Bạn sẽ làm gì khi vô tình chạm phải ánh mắt của một người lạ? Đa số mọi người sẽ quay đi, hoặc kèm theo đó là một nụ cười thứ lỗi. Cứ thử tưởng tượng nếu có ai đó nhìn chằm chằm vào mắt bạn suốt 10 phút. Thật kỳ quặc và bất lịch sự phải không?
Nhưng Giovanni Caputo, một nhà tâm lý học người Ý đã thực sự thiết kế một thí nghiệm như vậy vào năm 2015. Trong đó, ông cho 20 tình nguyện viên ngồi đối diện và nhìn thẳng vào mắt nhau suốt 10 phút.
Sau đó thì đủ mọi chuyện kỳ lạ đã diễn ra. Những tình nguyện viên báo cáo những thay đổi trong trạng thái ý thức. Một số nói rằng họ nhìn thấy khuôn mặt người đối diện biến thành quái vật. Số khác thấy ra khuôn mặt của người thân đã chết, thậm chí của chính mình và trải nghiệm một cảm giác "thoát xác" – Out of Body.
Nhìn chằm chằm vào mắt của người khác trong 10 phút có thể tạo ra những ảo giác đáng sợ
Thí nghiệm được thực hiện tại Đại học Urbino, nơi Giovanni Caputo công tác. 20 thanh niên (15 trong số đó là nữ) đã được chọn để ngồi trong một căn phòng thiếu sáng. Họ đối diện nhau trong khoảng cách chỉ một mét và được yêu cầu nhìn chằm chằm vào mắt đối phương trong 10 phút.
Điểm quan trọng ở đây là ánh sáng trong căn phòng. Nó được Caputo thiết kế ở mức đủ sáng để tình nguyện viên nhìn ra các đặc điểm trên khuôn mặt người đối diện, nhưng cũng đủ tối để làm giảm nhận thức màu sắc tổng thể của họ.
Cũng trong một căn phòng khác có ánh sáng tương tự, Caputo tìm được 20 tình nguyện viên nữa và yêu cầu họ ngồi trong đó theo cặp. Nhưng những tình nguyện viên trong nhóm đổi chứng này không nhìn thẳng vào mắt nhau mà ghế của họ quay vào một bức tường trống.
Trong cả hai thí nghiệm, các tình nguyện viên được cho biết rất ít về mục đích của nghiên cứu. Caputo chỉ tiết lộ họ sẽ "trải nghiệm thiền định với đôi mắt mở". Và sau 20 phút, họ sẽ phải trả lời hai bảng câu hỏi liên quan đến những gì họ trải qua.
Bảng hỏi đầu tiên tập trung vào bất kỳ triệu chứng phân ly nào mà các tình nguyện viên có thể gặp phải. Bảng hỏi thứ hai nhằm ghi lại những cảm nhận của tình nguyện viên trên khuôn mặt của người đối diện (nhóm trong căn phòng thứ nhất) hoặc khuôn mặt của chính họ (nhóm trong căn phòng thứ hai).
"Phân ly" là một thuật ngữ được sử dụng trong tâm lý học để mô tả toàn bộ các trải nghiệm tâm lý khiến cho một người cảm thấy tách rời khỏi môi trường xung quanh họ ngay lập tức.
Các triệu chứng thường thấy của phân ly bao gồm mất trí nhớ, nhìn thấy mọi thứ có màu sắc bị bóp méo hoặc cảm giác như thế giới không có thật. Thông thường, đó là các cảm giác mà một người có thể gặp phải do lạm dụng rượu, LSD hay ma túy như ketamine.
Chấn thương thần kinh đôi khi cũng gây ra các triệu chứng phân ly và bây giờ chúng ta biết việc nhìn chằm chằm vào mắt người đối diện cũng tạo ra nó.
90% nhóm nhìn chằm chằm đồng ý rằng họ đã thấy một số đặc điểm trên khuôn mặt người đối diện bị biến dạng
"Những người tham gia trong nhóm nhìn chằm chằm vào người đối diện cho biết họ đã có một trải nghiệm hấp dẫn, không giống với bất cứ điều gì họ cảm thấy trước đây", Christian Jarrett, nhà nghiên cứu đến từ Hiệp hội Tâm lý học Anh tham gia cùng với Caputo trong thí nghiệm nói.
Kết quả của thử nghiệm được đăng trên tạp chí Nghiên cứu Tâm thần học, trong đó Caputo cho thấy nhóm nhìn chằm chằm đã vượt qua nhóm đối chứng trong tất cả các câu hỏi. Điều này chứng tỏ nhìn chằm chằm liên tục vào mắt của một người khác trong 10 phút tạo ra một hiệu ứng nào đó ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức thị giác và trạng thái tinh thần của họ
Jarrett giải thích:
"Trong bảng hỏi kiểm tra về trạng thái phân ly, tình nguyện viên đã chấm điểm cao nhất cho các mục liên quan đến cường độ màu giảm, âm thanh có vẻ trầm hơn hoặc to hơn mong đợi, bị tách ra khỏi cơ thể (Out of Body) và thời gian dường như kéo dài ra.
Trên bảng câu hỏi có khuôn mặt lạ, 90% nhóm nhìn chằm chằm đồng ý rằng họ đã thấy một số đặc điểm trên khuôn mặt người đối diện bị biến dạng, 75% cho biết họ đã nhìn thấy một con quái vật, 50% nói rằng họ nhìn thấy khuôn mặt của chính họ trên khuôn mặt của đối tác và 15% nói rằng họ đã nhìn thấy người thân của mình".
Trước đó vào năm 2010, Caputo cũng đã thực hiện một thí nghiệm tương tự với 50 tình nguyện viên nhìn chằm chằm vào chính họ trong gương. Thời gian cũng được thiết lập ở mức 10 phút.
Bài nghiên cứu sau đó được Caputo xuất bản với tựa đề "Ảo ảnh gương mặt người lạ trong gương". Báo cáo viết chỉ sau chưa đầy một phút, các tình nguyện viên bắt đầu thấy những gì Caputo mô tả là "ảo ảnh khuôn mặt kỳ lạ".
"Mô tả của những người tham gia bao gồm những biến dạng lớn trên khuôn mặt của họ, nhìn thấy khuôn mặt của cha mẹ còn sống hoặc đã chết, những khuôn mặt điển hình như của bà già, trẻ em hoặc chân dung của tổ tiên, những khuôn mặt động vật như mèo, lợn hoặc sư tử; và ngay cả những sinh vật kỳ ảo và quái dị", Susana Martinez-Conde và Stephen L. Macknik đến từ Viện Thần kinh học Barrow cho biết.
"Tất cả 50 người tham gia đã báo cáo cảm giác ‘khác biệt' khi đối mặt với một khuôn mặt của chính mình nhưng đột nhiên trở nên lạ lẫm. Một số người cảm thấy sự khác biệt đó rất mạnh mẽ".
Đừng bao giờ nhìn vào mắt người đối diện hoặc bản thân bạn quá lâu nếu không muốn gặp rắc rối.
Vậy chuyện gì đang xảy ra ở đây? Martinez-Conde và Macknik giải thích rằng nó có thể là một thứ gọi là thích ứng thần kinh, xảy ra khi các nơ-ron của chúng ta bị làm chậm hoặc thậm chí dừng phản ứng đối với kích thích thị giác không thay đổi.
Nó xảy ra khi bạn nhìn chằm chằm vào bất kỳ cảnh hoặc vật thể nào trong một khoảng thời gian dài - nhận thức của bạn sẽ bắt đầu mờ dần cho đến khi bạn chớp mắt hoặc cảnh vật chuyển biến.
Caputo giải thích thêm rằng, khi nhìn vào một điểm quá lâu, các đặc điểm trong đó sẽ dần biến mất, gọi là trạng thái "phai mờ Troxler". Khi một số thông tin thị giác bị thiếu, não bộ sẽ xử lý và lấp vào chỗ trống dựa theo những điều họ mong đợi hoặc từng trải qua nên đã tạo ra ảo giác.
Dù thế nào đi chăng nữa, bộ não con người và những kích thích và phản ứng của nó vẫn là một miền đất đầy bí ẩn đối với khoa học. Các ảo giác mà não bộ có thể tạo ra rất thú vị, nhưng đôi khi cũng rất đáng sợ.
Lời khuyên cuối cùng là, đừng bao giờ nhìn vào mắt người đối diện hoặc bản thân bạn quá lâu nếu không muốn gặp rắc rối.
Tham khảo Sciencealert