Mèo Maneki là gì? Nếu là fan của bùa may mắn trong văn hóa Nhật Bản, người ta sẽ biết đến chú mèo biểu tượng này. Mèo Maneki có biểu cảm dễ thương và bàn chân giơ cao vẫy gọi là hình ảnh quen thuộc ở nhiều cửa hàng không chỉ ở Nhật mà còn cả ở nhiều nước khác.
Ở Nhật Bản, chú mèo Maneki tượng trưng cho may mắn
Đối với người phương Tây, mèo ít khi được xem là một biểu tượng may mắn. Đặc biệt, nếu chúng là mèo đen thì chúng thậm chí còn bị gán vào những ma thuật hắc ám hoặc điềm rủi. Ngược lại, trong văn hóa Nhật Bản, mèo rất được coi trọng. Theo quan niệm của người Nhật, mèo giúp bắt chuột và bảo vệ mùa màng, vì vậy chúng mang vận may. Vào khoảng giữa thế kỷ 18, chú mèo chiêu tài Maneki Neko chào đời.
Nguồn gốc của mèo Maneki
Có ít nhất hai câu chuyện khác nhau kể về nguồn gốc của chú mèo chiêu tài Maneki. Câu chuyện đầu tiên kể lại như sau:
Ngày xưa, có một bà lão buộc phải bỏ chú mèo yêu quý vì quá nghèo. Bà thả chú mèo vào đền Imado. Đêm đó, bà nằm mơ thấy chú mèo hiện về và nói: "Cụ sẽ được hạnh phúc nếu cụ làm một con búp bê mang hình tôi". Vậy là bà lão đã làm những con búp bê sứ theo hình chú mèo của mình rồi bán chúng để xem chuyện gì xảy ra. Không lâu sau, con búp bê trở nên nổi tiếng và điều đó khiến cho bà lão hạnh phúc. Ngày nay, cặp mèo Maneki Neko ngồi gần nhau ở đền Imado Shrine đã trở nên nổi tiếng. Ngoài ra, ngôi đền cũng được nhiều phụ nữ trẻ biết đến như là đền cầu duyên.
Một phiên bản truyện khác về sự tích của mèo Maneki liên quan đến ngôi đền Gotokuji lại được kể như sau:
Vào khoảng thế kỷ 17, có một thầy tu nghèo sống trong ngôi đền Gotokuji ở Tokyo. Dù cuộc sống khó khăn, nhưng ông vẫn chia sẻ phần ăn của mình cho chú mèo cưng tên Tama. Một ngày nọ, lãnh chúa Nakaota Ii của quân Hikone đi săn thì gặp mưa nên đã đến gốc cây to gần đền trú chân. Khi đứng dưới gốc cây, ông thấy có một con mèo cứ giơ tay vẫy gọi mình mời đến đền. Cảm thấy tò mò, vị lãnh chúa đi về phía đền để nhìn cho rõ hơn chú mèo kì lạ kia. Không ngờ khi Nakaota vừa rời gốc cây thì một tia sét lớn giáng xuống ngay chỗ gốc cây đó.
Vị lãnh chúa may mắn thoát chết. Ông cho là chú mèo đã cứu mình nên trả ơn bằng cách nhận làm người bảo trợ ngôi đền. Lãnh chua cho người đến sửa chữa đền cho khang trang và đổi tên thành đền Gotokuji vào năm 1697. Sau khi mèo Tama chết, chú được chôn ở nghĩa địa dành riêng cho loài mèo trong ngôi đền. Người ta còn dựng một bức tượng mèo có tên Maneki Neko để tưởng nhớ chú. Kể từ đó Maneki Neko trở thành biểu tượng may mắn, đem đến vận tốt cho cửa hàng hay công ty kinh doanh.
Mèo Maneki Neko thường được tạo hình với chiếc vòng cổ có gắn chuông. Điều này là do vào thời Edo (1603-1868), mèo là loài vật đắt tiền nên để giữ cho nó không chạy mất, người ta thường buộc chuông vào cổ nó. Vì thế, những chú mèo thần tài có mang lục lạc vàng càng mang ý nghĩa may mắn về tài lộc, thêm chiêu phúc, khai vận.