Một nhóm các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra hai con hươu cao cổ lùn hoang dã, và đây là lần đâu tiên giới khoa học phát hiện ra hiện tượng thú vị này ở loài hươu cao cổ.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu từ Tổ chức Bảo tồn Hươu cao cổ (GCF) đã xuất bản một bài báo trên BMC Research Notes, mô tả hai con hươu cao cổ từ các quần thể riêng biệt ở Namibia và Uganda. Bài báo tập trung vào việc đưa ra mô tả chi tiết về những gì được coi là các đặc điểm lần đầu tiên được biết đến về hươu cao cổ lùn trong tài liệu khoa học.
Những con hươu cao cổ được ghi lại ở Vườn quốc gia Murchison Falls, Uganda, và trong một trang trại tư nhân ở Trung Namibia trong các cuộc khảo sát bằng ảnh mà GCF thường xuyên tiến hành để xác định số lượng quần thể, động thái của chúng và sự phân bố trên khắp Châu Phi.
Các nhà nghiên cứu đã chụp một số hình ảnh và đo kích thước chi của hai con hươu cao cổ lùn. So với các mẫu vật khác trong quần thể, họ phát hiện ra rằng những "chú lùn" này có chân ngắn hơn, nhưng độ dài cổ lại không hề thay đổi.
Chi Hươu cao cổ (tên khoa học Giraffa) là một chi các động vật có vú thuộc bộ Guốc chẵn, là động vật cao nhất trên cạn và động vật nhai lại lớn nhất. Nó được phân loại trong họ Giraffidae, cùng với họ hàng gần nhất còn tồn tại của nó là hươu đùi vằn. Hươu cao cổ đực có thể đạt chiều cao từ 4,8 tới 5,5 mét và cân nặng lên tới 1.300 kg. Kỷ lục đo được của một con hươu cao cổ là cao 5,87 m và nặng khoảng 2.000 kg. Con cái thì thường có chiều cao và cân nặng thấp hơn giống đực một chút, vào khoảng 828 kg.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Tổ chức Bảo tồn Hươu cao cổ (GCF) tình cờ bắt gặp hai con hươu cao cổ lùn.
Tác giả chính của bài báo, Tiến sĩ Michael Brown giải thích rằng các trường hợp động vật hoang dã mắc các loại dị sản xương (phát triển bất thường của tế bào) là cực kỳ hiếm và nó cung cấp một cái nhìn độc đáo về quần thể hươu cao cổ sống trong một hệ sinh thái vốn đã đa dạng.
"Khi chúng tôi lần đầu tiên nhìn thấy những con hươu cao cổ này, phản ứng ban đầu là một chút tò mò và cảm thấy thật không thể tin nổi", Tiến sĩ Brown chia sẻ. "Những con hươu cao cổ độc đáo này tạo ra một sự tương phản rõ rệt với những con hươu cao cổ khác trong đàn. Trong những cuộc khảo sát này ở Uganda, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các kiểm lâm viên của Cơ quan Động vật Hoang dã Uganda và tôi nhớ khi chúng tôi bắt gặp hươu cao cổ lùn, tôi và kiểm lâm đã nhìn nhau để xác nhận rằng cả hai chúng tôi đều nhìn thấy cùng một thứ".
Chúng được ghi lại ở Vườn quốc gia Murchison Falls, Uganda, và trong một trang trại tư nhân ở Namibia.
Hai "chú lùn" này được đặt tên là Gimli và Nigel. Chúng có chiều cao 9,3 và 8,5 feet ( 2,83 mét và 2,59 mét), trong khí đó, hươu cao cổ có chiều cao trung bình cao ít nhất 15 feet (4,57 mét).
Tiến sĩ Michael Brown cho biết, Gimli thực sự được đặt tên để vinh danh nhân vật trong bộ ba Chúa tể của những chiếc nhẫn của Tolkien, ngoài ra còn có một điều thú vị là khi nghiên cứu về chứng lùn ở các loài động vật hoang dã khác, chúng tôi biết rằng ở loài voi cũng có hội chứng tương tự này, và con voi lùn được phát hiện ở Sri Lanka cũng được đặt tên là Gimli. Còn Nigel chỉ là một cái tên đáng yêu do một trong những người dân địa phương ở Namibia đặt cho nó.
Một con hươu cao cổ thông thường cao 15-20 feet, nhưng những chú lùn này cao 8,5 và 9,3 feet.
Trên thực tế, cho tới nay vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào về việc điều này ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót của hươu cao cổ lùn như thế nào, nhưng Tiến sĩ Brown giải thích rằng điều này sẽ có những ảnh hưởng xấu tới chúng:
"Chân dài thường khá quan trọng đối với hươu cao cổ vì chạy và đá là hai chiến thuật chống động vật ăn thịt hiệu quả nhất của chúng. Ngoài ra, những con hươu cao cổ này đều là đực bởi vậy có thể sẽ có một số thách thức về thể chất khi giao phối. Khi quan sát những con hươu cao cổ này di chuyển, dáng đi của chúng chắc chắn khác với những con hươu cao cổ khác trong quần thể, mặc dù điều đáng chú ý là cả hai đều sống sót sau giai đoạn đang phát triển, đây là giai đoạn quan trọng vì hươu cao cổ thường dễ bị săn mồi nhất".
Emma Wells, một trong những nhà nghiên cứu khác tham gia vào nhóm giải thích rằng ban đầu hơi khó phát hiện ra chúng: "Mặc dù người nông dân ở Namibia đã thường xuyên nhìn thấy Nigel trong nhiều năm, nhưng chỉ sau khi quan sát của chúng tôi, anh ta mới nhận ra rằng Nigel không phải là một con non mà là một con hươu cao cổ đực đã trưởng thành hoàn toàn".
Tình trạng dẫn đến sự phát triển bất thường của xương, đặc trưng bởi cấu trúc giải phẫu ngắn lại và có tỷ lệ bất thường. Bệnh lùn xuất hiện ở động vật nuôi nhốt do giao phối cận huyết nhưng hiếm khi quan sát được ở động vật hoang dã. Đây là lần đầu tiên có trường hợp ghi nhận ở hươu cao cổ.
Dưới đây là so sánh giữa một con hươu cao cổ bình thường (A) và hai con hươu cao cổ lùn được tìm thấy ở Châu Phi (B và C).