Terrence Howard với Robert Downey Jr.: Iron Man (2008) là tác phẩm mở đầu huy hoàng của MCU. Tuy nhiên, nam chính Robert Downey Jr. chỉ được trả một khoản thù lao khiêm tốn trong lần đầu hóa thân thành Người Sắt. Ngược lại, nhờ sự nổi tiếng tại thời điểm đó, bạn diễn Terrence Howard của anh nhận cát-xê cao hơn. Sau thành công của bộ phim, Howard đòi hỏi tăng thù lao, nhưng Marvel Studios từ chối và gạt anh khỏi dàn diễn viên của phần hậu truyện. Terrence Howard đổ lỗi cho Robert Downey Jr. đã giành mất khoản thù lao đáng lẽ thuộc về mình.
Kevin Feige và Ike Perlmutter: Ike Perlmutter là vị CEO ít người biết tới của Marvel Entertainment và từng làm “sếp lớn” của Kevin Feige. Perlmutter từng có ý định thay thế X-Men bằng nhóm Inhumans nhằm gây khó dễ cho Fox. Mâu thuẫn giữa vị CEO và Feige bùng nổ khi ông muốn loại Người Sắt khỏi Captain America: Civil War (2016) nhằm tiết kiệm một khoản chi phí. Kevin Feige đã tới gặp trực tiếp Bob Iger - CEO của Disney - và đề nghị tách Marvel Studios khỏi Marvel Entertainment và đơn vị từ nay sẽ thuộc quản lý trực tiếp của "nhà chuột". Đề xuất rốt cuộc đã được Iger chấp thuận.
Chloe Bennet và Marvel Studios: Các phim điện ảnh và series truyền hình xoay quanh nhân vật truyện tranh của Marvel Comics ít nhiều vẫn liên hệ về mặt nội dung. Tuy nhiên, trong Captain America: The Winter Soldier (2014), tổ chức S.H.I.E.L.D. đã tan rã trên màn ảnh rộng. Kết quả, series Agents of S.H.I.E.L.D. ngày càng bị đẩy xa khỏi MCU. Nữ diễn viên Chloe Bennet từng phàn nàn về việc Marvel nhất bên trọng nhất bên khinh giữa hai mảng điện ảnh và truyền hình: “Các phim thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel thích làm ra vẻ mọi sự kiện đều liên hệ với nhau, nhưng họ lại không thừa nhận vai trò của Agents of S.H.I.E.L.D”.
Joss Whedon và Kevin Feige: Joss Whedon từng tiết lộ ông phải chiến đấu để giữ lại từng cảnh phim trong bản dựng Avengers: Age of Ultron (2015). Tình thế căng thẳng tới độ Kevin Feige từng đưa ra tối hậu thư rằng nếu Whedon không thêm Đá Vô cực vào cảnh của Thor trong hang, cảnh phim ở nông trại sẽ bị cắt bỏ. “Tôi tôn trọng họ, họ đều là nghệ sĩ, nhưng sự việc thực sự khó chịu”, Whedon nói. Kết quả, dù mang về cho Marvel Studios lợi nhuận khổng lồ từ hai phần phim Avengers, Joss Whedon vẫn dứt áo ra đi vào năm 2015.
Marvel Studios và 20th Century Fox: Khi Marvel Studios quyết định đưa Quicksilver và Scarlet Witch vào Avengers: Age of Ultron (2015), Fox lập tức để Quicksilver (và phiên bản thiếu nhi của Wanda) xuất hiện trong X-Men: Day of Future Past (2014). Chi tiết về cuộc tranh giành bản quyền nhân vật Quicksilver trên màn ảnh không được tiết lộ. Có nguồn tin cho rằng Kevin Feige từng nhượng bộ, đề nghị để Marvel Studios giữ bản quyền Daredevil, đổi lại Fox sẽ có Galactus và Silver Surfer. Tuy nhiên, sự tham gia của Ike Perlmutter khiến cuộc thương thảo đâm đầu vào ngõ cụt.
Alan Taylor và Marvel Studios: Thor: The Dark World (2013) là nốt trầm đáng quên của MCU. Trước khi phim ra mắt, đạo diễn Alan Taylor từng phản đối những thay đổi của Marvel Studios với nội dung phim. Trong sự kiện ra mắt, ông tỏ ra khó chịu với clip hé lộ nội dung Guardians of the Galaxy (2014) được chèn vào cuối phim. Nhà làm phim nhấn mạnh: “Tôi cảm thấy hạnh phúc vì không dính dáng gì tới nó”. Không chỉ phật ý vì bị can thiệp vào tác phẩm, Taylor còn công khai bày tỏ rằng ông ghét trải nghiệm làm việc cùng Marvel Studios
Edward Norton và Marvel Studios: Dù ra mắt không lâu sau Iron Man, The Incredible Hulk (2008) lại không gây được tiếng vang và nhanh chóng rơi vào quên lãng. Giữa Edward Norton - nam diễn viên nổi tiếng vì tính khí thất thường cũng như sở thích can thiệp vào công việc của đạo diễn - với ban lãnh đạo Marvel Studios đã xảy ra mâu thuẫn xung quanh tác phẩm. Dù đã được Marvel Studios tạo điều kiện, Norton vẫn không hài lòng khi những đóng góp của anh không được ghi nhận. Nam diễn viên từ chối quảng bá bộ phim, cũng như nhanh chóng rút lui khỏi vai diễn.
Edgar Wright và Marvel Studios: Thông tin đạo diễn tài danh Edgar Wright thực hiện bộ phim Ant-Man cho Marvel Studios từng khiến người hâm mộ háo hức. Tuy nhiên, do Wright quá bận rộn với các dự án khác, kế hoạch sản xuất Ant-Man bị lùi lại. Tới khi tác phẩm khởi động, các bộ phim đơn lẻ của Marvel Studios đã liên kết thành vũ trụ siêu anh hùng. Do đó, Kevin Feige buộc phải thuê một đội biên kịch chỉnh sửa lại kịch bản Ant-Man nhằm tạo sự kết nối. Điều này khiến vị đạo diễn phật lòng. Edgar Wright sớm nói lời tạm biệt Ant-Man và Marvel Studios đành tìm đến người thay thế là Peyton Reed.
Natalie Portman và Marvel Studios: Kế hoạch ban đầu của Marvel Studios là để đạo diễn Patty Jenkins thực hiện Thor: The Dark World với nhân vật Jane Foster của Natalie Portman nắm giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, ý tưởng của Jenkins đã bị hãng gạt bỏ và thay bằng một bộ phim mang khuynh hướng sử thi. Nữ đạo diễn rời bỏ vị trí đạo diễn của dự án. Kế đó, Natalie Portman cũng không quay trở lại trong Thor: Ragnarok, phần phim riêng thứ ba về Thor, do vụ việc này. May mắn thay, cả hai bên dường như đã tìm thấy tiếng nói chung khi minh tinh tới đây sẽ đưa Jane Foster trở lại trong Thor: Love and Thunder (2022).
Marvel Studios và Marvel Television: Mâu thuẫn giữa Marvel Studios và Marvel Television từng hết sức căng thẳng cho tới khi Disney để Kevin Feige toàn quyền quản lý thương hiệu trên màn ảnh nhỏ. Trước đó, các series truyền hình chuyển thể từ nhân vật truyện tranh Marvel có rất ít liên hệ với những sự kiện trên màn ảnh rộng. Kevin Feige cũng thường né tránh câu hỏi tại sao những nhân vật như Daredevil, Luke Cage hay nhóm Defenders không xuất hiện trong phim điện ảnh. Tuy nhiên, các TV series tới đây của Marvel đều được sản xuất và chiếu trên Disney+, có liên hệ chặt chẽ với những gì khán giả thưởng thức ngoài rạp.
(Theo zingnews.vn)