1. Thiếu Lâm
Môn phái không thể thiếu trong tất cả các tác phẩm của nhà văn Kim Dung. Thiếu Lâm được thành lập nhờ Đạt Ma sư tổ vào khoảng năm 500, thời nhà Lương. Đặc điểm võ công của Thiếu Lâm là dương cương, chú trọng về luyện tập sức khỏe, với những vũ khí đặc trưng là côn (gậy), trượng và cả đao.
Thiếu Lâm được coi là cái nôi của võ học Trung Nguyên, với những môn võ công nổi tiếng như 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm, Dịch Cân kinh, La Hán thập bát thủ,...
Những cao thủ lừng danh đại diện cho Thiếu Lâm phái có thể kể đến Hư Trúc, Giác Viễn đại sư, Phương Chính đại sư,... Đặc biệt còn có một nhân vật vô danh được gọi với cái "Tảo Địa Tăng", vị sư xuất hiện trong Thiên Long Bát Bộ được biết đến là người duy nhất thành thục 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm.
Trong trận chiến tại Tàng Kinh Các, ông chỉ cần một chưởng đã có thể đánh gục Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn, dễ dàng hóa giải Giáng Long Thập Bát Chưởng của Kiều Phong.
2. Võ Đang
Võ Đang cũng là một môn phái tượng trưng cho bề dày lịch sử của Trung Hoa, do Trương Tam Phong - một nhân vật có thật sáng lập vào cuối thời nhà Nguyên. Trương Tam Phong tên thật là Trương Quân Bảo, xuất hiện lần đầu tiên trong bộ Thần Điêu Hiệp Lữ. Khi đó Trương Tam Phong mới 14 tuổi, đi theo giúp việc cho Giác Viễn đại sư trong chùa Thiếu Lâm và học được một phần Cửu Dương Thần Công.
Với tư chất thông minh, Trương Tam Phong sáng tạo ra những môn võ mới, xây dựng nên phái Võ Đang, chú trọng về luyện khí (hơi thở) và kiếm pháp, lấy nhu khắc cương.
Vào những năm cuối đời, Trương Tam Phong còn sáng tạo ra chiêu thức Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm kinh điển, hoàn toàn tương phản với võ học đương thời khi lấy tĩnh chế động, lấy nhu khắc cương, lấy chậm đánh nhanh.
Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, Kim Dung từng nói rằng: “Võ công của Trương Tam Phong nghìn năm trước không ai sánh bằng, nghìn năm sau cũng chẳng ai vượt qua nổi.”
3. Nga My
Tương Dương thất thủ, Quách Tĩnh và Hoàng Dung tự sát, cô con gái thứ 2 của họ là Quách Tương mang theo Ỷ Thiên Kiếm cũng phải chạy trốn cùng với Giác Viễn Đại Sư và Trương Quân Bảo khỏi Thiếu Lâm Tự. Trương Quân Bảo sau đó sáng lập ra Võ Đang, còn Quách Tương sáng lập ra Nga My. Bởi vậy 2 phái luôn giữ tình hòa hữu.
Nga My phái chỉ cho phép nữ giới gia nhập, chủ yếu sử dụng kiếm pháp, chú trọng về tốc độ, độ chính xác.
Nổi tiếng trên võ lâm là vậy nhưng thực tế cho đến nay nguồn gốc của Nga My vẫn chưa rõ ràng. Việc truy tìm lịch sử càng khó bởi võ công phái Nga My có rất nhiều nguồn gốc, lại không hề nhất quán về đường lối kỹ pháp.
4. Cái Bang
Nếu Thiếu Lâm được coi là đệ nhất phái thì Cái Bang được xem là đệ nhất bang. Đây là bang hội do những người ăn mày yêu nước, chuyên hành hiệp trượng nghĩa sáng lập. Sử dụng chủ yếu là gậy và quyền, đường lối đơn giản không mỹ miều, nhưng Cái Bang cũng sở hữu tuyệt học là Giáng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp. Cái Bang cũng là nơi sản sinh ra những nhân vật xuất chúng trong võ lâm như Kiều Phong, Hồng Thất Công, Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Tô Khất Nhi.
5. Minh Giáo
Tề danh với Thiếu Lâm và Cái Bang, Minh Giáo có tên gốc là Ma Ni Giáo được coi là đệ nhất giáo, có nguồn gốc từ xứ Ba Tư và được truyền sang Trung Quốc. Tuy nhiên do triều đình ra lệnh giết giáo đồ mà thế lực Minh Giáo đại suy. Môn đồ của Minh Giáo không thể hành sự công khai, vì thế Minh Giáo dần càng trở nên bí ẩn. Để rồi chữ Ma trong Ma Ni khiến giáo phái này bị gọi là Ma Giáo.
Minh Giáo được nhắc đến nổi bật nhất là trong tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Lông Ký. Trương Vô Kỵ vô tình lĩnh hội được Càn Khôn Đại Na Di và luyện đến tầng thứ 7, sau trở thành giáo chủ Minh Giáo, hành hiệp trượng nghĩa, luôn đối đầu với quân Mông Cổ. Từ đó Minh Giáo không còn bị xem là tà đạo.