Xóm Gò Mả Sài Gòn: 3-4 ngôi mộ nằm trước cửa nhà

Ở cuối con hẻm 361 Bình Đồng, tổ dân cư 35, khu phố 4, phường 15, quận 8, TP.HCM là xóm Gò Mả được hình thành từ trước năm 1975. Đường đi vào chật hẹp, nhà cửa chen chúc nhau.

Chiều ngày 8/8, Gò Mả mưa lất phất. Thấy có người lạ đến, mọi người trong xóm ra hàng ghế đá ngoài bãi đất trống (trước đây là chi chít các ngôi mộ) che dù ngồi nói chuyện.

Bà Võ Thị Kim Phượng, Tổ trưởng dân cư 35 cho biết, trước đây, Gò Mả là bãi đất trống, sình lầy. Dân ở khu dân cư có người thân qua đời thì mang ra chôn cất. Lâu dần, nơi đây thành khu nghĩa địa của tổ dân cư 35.

Sau đó, những người lao động nghèo từ nơi khác đến dùng tôn, bạt, lá dừa nước, phên… dựng nhà ngay cạnh các ngôi mộ, thậm chí trên các ngôi mộ làm nơi ở. Ban đầu chỉ một vài nhà. Sau đó, tiếng đồn lan ra, số lượng người đến đông dần nên nơi đây hình thành ‘xóm nghĩa địa’.

‘Có nhà, 3-4 ngôi mộ ở trước cửa. Có nhà, mộ của người lạ nằm trong nhà. Mọi sinh hoạt của người sống gắn liền với người chết nên cái tên xóm Gò Mả ra đời và ‘nổi tiếng’ khắp vùng’, bà Phượng nói.

Theo bà Phượng, từ cuối năm 2012 trở về trước, ai đến Gò Mả, điều đầu tiên nhìn thấy là những ngôi mộ nằm chen chúc nhau. Các ngôi nhà dựng bằng tôn cũ lụp xụp, nhếch nhác. Rác thải vứt vương vãi khắp nơi. Gà, vịt, chó… của người dân nuôi ra các phần mộ của người quá cố phóng uế. Đám trẻ con trong xóm không đi học ra những ngôi mộ chơi đùa với nhau.

Không gian nơi đây bắt đầu thay đổi từ năm 2013. Gần 200 ngôi mộ của người quá cố đã được dời đi. Bãi đầm lầy phía sau đã được chính quyền địa phương dọn rác thải, đang tiến hành cải tạo để làm công viên, khu vui chơi cho người dân trong xóm. Người dân trong xóm kê ghế đá bên bãi đất trống làm nơi giao lưu, trò chuyện với nhau. Mấy đứa trẻ được nghỉ hè cũng mang xe đạp ra đó chơi đùa …

Nhìn đám trẻ chơi đùa, ông Huỳnh Văn Sang, hiện 50 tuổi, sống ở đây hơn 20 năm nói vui: ‘Bây giờ, ở xóm vui lắm. Chiều nào mọi người cũng ra ghế đá ngồi uống nước, nói chuyện phiếm với nhau. Mấy đứa trẻ thì có không gian chơi đùa’.

Ông Nguyễn Văn Đào, hiện 58 tuổi sống ở xóm hơn 24 năm qua. Ông kể, năm 1994, vợ chồng ông ly hôn. Các con sống với mẹ và nhà ngoại bên quận 5. Một mình ông ra ngoài thuê trọ sống.

Khi đến nhà bà con ở xóm Gò Mả chơi, thấy nơi đây có thể dựng nhà ở, ông mua gạch, xi măng, tôn về dựng căn nhà có diện tích hơn 5 m2 ở đến nay. Đưa tay chỉ bốn ô hình chữ nhật trước cửa nhà, ông Đào cho biết, đó là di tích của 4 ngôi mộ đã được dời đi.

Những căn nhà phố trong xóm đang dần mọc lên. Ảnh: T.A.

Theo ông Đào, việc trước đây, trước cửa nhà nào cũng có mộ là bình thường. Có nhà bà Sáu (đã mất) trước đây bán hủ tiếu có đến hai ngôi mộ của người lạ nằm ở trong nhà. Dù thế, mọi sinh hoạt của bà vẫn bình thường.

‘Khi mới đến ở, tôi khá sợ, nhưng ở riết nên quen. Mình cứ thắp hương dọn sạch mộ cho người ta là không có sao. Người ta nói, ở nghĩa địa có ma, nhưng tôi chưa bao giờ gặp’, ông Đào nói.

Ông Đào cho biết, trước đây, khi các ngôi mộ chưa được dời đi, những nhà ở khu vực cao còn đỡ. Còn những nhà nằm cạnh con kênh phía sau, cứ mưa và thủy triều là ngập, nước lênh láng, rác thải trôi dạt vào nhà. Sống ở nơi chật chội, chịu cảnh ô nhiễm và không gian u ám nhưng chẳng ai muốn dọn đi.

Căn nhà bà Sáu trước đây có 2 ngôi mộ nằm trong nhà giờ cũng đã được xây mới. Ảnh: T.A.

‘Ở đây, sống chung với người chết nhưng mình có nhà ở. Dọn đi rồi biết sống ở đâu’, ông Đào giải thích lý do ông ở lại bao năm qua.

Bà Phượng cho biết, đất Gò Mả là đất công. Khi các ngôi mộ được di dời thì người dân sống trong xóm phải dọn đi nơi khác. Hiện nơi đây chỉ có khoảng gần 30 hộ gia đình ở. Trong đó, có 20 hộ nằm trong khu vực đất thổ cư, nhà có giấy tờ đầy đủ. Chỉ còn khoảng 10 căn nhà tôn nằm trên đất công, vì họ là hộ nghèo, chưa có chỗ ở ổn định nên chính quyền tạo điều kiện cho ở tạm. Tới đây, khi khu đất này được cải tạo làm công viên, khu vui chơi thì họ phải dời đi.

Theo ông Sang, hơn 6 năm qua, từ khi các ngôi mộ dời đi, cuộc sống của người dân nơi đây dần ‘thay da đổi thịt’. ‘Hơn 6 năm qua, ở xóm không có trộm cắp, đánh nhau. Mọi người trong xóm rất đoàn kết, giúp đỡ nhau. Xe máy bây giờ, chúng tôi để cả đêm bên ngoài không mất đâu’, ông Sang khoe.

Gần 200 ngôi mộ trong xóm đã được dời đi. Ảnh: T.A.

Ông Nguyễn Mai Trung, Chủ tịch UBND phường 15 cho biết, trước đây, ở phường có đến 4-5 xóm Gò Mả, có tổng gần 2000 ngôi mộ được hình thành, do những người lao động nghèo, từ nơi khác đến dựng nhà trên các ngôi mộ ở. Từ năm 2013, tất cả các ngôi mộ được dời đi.

Hiện các khu đất này đều bỏ không, chính quyền rào lại, tới đây sẽ tiến hành xây dựng các công trình công cộng. Tuy nhiên, có một vấn đề xảy ra trên phần đất này làm chính quyền đau đầu là: người dân xả rác, vứt các đồ dùng hỏng làm không gian ô nhiễm, chính quyền phải tổ chức đi thu gom. ‘Vừa rồi, chúng tôi còn bắt quả tang một vài trường hợp tổ chức đá gà, phạt cảnh cáo nhưng họ vẫn tiếp tục’, ông Trung nói.