Có thể sát cánh bên nhau đi đến đích cuối cùng, đó cũng là thử thách nối liền thử thách, đó cũng là tu luyện. Bởi vậy mới nói Tây Du Ký ý nghĩa thâm sâu lớp lớp tầng tầng, cả về quá trình đắc đạo thành Phật lớn lao lẫn những việc giản đơn trần phàm của vạn vật nhân sinh.
Ngày đó, thầy trò Đường Tăng cùng chung sứ mệnh mà gắn bó với nhau nhưng mỗi người một tính cách, năng lực chẳng giống nhau, đối mặt với bất trắc và hiểm nguy đã nhiều phen suýt “tan đàn xẻ nghé”. Vượt qua được những lần chấp trước, những u mê dục vọng mà hiểu cho nhau, thêm gắn bó và dần dần hợp thành 1 khối chính là một quá trình xuyên suốt 9981 kiếp nạn của 4 thầy trò.
Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh
Với kiếp nạn này, Ngộ Không cùng Đường Tăng xảy ra mâu thuẫn lớn, một bên là sự yếu mềm, thương người đến không tỏ tường nổi thật giả - một bên là tính hiếu thắng chỉ tự mình nhìn thấy, tự mình làm. Diệt yêu bảo vệ thầy, nhưng cái mà Tôn Ngộ Không nhận được là sự ghét bỏ của Đường Tăng; tin người ngoài nhưng Tam Tạng lại không mở lòng với đệ tử của mình. Thậm chí khi Ngộ Không gọi Thổ Địa, Sơn Thần, khi bộ cốt trắng hiện nguyên hình mà Đường Tăng nhất quyết không nhận sai, nhiều lần niệm chú cản trở đồ đệ. Cuối cùng, Đường Tăng kiên quyết đuổi Ngộ Không đầy lạnh lùng sắt đá, nhất quyết ruồng rẫy.
Ngoài ra, góp một phần công sức không nhỏ cho mâu thuẫn lần này không thể không kể đến "thánh bơm đểu" Bát Giới, chẳng suy nghĩ nhiều mà buông lời xúc xiểm, đổ dầu vào lửa nói với sư phụ rằng Ngộ Không giết oan người tốt, mau niệm chú khẩn cô nhi. Cuối cùng chỉ còn lại Đường Tăng, Bát Giới, Sa Tăng và Bạch Long tiếp tục hành trình, đi đến nước Bảo Tượng, Đường Tăng bị yêu quái Hoàng Bào hãm hại, nhốt trong hình hài con hổ. Nếu không nhờ Bạch Long chỉ ra cái sai của Bát Giới, gạt phăng ý muốn tan đàn xẻ nghé của Nhị huynh và thuyết phục gã đến Hoa Quả Sơn xin lỗi, mời Ngộ Không về thì không chừng Đường Tăng lành ít dữ nhiều, khó mà toàn mạng.
Diệt yêu bảo vệ thầy, nhưng cái mà Tôn Ngộ Không nhận được là sự ghét bỏ của Đường Tăng
Bởi vậy mới nói, Bạch Cốt Tinh với 3 lần biến hóa không chỉ là kiếp nạn thỉnh kinh mà còn là thử thách lớn của người tu hành, tu cho ôn hòa cái tâm, cho bỏ dần chấp trước.
Hồng Hài Nhi
Lần thứ 2 thầy trò Đường Tăng suýt "tan đàn xẻ nghé" là khi đi qua núi Hiệu, chạm trán Hồng Hài Nhi. Yêu quái biến thành đứa trẻ bảy tuổi, mình trần trùng trục, chân tay bị trói chặt, treo lủng lẳng trên ngọn tùng cao, miệng khóc than rên rỉ cầu cứu mạng. Hành Giả tinh tường biết rõ yêu tinh giở trò lừa dối mà Đường Tăng cứ một mực cho là con nhà lành, còn bảo Ngộ Không cõng "cháu bé" về nhà. Tôn Đại Thánh phải cõng yêu ma, trong lòng oán trách Đường Tăng, đập chết yêu quái thành đống thịt nát nhũn. Chẳng ngờ Hồng Hài Nhi biết trước, dùng phép giải thây, xuất thần ra nên thoát chết. Yêu quái tức giận, biến thành một cơn lốc cát bay đá lở vô cùng dữ dội, lướt theo đầu gió cuốn đường Tăng đi, mất tăm mất dạng, chẳng biết phương nào.
Sa Tăng nói:
– Sư phụ nhẹ như bấc, hay là bị gió cuốn đi mất chăng?
Hành Giả nói:
– Các chú ạ, chúng ta nên chia tay ở đây thôi.
Bát Giới nói:
– Đúng đấy. Nên chia tay sớm, mỗi người tìm một ngả lại hóa hay. Đường sang phương Tây xa lắc xa lơ, biết đến bao giờ mới tới!
Lần này, đến lượt Sa Tăng can ngăn: "Sư huynh ơi, anh nói chi mà lạ thế? Chúng ta kiếp trước mắc lỗi, nay nhờ Quan Thế Âm Bồ Tát khuyến hóa, chúng ta được xoa dầu thụ giới, thay đổi pháp danh, quy y Phật quả, tình nguyện bảo vệ Đường Tăng sang phương Tây bái Phật cầu kinh, lập công chuộc tội. Hôm nay tới đây, phút chốc chán nản, thốt ra lời mỗi người một ngả, chẳng phải là trái với thiện quả của Bồ Tát sao? Hơn nữa, còn bại hoại cả đức hạnh mình, khiến người chê cười, cho chúng ta là hạng hữu thủy vô chung nữa".
Từ đây, cả Ngộ Không lẫn Bát Giới đều ngộ ra điều phải, rút lại lời nói sốc nổi, vực dậy tinh thần và quyết tâm cứu sư phụ dù cũng suýt khiến Mỹ Hầu Vương phải mất mạng vì Tam Muội Chân Hỏa.
Sư Đà Quốc
Lần thứ 3 thầy trò Đường Tăng suýt đứt gánh giữa đường là ở thành Sư Đà, gặp phải ba yêu tinh thần thông quảng đại, gian trá mưu mô. Tôn Đại Thánh mấy phen hàng phục được ma vương thứ nhất và thứ hai, nhưng ma vương thứ ba đặc biệt cứng đầu và không phục. Hắn vốn là con đại bàng một lần vỗ cánh bay xa được chín vạn dặm, bày quỷ kế trá hàng, bắt được Đường Tăng, Bát Giới và Sa Tăng, chỉ có Ngộ Không trốn thoát. Lão ma vương còn nghĩ ra cách làm nhụt chí Tôn Hành Giả, cho lan truyền tin tức khắp trong thành rằng Đường Tăng đã bị ăn thịt rồi.
3 đại ma vương thống lĩnh núi Sư Đà: Lão đại nguyên là con sư tử vật cưỡi của Văn Thù Bồ Tát, Lão nhị là con voi vật cưỡi của Phổ Hiền Bồ Tát, Kim Sí Điểu là "cậu của Như Lai"
Vậy là khi Tôn Ngộ Không từ động Sư Đà trở về bỗng nghe được tin đồn, dùng phép thần thông trà trộn cứu lấy nhị đệ nhưng cả 2 đều khóc ròng tiếc thương, nói rằng sư phụ bị mấy đại vương ăn thịt ngay đêm qua rồi. Ngộ Không thấy hai người nói giống nhau, thì lòng như dao cứa, vội vàng nhảy vút lên không, tạm chưa cứu Bát Giới vội, mà đến thẳng ngọn núi phía đông tòa thành, hạ mây bước xuống, tuôn hàng lệ: "Lão Tôn phải dùng phép cân đẩu vân tới gặp Như Lai nói rõ đầu đuôi. Ngài mà chịu đưa kinh cho ta mang về phương Đông thì một là thiện quả được ghi công, hai là bọn mình cũng thỏa lòng. Nếu ngài không đưa cho mình, thì mình bảo ngài niệm “túng cô nhi chú”, cởi chiếc vòng ra, mình trả lại cho ngài rồi trở về bản động xưng vương xưng bá, ăn chơi thỏa thích".
Yêu quái lừa rằng Đường Tăng đã bị ăn thịt
Phen này, chỉ vì tin đồn thất thiệt mà Ngộ Không, Bát Giới cùng Sa Tăng đã suýt buông bỏ sứ mệnh thỉnh kinh. Điều đáng quý là trong đại nạn này, Tôn Ngộ Không đã chẳng vội vàng bay về Hoa Quả Sơn, mà quyết định đến gặp Phật Tổ để làm rõ đầu đuôi, vẫn còn nghĩ đến việc lấy kinh mang về phương Đông hồng dương chính Pháp.
Tạm Kết
Có thể nói, để một Đường Tăng u mê và yếu đuối làm người dẫn đầu đoàn thỉnh kinh chính là một an bài tuyệt diệu của Bồ Tát. Giả sử Tôn Ngộ Không được ở vị trí của Đường Tăng, thì hành trình thỉnh kinh này quá dễ dàng rồi: “Sư phụ” mắt Thần nhìn rõ mọi yêu quái, “sư phụ” quyết định vô cùng sáng suốt, các đồ đệ cứ thế làm theo thôi chẳng phải tranh cãi thuyết phục làm gì. Vậy thì chẳng có hiểu lầm và oán trách, cũng chẳng có khổ nạn và khó khăn. Nhưng nếu vậy, kết thúc hành trình thỉnh kinh, tâm tính của mỗi người cũng chẳng được đề cao lên, tín tâm của mỗi người cũng không được đem ra khảo nghiệm, thế thì uy đức đến được từ đâu?
Chính là vì có một vị sư phụ người trần mắt thịt, rất nhân từ mà cũng rất cố chấp kia, nên các đồ đệ mới bao phen dằn lòng khuất nhục, can gián không thành, vất vả chiến đấu với yêu ma, vào sinh ra tử để cứu thầy. Nhờ đó, ta mới có một Mỹ Hầu Vương nóng nảy kiêu ngạo trở thành một Tôn Hành Giả bình hòa và lễ độ, hay một Trư Bát Giới háu ăn trở nên lãnh đạm với đồ ngon… Bản thân Đường Tăng cũng thu được những bài học khắc cốt ghi tâm, buông bỏ những chấp trước thâm căn cố đế. Đường Tăng dẫu sao cũng chỉ là một người tu luyện, sinh mệnh là bình đẳng với Ngộ Không, Bát Giới và Sa Tăng, còn người thực sự dẫn dắt đoàn thỉnh kinh chính là Phật Tổ và Bồ Tát.
T/h.