Tác phẩm Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân đã rất thành công trong việc mô tả một thế giới huyền ảo kỳ diệu, nơi có sự xuất hiện của cả yêu ma lẫn thần phật. Một trong những yếu tố khiến tác phẩm này nổi tiếng đến vậy là nhờ vào những món pháp bảo danh bất hư truyền.
Mỗi món pháp bảo sẽ ẩn chứa 1 sức mạnh khác nhau, hình thù khác nhau, cũng có những món sở hữu quyền năng lớn mà không phải ai cũng biết được. Thực chất vật quý báu nhất trên đời trong tay Đường Tăng đó là áo cà sa gấm và tích trượng cửu hoàn của Đức Như Lai. Trong giới tu hành, áo cà sa tượng trưng cho sự khiêm tốn, khổ hạnh, giản dị nhất trên đời.
Trong Tây Du Ký, không khó để nhận ra chiếc áo cà sa và tích trượng của Đường Tăng được liệt vào trong danh sách những bảo vật xưa nay hiếm, người trần thèm muốn, yêu ma nảy lòng tham, đến những vị Thần tiên cũng trầm trồ muốn được sở hữu.
Chiếc áo cà sa và tích trượng cửu hoàn trong phim Tây Du Ký không chỉ có giá trị về vật chất mà hơn hết nó mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
Quan Âm Bồ Tát hạ phàm trong thân xác của một vị hoà thượng.
Bồ Tát và Mộc Tra (Huệ Ngạn Hành Giả, anh trai của Tam Thái Tử Na Tra) liền hóa thân thành 2 thầy trò hòa thượng đến Đông thổ Đại Đường, đem chiếc áo cà sa và tích trượng tỏa sáng rực rỡ đi bán. Mỗi khi có sư hỏi giá, Bồ Tát liền đáp rằng: "Áo cà sa giá năm ngàn lượng, còn tích trượng thì hai ngàn".
Nhìn thấy Đường Tăng giảng pháp ở kinh thành bèn lớn tiếng: "Áo cà sa, gậy tích trượng quý. Ai hiểu vật quý, ta xin biếu. Kẻ không hiểu ngàn vàng cũng không bán".
Thấy ngạc nhiên, vua Thái Tông liền hỏi vị hoà thượng 2 bảo vật này tại sao lại đắt giá đến vậy. Vị hoà thượng chậm rãi rằng: "Thưa bệ hạ, áo cà sa giá 5.000 lạng, gậy tích trượng giá 2.000 lạng. Áo cà sa này được làm từ tơ con tằm nhả trong băng, được các tiên nga thêu dệt. Trên áo có nhiều báu vật, mặc tấm áo cà sa này không bị đắm chìm trong địa ngục, ngồi thì được vạn Thánh kính chào, đi thì được 7 Đức Thánh phật tháp tùng. Mặc tấm áo cà sa của ta thì không bị đắm chìm, không sa địa ngục, không gặp tai ương ác độc, không bị hoạn nạn sói lang".
Nghe thế, vua liền lập tức hỏi mua nó, rồi phân trần rằng là để cho người đức hạnh, tức Trần Huyền Trang. Quan Âm Bồ Tát liền cười mà đem tặng, đoạn nói rằng: "Nếu là đem cho người đức hạnh, lại tinh thông phật lý thì tôi không lấy tiền", từ chối yến tiệc chay, vàng bạc của vua mà rời đi.
Về cơ bản, chiếc áo cà sa và tích trượng này không thể bị bám bẩn, khiến người mặc không bị rơi vào kiếp luân hồi, tránh khỏi việc bị độc tố làm hại, tức là trường sinh bất lão. Tuy nhiên, những kẻ tham lam lại không hiểu được giá trị của chúng mà chỉ biết tới vẻ ngoài mà thôi.
Quan Âm Bồ Tát bán áo cà sa và pháp trượng, người vô duyên bán 7.000 lượng vàng, người hữu duyên có thể cho không. Đó chính là duyên phận – một vật chất vô hình không có tiền nào mua được. Duyên cũng có thiện duyên và ác duyên. Những sự tình giữa người với người thì cũng chỉ là nhân quả luân báo.