Vật thể có màu xám ngoét, hình dạng như bàn chân người chết được một nhân viên dịch vụ lâm nghiệp tại Ấn Độ chụp lại và đăng tải trên Twitter, kèm theo câu hỏi: ‘Có ai biết đây là con gì không?’. Ngay lập tức hình ảnh được cho là rùng rợn này đã khiến người dùng mạng xã hội xôn xao. Cũng theo chủ nhân của bức ảnh, tuy phần hình ảnh có hơi kinh dị, nhưng sự thật đằng sau bức ảnh này lại vô cùng thú vị.
Câu hỏi hóc búa và đáp án không ngờ đến
Nhân viên dịch vụ lâm nghiệp Ấn Độ (IFS) có tên Susanta Nanda đã đăng lên Twitter ảnh chụp vật thể trông có vẻ giống một bàn chân người, chẳng những vậy ‘bàn chân’ này còn có màu sắc lẫn hình dạng làm người ta liên tưởng đến xác sống trong các bộ phim kinh dị.
Ngay sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, bức ảnh của anh Susanta đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Phía dưới bài đăng tải hình ảnh có rất nhiều bình luận bàn tán sôi nổi nhằm truy tìm ‘danh tính’ vật thể quái dị kia. Thế nhưng, câu trả lời từ Susanta đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Hóa ra không phải quái vật rùng rợn nào hết, ‘bàn chân xám’ trong ảnh là một loại nấm rừng có tên ‘Nấm ngón tay người chết’.
Loại nấm kỳ lạ, dù nhìn đáng sợ nhưng lại vô hại với con người
‘Nấm ngón tay người chết’ có tên gọi khoa học là nấm Xylaria polymorpha. Loại nấm này thường mọc trên các thân cây gỗ mục vào mùa xuân. Nấm có dạng đầu tròn, thân cứng, đường kính khoảng 2,5 cm, cao khoảng 3-10 cm. Do hình dạng thon tròn nên khi nấm mọc lên, nhìn từ xa giống như những ngón tay thây ma đang trồi lên từ đất. Màu sắc của nấm thường thay đổi từ trắng sang xanh rồi nhạt dần khi lớn lên. Cuối cùng, chúng chuyển hẳn sang màu xám trước khi tàn.
Nấm ‘ngón tay người chết’ thường mọc ở các khu vực thuộc Nepal, Bhutan và vùng đông bắc Ấn Độ. Thỉnh thoảng, người dân ở một số vùng tại Mỹ, trong đó có dãy núi Rocky, cũng có thể bắt gặp loại nấm này. Trái với vẻ ngoài xấu xí của mình, nấm hầu như không gây hại cho con người. Giai đoạn nấm có chứa các độc tố gây chết người có lẽ là khi nấm đã chuyển sang màu xám.
Nấm có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng rậm
Trong điều kiện tự nhiên, nấm Xylaria polymorpha lại rất có ích. Chúng trở thành chất men xúc tác để phân giải các chất hữu cơ, các cành lá khô của thực vật thành chất mùn, chất khoáng, thậm chí cả các chất khó phân giải như cellulose, lignin cũng được loại nấm này phân giải thành vô cơ.
Bên cạnh việc giúp phân giải các chất hữu cơ, nấm cũng giúp đồng hóa các chất đơn giản, biến chúng trở thành các chất phức tạp hơn nhằm làm tăng độ phì nhiêu của đất.
Dù nấm có nhiều lợi ích đối với môi trường tự nhiên như vậy, song cũng không thể phủ nhận rằng chúng thực sự gây ám ảnh cho những người vô tình gặp phải vì hình dạng quá kỳ dị của mình.