Mỹ nữ đẹp nhất - Tiểu Long Nữ
Dù trong suốt sự nghiệp của mình, Kim Dung đã tạo ra nhất nhiều giai nhân với những nét đẹp khác nhau nhưng chỉ có Tiểu Long Nữ mới được chính ông ưu ái ban tặng 4 chữ "đệ nhất mỹ nữ". Nguyên gốc miêu tả vẻ đẹp chim sa cá lặn, băng thanh ngọc khiết của Tiểu Long Nữ:
"Thiếu nữ ấy mặc bộ đồ lụa màu trắng, tưởng như thân hình ấy đang trong một lớp sương mù. Nàng trạc mười bảy, mười tám tuổi. Trừ mái tóc đen, toàn thân nàng trắng như tuyết, khuôn mặt tú mỹ tuyệt vời, có điều da dẻ trắng xanh, thiếu màu hồng. Dương Quá ngẩng mặt lên, bắt gặp ánh mắt của nàng. Nó cảm thấy thiếu nữ thật thanh lệ tú nhã, càng nhìn càng ưa thích, song thần sắc lại lạnh lùng. Đúng là thanh khiết như băng tuyết, giá lạnh như băng tuyết. Thật chẳng biết nàng mừng hay giận, buồn hay vui."
Vẻ đẹp ấy sau này được gửi gắm vào những diễn viên mà trong đó, Lưu Diệc Phi và Lý Nhược Đồng chính là hai mỹ nữ gây được nhiều ấn tượng đối với người xem nhất.
Cái chết đau lòng nhất: Tiêu Phong
Thiên Long Bát Bộ khép lại bằng cảnh tượng ám ảnh và bi kịch nhất trong các tiểu thuyết của Kim Dung. Ấy là khi A Tử móc mắt ném trả lại cho Du Thản Chi rồi ôm xác Tiêu Phong rơi vào vực thẳm, để lại Du Thản Chi mù lòa kêu gào tên người yêu giữa cảnh trời chiều quan ải bi thương. Rất lâu sau này người ta vẫn truyền tai nhau rằng, trong tất cả các nhân vật của Kim Dung, có lẽ chỉ có Tiêu Phong là nhân vật gây ấn tượng sâu đậm nhất về thân phận bi tráng của người anh hùng trong mê cung của định mệnh.
Tiêu Phong là một người hùng, mà người hùng thì nhiều bi kịch
Có người cho rằng Tiêu Phong không chốn dung thân, người Liêu xem là kẻ phản quốc, người Tống xem là kẻ mọi rợ Khất Đan nên tự tử; có người nói vì muốn trọn nghĩa với A Châu nên chọn cái chết cho vẹn toàn; có người lại nghĩ Tiêu Phong vì muốn hai nước ngừng chiến tranh, dẹp can qua nên mới nên cơ sự. 9 người 10 ý, bình luận dẫu trăm trang cũng chưa thể nào chiêm nghiệm hết cái tình, cái lý, cái nghiệt trong những phân cảnh cuối cùng ấy.
Câu hỏi khó nhất, bi thương nhất: Hỏi thế gian tình ái là chi?
Cho dù đã nhiều năm trôi qua, nhiều người vẫn không thể nào quên được câu hỏi được gắn liền với Lý Mạc Sầu ấy. Vốn tự thân chẳng có cô gái nào hận tình yêu, nuôi trong lòng những hận thù ai oán để giết chết đi những yêu đương mộng mị như Lý Mạc Sầu, ấy là phải trải qua vị đắng ngắt của 1 mối tình oan nghiệt mới đủ sức nhào nặn nên một giai nhân tưởng như đã chết trong lòng như thế.
Thuở xưa Lý Mạc Sầu cũng biết yêu, nàng dành tình 1 yêu sâu đậm cho chàng thư sinh Lục Triển Nguyên. Vì tình yêu, Lý Mạc Sầu sẵn sàng vứt bỏ lễ giáo, trinh bạch để đi theo, nào ngờ niềm tin trao nhầm người, con người bội bạc Lục Triển Nguyên lại nỡ bỏ rơi nàng để kết hôn với người con gái khác.
Sau cuộc tình buồn, nội tâm Lý Mạc Sầu "vặn vẹo trở mình" và biến nàng thành con người hoàn toàn khác: tàn độc, lạnh lùng và luôn nung nấu ý định trả thù. Sau đúng 10 năm, nàng tìm đến Lục Triển Nguyên nhưng hắn đã mất, vợ hắn cũng vì đau buồn và nhớ nhung đã đi theo xuống suối vàng. Từ đó, Lý Mạc Sầu luôn xuất hiện và mở đầu bằng câu nói nổi tiếng "hỏi thế gian tình là gì, mà đôi lứa nguyện thề sống chết", buồn đến thê lương.
Ngông cuồng một cách "thật" nhất: Ngậm Nhã Hành
Trong toàn bộ các tác phẩm của Kim Dung, có lẽ chỉ có 3 nhân vật là đạt đến cảnh giới văn võ song toàn, vừa sở hữu công tuyệt đỉnh vừa trí tuệ hơn người, thêm đó là sự đề cao cái tôi cá nhân đến mức kiêu ngạo. Ấy là Hoàng Dược Sư, Tạ Tốn và Ngậm Nhã Hành.
Tuy nhiên cái chất "lỗ mãng giang hồ" của Ngậm Nhã Hành là đậm đặc nhất, đặc trưng nhất, độc nhất, chẳng ngại phô diễn cả những mặt xấu của bản thân, đúng với cái tên "mặc ý ta làm". Nhậm Ngã Hành hoàn toàn chất phác, giống như chưởng pháp của ông khi giao đấu với Thiên Thủ Như Lai chưởng của Phương Chứng đại sư. Người sao chưởng vậy, không ly kỳ biến ảo, không màu mè qua mắt nhưng trong thô phác lại hàm chứa tinh hoa.
"Chỉ những người có bản lĩnh thực sự và có sở đắc chân chính như Nhậm Ngã Hành mới dám vứt bỏ mọi lớp vỏ văn hóa hoa hòe che phủ bản thâ, để hiện ra một cách trần trụi với mọi cái xấu, cái tốt không thèm che giấu, như một-con-người thực sự. Khi thì ăn nói cùng cực sắc bén đúng với phong độ của một đại tôn sư võ học, khi thì hành xử rất mực thô lỗ, thậm chí hạ cấp, như bọn hảo hán giang hồ".
(Còn tiếp)