Chiêu thức đầu tiên trong bộ kiếm pháp Hơi thở Sấm Sét do Cựu Minh trụ Kuwajima Jigoro truyền dạy mang tên Phích Lịch Nhất Thiểm, nghĩa là "một tia sét bất thình lình". Nhất thức Phích Lịch Nhất Thiểm là tiền đề của toàn bộ Hơi thở Sấm Sét, thể hiện toàn bộ đặc trưng của bộ kiếm pháp này: Nhanh, dứt khoát, bất chợt, trực diện.
Zenitsu lấy đầu đối thủ chỉ trong tích tắc
Kiếm khí của Nhất thức phỏng theo hình ảnh một tia sét lóe lên, âm thanh tạo ra khi xuất chiêu nghe như tiếng sét giáng. Khi thi triển chiêu thức, thực hiện tư thế khởi chiêu: Hạ thấp trọng tâm cơ thể, đưa chân phải lên trước làm chân trụ và chân trái lùi xa ra sau tạo thành tư thế lấy đà để bật nhảy lên phía trước. Phích Lịch Nhất Thiểm dựa trên thực tế là nghệ thuật rút kiếm (iaijutsu) của môn kiếm đạo. Trình tự thi triển Phích Lịch Nhất Thiểm để tấn công lại khá khớp với 4 bước quan trọng của nghệ thuật rút kiếm "iaijutsu":
Tư thế khởi chiêu của Nhất thức Phích Lịch Nhất Thiểm
1. Rút kiếm - nukitsuke
2. Cắt - kiritsuke
3. Loại bỏ máu trên lưỡi kiếm - chiburi. Vì Zenitsu thi triển quá nhanh nên chúng ta không rõ cậu ta làm bước này hay không.
4. Tra kiếm vào vỏ - noto
Chiêu Phích Lịch Nhất Thiểm là chiêu chém trong tích tắc sau khi kiếm sĩ dùng sức bật từ cơ chân tiếp cận đối thủ. Bổ trợ cho Nhất thức là Thần Tốc, kỹ năng di chuyển cực nhanh. Kiếm sĩ gồng tối đa cơ bắp ở chân và bật nhảy thật xa lên phía trước. Khi áp dụng kỹ năng này, cơ chân sẽ phải chịu áp lực lớn và rất nhanh mỏi do lạm dụng sức quá đà. Bởi vậy mà thường trong trận đấu, Zenitsu chỉ sử dụng Thần Tốc tối đa được 3 lần, sau đó đôi chân cậu sẽ gần như tê liệt.
Một chân của Zenitsu đã gần mất cảm giác khi cậu thi triển Thần Tốc đến lần thứ 2
Biến thể khác của thức thứ nhất mang tên Phích Lịch Nhất Thiểm - Lục Liên. Điểm khác biệt ở biến thể này so với hình thức cơ bản là kiếm sĩ di chuyển lấy đà dạng gấp khúc 6 lần thật nhanh chứ không chỉ bật nhảy 1 lần.
Kỹ thuật Lục Liên giúp phần nào khắc phục nhược điểm di chuyển trực diện, thiếu linh hoạt của Phích Lịch Nhất Thiểm trước khi chạm được đến đối thủ. Với 6 lần di chuyển gấp khúc cực nhanh như vậy, đối phương thường khó bắt kịp và bản thân cũng tránh được các vật cản hay công kích.
Zenitsu thực hiện Lục Liên trước khi tiếp cận Quỷ Nhện
Phích Lịch Nhất Thiểm nghe qua tuy không phải kỹ thuật phức tạp để thực hiện, nhưng muốn rèn luyện đến mức nhuần nhuyễn thì cần nhiều công sức bỏ vào. Vậy thì lý do gì mà Kaigaku, đại đệ tử của Cựu Minh trụ và là đàn anh cùng thầy của Zenitsu, lại không thể lãnh hội?
Có lẽ mấu chốt nằm ở tính cách của Kaigaku. Trong nghệ thuật rút kiếm, ngoài kỹ thuật và tốc độ thì tâm lý của kiếm sĩ rất quan trọng. Suốt quá trình thực hiện iaijutsu, trạng thái kiên định (zanshin) phải luôn được duy trì. Khi trong trạng thái zanshin, kiếm sĩ phải giữ cái đầu lạnh, suy nghĩ gần như trống rỗng và nhạy cảm với những dấu hiệu nhỏ nhất.
Tân Thượng Lục Kaigaku bị đánh bại bởi một chiêu thức khác của Hơi thở Sấm Sét do Zenitsu sáng tạo ra: Hỏa Lôi Thần
Kaigaku là kẻ mang tính cách nhỏ nhen, hay toan tính. Tính cách ích kỷ, luôn so sánh thiệt hơn đã khiến hắn bước vào con đường sai trái hết lần này đến lần khác: Gián tiếp giết thầy, phản bạn, đầu quân cho đối thủ. Sắp xếp cho Kaigaku không bao giờ có thể thi triển Phích Lịch Nhất Thiểm, có lẽ tác giả đã ngầm nói lên trái tim không kiên định của hắn.