày không xa sẽ về lại quê hương để phát triển du lịch, nhất là ở huyện Tam Đường, Lai Châu.

Tam Đường - Lai Châu rất có tiềm năng để phát triển du lịch.

Theo VTC News


* Nội dung liên quan: