1. Phim quên mất cốt lõi của game
Đã từng hai lần cố gắng lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh nhưng Agent 47 vẫn không tránh khỏi được thất bại. Vào năm 2008, phiên bản phim Hitman và đến 2015 được reboot lại với tên Hitman: Agent 47 đều cố gắng đưa anh chàng sát thủ "đầu hói" lên màn ảnh nhưng không thành công vì họ đã quên đi mất cốt lõi của hình tượng này.
Điểm hấp dẫn của Hitman nằm ở những cảnh ám sát lén lút, tất nhiên là vẫn có những cảnh hành động nhưng sự kịch tính của game được tạo ra nhờ những màn ám sát "dùng não", âm thầm chứ không phải là lao thẳng vào bắn giết như thể bạn biết rằng "đạo diễn không để tao chết đâu". Chính vì vậy mà Hitman phiên bản điện ảnh chẳng khác gì một phim hành động "xôi thịt" thông thường và khán giả thì đã quá chán thể loại này.
2. Thay đổi quá nhiều so với nguyên tác
Fan của Resident Evil hẳn sẽ hiểu điều này hơn ai hết về sự bất tiện khi phiên bản phim khác quá xa phiên bản game, phim chiếu cứ chiếu còn game ra cứ ra, chẳng có gì liên quan đến nhau cả. Mặc dù Resident Evil không hẳn là một bộ phim chuyển thể từ game có doanh thu thất bại nhưng về mặt nội dung thì đa phần fan đều coi rằng phim chẳng truyền tải được cái gì từ nguyên tác ra cả.
Từ một tựa game mang chất kinh dị sinh tồn, các nhà làm phim đã đưa chúng lên màn ảnh rồi dần chuyển hướng series thành thể loại hành động với tâm điểm là nữ diễn viên Milla Jovovich trong vai Alice. Và thế là chúng ta đã có một series phim hoàn toàn mới lạ, chẳng mấy liên quan tới game để các fan tha hồ ném đá suốt năm này qua năm khác.
3. Không lựa chọn được những nhà làm phim tài ba
Nếu bạn theo dõi tất cả các dự án phim chuyển thể từ game thì hẳn bạn sẽ thấy cái tên Uwe Boll xuất hiện trong dàn nhân sự của rất nhiều dự án, nào là House of the Death, Alone in the Dark, BloodRayne... Tất cả các bộ phim này đều có một điểm chung, đó là... fail như nhau.
Mặc dù có sẵn một cốt truyện tuyệt vời từ phiên bản game nhưng việc chọn nhầm người khiến cho các dự án phim chuyển thể này trở nên vô cùng tăm tối. Tất nhiên là không ai đòi hãng sản xuất phải mời được David Fincher hay Christopher Nolan nhưng các bộ phim chuyển thể từ game này xứng đáng có một người chỉ đạo tốt hơn thế chứ!
4. Quá phụ thuộc vào quảng cáo
Nếu như bạn từng phấn khích như tôi vào thời điểm năm 2005 khi Doom được công bố với sự xuất hiện của Karl Urban và The Rock thì có lẽ bạn cũng sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng khi bộ phim không gây được ấn tượng nhiều tại thời điểm ra mắt.
Thực sự phải nói rằng nội dung của phim được làm quá tệ, chỉ là những mảng chắp nối rời rạc cốt truyện của game. Và những chiêu trò quảng cáo rầm rộ đã khiến fan hâm mộ thích thú, hi vọng bao nhiều thì ngay lập tức sẽ lại khiến họ chán nản bấy nhiêu.
5. Quá chú trọng vào việc làm sao cho giống với game
Vẫn biết là một tựa phim chuyển thể từ game cần phải truyền tải được cái hồn của tựa game đó tới người xem nhưng nếu như bạn quá tập trung vào việc làm sao cho phim giống với game thì cũng sẽ là một thất bại cho tác phẩm này. Như trường hợp của Max Payne là một ví dụ.
Quy tụ những ngôi sao đình đám như Mark Wahlberg, Mila Kunis..., đoàn làm phim sau đó đã tập trung vào việc tái hiện lại bối cảnh, xây dựng nhân vật bằng kỹ xảo sao cho giống với game nhất có thể. Từ đó, nội dung và cốt truyện của phim đã dần bị bỏ bê để rồi chúng ta có một bộ phim "không thể tệ hơn" với cuộc hành trình chán ngắt, thiếu muối của Max.