Người nào có lẽ cũng một vài hoặc nhiều lần mắc lỗi chính tả. Nhưng hiếm khi nào những lỗi nhỏ của chúng ta lại gây ra những thảm họa khổng lồ, hủy hoại cuộc sống của chính chúng ta hay được ghi nhớ và nhắc lại trong nhiều thập kỷ.
Nhưng đối với một số vị trí công việc đặc biệt, chỉ một lỗi nhỏ thôi cũng có thể mang tới thiệt hại thảm khốc, lên tới hàng tỷ USD, ảnh hưởng tới cả triệu người và bị nhắc đi nhắc lại hàng thập kỷ sau đó.
Một tên lửa của NASA đã phát nổ vào năm 1962 vì một dấu gạch nối không đúng chỗ
Mariner 1.
Mariner 1 ra mắt vào ngày 22/7/1962. Nó được dự định thực hiện một chuyến bay không người lái tới Sao Kim để thu thập dữ liệu khoa học. Nhưng một lỗi trong mã lập trình trên máy tính đã khiến nó ra đi. Đây là sứ mệnh ngoài hành tinh đầu tiên của NASA và nó cũng là màn thua đau đớn trước Nga trong cuộc đua vũ trụ vốn đã gây nhiều tranh cãi.
Khi tên lửa được phóng lên, một dấu gạch nối không đúng chỗ dường như đã khiến quỹ đạo của nó bị sai lệch. Một sĩ quan an toàn của NASA muốn tránh mọi sự cố có thể xảy ra khi tên lửa quay trở lại Trái đất, vì vậy 293 giây sau khi phóng, anh đã nhấn nút để thổi bay nó. Sai lầm này đã tiêu tốn của NASA 80 triệu USD (quy đổi ra thời điểm hiện tại con số này khoảng 673 triệu USD). Có những báo cáo sau đó đưa ra các kết luận nhiều mâu thuẫn, một số trong đó đổ lỗi cho một số thập phân bị đặt sai và một số khác nói rằng một dấu gạch nối là nguyên nhân gây lỗi.
May mắn thay, Mariner 2, một tên lửa dự phòng, đã được chế tạo và chuẩn bị trong trường hợp thảm họa xảy ra. Quả tên lửa này sau đó đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng Mariner 1 sẽ luôn được nhớ đến vì lỗi nghiêm trọng của nó. Nhà văn khoa học viễn tưởng Arthur C. Clarke gọi nó là "dấu gạch nối đắt nhất trong lịch sử".
Một lỗi đánh máy về mã số thuế đang khiến hàng loạt nhà hàng không được tu sửa
Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm năm 2017 của Mỹ được cho là sẽ miễn giảm thuế cho các nhà hàng và cửa hàng trong trường hợp chủ của chúng muốn sửa sang lại. Nhưng thay vào đó, chỉ vì một lỗi đánh mánh, khiến cho khoản giảm thuế này sẽ không xảy ra trong 39 năm.
Lỗi được báo cáo là do các nhà lập pháp đã vội vàng thông qua hành động này, vì vậy các nhà hàng và cửa hàng đã bị loại khỏi danh sách miễn thuế.
Lỗi đánh máy khiến một công ty Nhật mất 225 triệu USD
Năm 2005, một công ty Nhật Bản có tên Mizuho Securities đã mất ít nhất 225 triệu USD khi giao dịch trên sàn chứng khoán.
Cụ thể, lỗi đánh máy đã vô tình liệt kê 610.000 cổ phiếu của công ty này lên sàn chứng khoán với giá 1 yên, thay vì những gì họ dự định là một cổ phiếu sẽ được bán với giá 610.000 yên (khoảng 5.041 USD).
Mizuho đã cố gắng hủy lệnh giao dịch này ba lần, nhưng Sở giao dịch chứng khoán Tokyo không chấp thuận dù biết có lỗi xảy ra. Vì vậy, Mizuho đã mất 225 triệu USD. Chỉ số Nikkei 225 cũng vì thế mà giảm gần 2%.
Lỗi chính tả biến các kỳ nghỉ "kỳ lạ" thành kỳ nghỉ "khiêu dâm"
Năm 1988, Những trang vàng (Yellow Pages) là một cách tuyệt vời để quảng cáo. Do đó, Banner Travel Services, một công ty du lịch ở California (Mỹ) đã đưa ra một quảng cáo trên Những trang vàng cho một điểm đến là kỳ nghỉ "kỳ lạ" (exotic). Nhưng những trang vàng đã vô tình quảng cáo nó thành một điểm đến "khiêu dâm" (erotic).
Do sử dụng sai mục đích, hầu hết các khách hàng lớn tuổi đã dừng đặt tour. Nhưng một số lượng lớn các cặp vợ chồng trẻ đã liên lạc để hỏi về nó.
Sự cố Taylor & Sons và Taylor & Son
Taylor & Sons là một công ty kỹ thuật ở Cardiff, xứ Wales, đã vô tình bị nhầm lẫn với Taylor & Son, một công ty khác đã ngừng hoạt động.
Khi Companies House, công ty thuộc đăng ký của Vương quốc Anh và là một cơ quan điều hành và quỹ giao dịch của chính phủ, lập kế hoạch theo dõi tất cả các doanh nghiệp, đã vô tình liệt kê công ty này là đã đóng cửa vào năm 2009. Sự nhầm lẫn này đã gây ra thiệt hại doanh thu nghiêm trọng cho Taylor & Sons. Các khách hàng biến mất vì nghĩ rằng công ty đã không còn tồn tại. Vào năm 2014, sau 124 năm kinh doanh, Taylor & Sons cuối cùng cũng đã phải đóng cửa, tất cả chỉ vì lỗi văn thư nói trên.
Taylor & Sons sau đó đã kiện Companies House và thắng được số tiền 8,8 triệu bảng Anh, tương đương 11,5 triệu USD.
Lỗi đánh máy trong đạo luật thuế quan năm 1872 khiến chính phủ Mỹ mất 40 triệu USD
Năm 1872, một dấu phẩy mà đáng lẽ phải là một dấu gạch nối trong Đạo luật thuế quan năm 1789 đã khiến chính phủ Mỹ tiêu tốn một khoản tiền rất lớn.
Đạo luật này nhằm quyết định hàng hóa nào vào nước này sẽ bị đánh thuế và hàng hóa nào không. Bản cập nhật năm 1872 đã vô tình liệt kê "Trái cây, thực vật nhiệt đới và bán nhiệt đới" vào danh sách bị đánh thuế. Trong khi đáng lẽ nó phải liệt kê "cây ăn quả".
Nhìn qua thì nó có vẻ không phải là một sự khác biệt đáng kể, nhưng hành động này đã vô tình làm cho tất cả các loại trái cây nhiệt đới và thực vật nhiệt đới nhập khẩu vào Mỹ không bị áp thuế. Trong khi đáng lẽ chỉ có các loại cây nhiệt đới mang trái không bị đánh thuế. Chính phủ Mỹ đã mất 2 triệu USD tiền thuế, tương ứng 40 triệu USD ngày nay.
Một lỗi Excel đã dẫn đến sự kiện London Whale
"Whale London" là biệt danh của một nhân viên của công ty tài chính JPMorgan Chase, người đã tạo ra một khoản lỗ giao dịch trị giá 6,2 tỷ USD vào năm 2012 cho chính công ty của mình, tất cả chỉ vì một lỗi đơn giản.
Theo một báo cáo sau đó, lỗi được xác định là thuộc về phần mềm Microsoft Excel. Một bảng tính đã được công ty sử dụng để xây dựng mô hình "Giá trị rủi ro", đã lần lượt được sao chép và dán vào một bảng tính khác theo cách thủ công. Và lỗi kỹ thuật đã xảy ra, dẫn đến tổn thất cho công ty. Tất nhiên, Whale London đã bị mất việc và sau đó là điều tra, do nghi ngờ có âm mưu gian lận tài chính.
Tuy nhiên, JPMorgan Chase & Co. vẫn đạt lợi nhuận kỷ lục 21,3 tỷ USD vào năm 2012.
Deutsche Bank đã vô tình cho một quỹ phòng hộ 6 tỷ USD vì lỗi trên một chiếc máy tính cổ
Một trong những khách hàng của Deutsche Bank là một quỹ phòng hộ, đã ngẫu nhiên nhận được khoản thanh toán 6 tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên quỹ này đã phải trả lại số tiền ngay ngày hôm sau.
Việc thanh toán là kết quả từ một sai lầm của một nhân viên ngân hàng. Tuy nhiên, các hệ thống nội bộ của Deutsche Bank cũng bị đổ lỗi. Thế nhưng lỗi đánh máy cũng có mặt tích cực. Nó đã khiến ngân hàng lên lên kế hoạch đại tu hệ thống quản lý và thiết bị của mình.
Nhấn nhầm nút khiến Sở giao dịch chứng khoán Tokyo lỗ 617 tỷ USD
Vào tháng 9/2014, một trong những lỗi "ngón tay mập" lớn nhất trong lịch sử đã làm biến mất 617 tỷ USD cổ phiếu trên sàn giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.
Cụ thể, một thương nhân đã vô tình nhấn nhầm nút, hủy doanh số bán cổ phiếu lên tới 67,78 nghìn tỷ yên. Bốn mươi hai giao dịch riêng biệt đã bị hủy, đó là lý do tại sao hiệu ứng dây chuyên của nó gây ra thiệt hại lớn đến như thế.
Theo báo cáo sau đó, sai lầm này "được cho là ví dụ cực đoan nhất của một nhà giao dịch trên thị trường tài chính, khi đưa ra những con số sai lầm trong khi bị buộc phải làm việc dưới áp lực cao."
Lỗi của Google khiến mạng Internet hỗn loạn trong một ngày
Nếu bất cứ ai thử đăng nhập vào một trang web bất kỳ qua công cụ Google, một thông báo lỗi sẽ hiện ra cho biết "Cảnh báo! Trang web này có thể gây hại cho máy tính của bạn". Vụ lộn xộn của Google bắt nguồn từ việc ai đó đã thêm dấu "/" vào danh sách các trang web có hại. Vì một số lý do, kích hoạt cho thông báo lỗi này là phím gạch chéo chuyển tiếp. Vì mọi trang web đều có dấu gạch chéo ở đâu đó, nên mọi trang web đều bị coi là có hại cho máy tính.
Google đã khắc phục sự cố cùng ngày hôm đó, nhưng vụ việc đã ảnh hưởng đến hàng triệu người.
Lỗi chính tả và hàng triệu USD doanh thu của Google
Người dùng thường bị điều hướng nhầm trên Google khi kích chuột vào các trang web được tạo ra để tận dụng các lỗi chính tả phổ biến. Các trang web này được gọi là các trang web "typo-squat". Ví dụ bạn có thể click nhầm vào các trang faceboolk, facebok, faceboik và faceboko khi tìm kiếm đường vào trang facebook từ Google.
Theo một nghiên cứu của Harvard, thu nhập hàng năm của Google từ lỗi chính tả kiểu này là khoảng 497 triệu USD, bởi vì các trang web nói trên trả tiền để được hiện ở phần đầu của các kết quả tìm kiếm.
Lỗi đánh máy sai trên tờ tiền 50 đô la Úc
Úc đã in 46 triệu tờ 50 đô la Úc vào tháng 10/2018. Nhưng rất nhanh, nhiều người đã chỉ ra sự tồn tại của một lỗi chính tả trên đó.
Từ "trách nhiệm" được in thành "có trách nhiệm", trong đoạn văn bản trích ra từ bài phát biểu năm 1921 bởi nữ thành viên Nghị viện đầu tiên của Úc, Edith Cowan. Lỗi chính tả được phát hiện trong câu "it is a great responsibility to be the only woman here" (tạm dịch: Quả là một trọng trách khi tôi là người phụ nữ duy nhất tại đây). Trong đó chữ "responsibility" bị viết sai thành "responsibilty" đến 3 lần.
Ngân hàng Trung ương Úc biết họ sẽ sửa lỗi đánh máy này trong lần in tiếp theo. Còn những tờ tiền in lỗi hiện tại vẫn sẽ được lưu hành.
Tham khảo Business Insider