Hàng sắp về: "Shipper" Hayabusa2 của Nhật Bản bay 5,24 tỷ kilomet để mang về Trái Đất mẫu vật lấy trên thiên thạch tỷ năm tuổi

Kiện hàng sẽ về vào cuối tuần sau, hiện các nhà nghiên cứu đang nóng lòng chờ đợi tại sa mạc Nam Úc cằn cỗi.
Hàng sắp về: Shipper Hayabusa2 của Nhật Bản bay 5,24 tỷ kilomet để mang về Trái Đất mẫu vật lấy trên thiên thạch tỷ năm tuổi - Ảnh 1.

Hình minh họa tàu Hayabusa2 trong không trung.

Ở vùng sa mạc Woomera, miền Nam Úc, các nhà khoa học đang nín thở chờ đợi món quà được gửi về từ Vũ trụ. Vào ngày 6 tháng 12 tới đây, tàu thăm dò Hayabusa2 của Cơ quan Thám hiểm Không gian Vũ trụ Nhật Bản JAXA sẽ ghé thăm Trái Đất sau chuyến hành trình dài 6 năm trong không gian.

Kiện hàng nó mang về là 100 miligram vật chất quý hiếm lấy được từ thiên thạch Ryugu. Ngày về của Hayabusa2 sẽ đánh dấu mốc lớn trong tiến trình khám phá không gian của nhân loại: nó đã di chuyển quãng đường 5,24 tỷ kilomet để có thể về tới nhà. Sau khi thả hộp đựng mẫu vật xuống bề mặt Trái Đất, Hayabusa2 sẽ tiếp tục hành trình khám phá thiên thể không gian của mình, thu thập mẫu vật trên những thiên thạch khác.

Việc định hướng cho Hayabusa2 yêu cầu các nhà khoa học phải tính toán được quỹ đạo của thiên thạch, vạch ra một đường đi cho phép tàu tới được đích đến và tận dụng lực hấp dẫn của Trái Đất để tăng gia tốc. Khi tới được Ryugu, Hayabusa2 đã khéo léo chạm bề mặt thiên thể 2 lần để lấy mẫu vật trước khi khi lên đường trở về.

Thời điểm hiện tại, nhóm các nhà nghiên cứu đã có mặt ở Úc và thực hiện các bài thử nhằm đảm bảo không xảy ra sơ suất trong quá trình nhận kiện hàng quý giá. Sứ mệnh Hayabusa trước đây của JAXA nhằm mục tiêu nghiên cứu thiên thạch Itokawa đã thất bại, thiết bị lấy mẫu gặp trục trặc nên tàu chỉ mang về vỏn vẹn vài microgram vật chất.

Hàng sắp về: Shipper Hayabusa2 của Nhật Bản bay 5,24 tỷ kilomet để mang về Trái Đất mẫu vật lấy trên thiên thạch tỷ năm tuổi - Ảnh 2.

Thiên thạch Ryugu.

Thế nhưng, với khoảng một trăm miligram vật chất, các nhà khoa học có thể thực hiện được những bài thử chi tiết hơn nhiều. Bởi lẽ Ryugu là một thiên thạch carbon nguyên thủy, các chuyên gia cho rằng viên thiên thạch tỷ năm tuổi có trong mình những vật liệu nguyên sơ nhất của Hệ Mặt Trời, tương đối vẹn toàn như thời chúng mới hình thành từ 4,5 tỷ năm trước.

Các nhà nghiên cứu mong muốn số mẫu vật này sẽ hé cánh cửa sổ để chúng ta nhìn vào một Hệ Mặt Trời non trẻ, khi các hành tinh đất đá mới hình thành và trải qua quá trình tiến hóa dài tỷ năm.

Dự kiến, mẫu vật sẽ được tàu Hayabusa2 thả xuống mặt đất vào khoảng thời gian giữa 12h đêm và 1h sáng Chủ nhật, ngày 6/12/2020 theo giờ Việt Nam. Vì đó là lúc 3h30p - 4h30p sáng theo giờ địa phương, kiện hàng sẽ đi xuống dưới dạng một quả cầu lửa sáng rực. Khoang chứa mẫu vật được bọc vật liệu chịu được nhiệt độ lên tới 3.000 độ C, nên bạn không cần quá lo lắng cho số vật chất quý giá.

Sau khi thả dù rồi đáp đất an toàn trong khu vực định trước có diện tích khoảng 100km2, khoang chứa mẫu vật sẽ phát tín hiệu vô tuyến tới nhóm nghiên cứu. Bởi lẽ trạm mặt đất không thể nhận về những tín hiệu đặc biệt này, các nhà khoa học sẽ rong ruổi trên trực thăng để xác định được vị trí chính xác của thiết bị.

Hàng sắp về: Shipper Hayabusa2 của Nhật Bản bay 5,24 tỷ kilomet để mang về Trái Đất mẫu vật lấy trên thiên thạch tỷ năm tuổi - Ảnh 3.

Bản sao khoang chứa mẫu vật.

Khoang chứa mẫu vật sẽ ngay lập tức được chuyển về Cơ sở Quick Look. Tại đó, các nhà nghiên cứu sẽ lấy mẫu bất cứ thứ khí ga nào có trong khoang chứa, để rồi đưa cả khoang vào hộp kín để chuyển về Nhật Bản. JAXA sẽ chịu trách nhiệm phân tích những mẫu vật quý giá, mong họ sẽ sớm báo tin mừng cho cả giới khoa học biết.

Sau khi "ship" về Trái Đất kiện hàng quý, Hayabusa2 sẽ tiếp tục bay. Điểm đến tiếp theo của nó là thiên thạch (98943) 2001 CC21, dự kiến tàu sẽ tới nơi vào tháng Bảy năm 2026. Và nếu mọi chuyện suôn sẻ, Hayabusa2 sẽ tiếp tục ghé thăm 1998 KY26 vào tháng Bảy năm 2031.

Tham khảo ScienceAlert