"Xóm trọ thân thiện" trong mơ của những sinh viên xa nhà: Cùng cuốc đất trồng rau, góp gạo thổi cơm

Như bộ phim “Phía trước là bầu trời”, xóm trọ nghèo mà thân thiện này gần trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông - ĐH Thái Nguyên.

Trong cơn bão giá, mọi chi phí sinh hoạt đều trở nên đắt đỏ, đặc biệt với các bạn sinh viên xa nhà. Họ phải nghĩ ra mọi cách để có thể tiết kiệm các khoản chi tiêu và những thứ có thể "cắt xén" đầu tiên chắc chắn là tiền nhà và tiền ăn.

Bởi vậy nên nhiều sinh viên sống trọ từ nấu ăn riêng đã chuyển sang cùng "góp gạo thôi cơm chung". Không phải là nam nữ "góp gạo thổi cơm chung" mà mọi người vẫn hay gọi là "sống thử", đây là các thành viên cùng trong xóm trọ hoặc một vài phòng cùng nấu nướng.

Ghép phòng, nhiều người cùng "góp gạo" thổi cơm là cách mà nhiều sinh viên xa nhà vẫn đang vận dụng trong cơn bão giá. Như thế không những vừa tiết kiệm mà lại còn giúp sinh viên xóm trọ cũng xích lại gần nhau hơn.

Mới đây, chị Nguyễn Phượng - chủ của "xóm trọ thân thiện" gần trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông - ĐH Thái Nguyên đã chia sẻ lên một group học đường câu chuyện xóm trọ của mình thân thiết như một gia đình khi cùng nhau cuốc đất trồng rau, thường xuyên nấu ăn chung bữa.

Các bạn trẻ cuốc đất trồng rau.

Rồi cùng nhua hái nhãn và thưởng thức ngay tại vườn.

Còn cùng nhau nấu ăn hàng ngày.

Bài đăng chia tay xóm trọ của một bạn sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường. (Ảnh: Nguyễn Phượng)

"Chị thấy bây giờ các bạn sinh viên sống khép kín quá, không vui như bọn chị ngày xưa, các bạn bây giờ sống trong cùng một xóm trọ mà chẳng hề giao lưu với nhau. Xóm trọ của chị có nhiều chuyện vui lắm, bọn chị hay nướng gà, nướng thịt ngoài vườn ăn, đặc biệt là cũng nhờ đó mà có một cặp đôi nên duyên với nhau.

Hai bạn ấy là sinh viên năm nhất vào ở nhà chị trọ, mỗi bạn ở một phòng, ngày qua ngày rùi thấy hai bạn yêu nhau, giờ cả hai cũng ra trường rồi.", chị Phượng xúc động chia sẻ.

"Ăn chung, ở chung", tình tập thể của sinh viên trong cơn bão giá cũng vì thế mà tăng lên gấp bội. Sinh viên không những tiết kiệm được nhiều khoản hơn mà còn có nhiều điều khi "ăn riêng, ở riêng" chẳng tài nào có được.

Nấu ăn chung, nếu lỡ ai đó chưa đến cuối tháng đã hết tiền, bố mẹ chưa kịp gửi thì vẫn có thể ăn cùng rồi thanh toán với bạn bè sau. Hơn nữa ăn đông người chắc chắn lúc nào cũng ngon miệng hơn ngồi lép nhép một mình.

Theo Helino.vn