Dù Avengers: Infinity War vừa kết thúc quá trình quảng bá của mình cách đây hơn 2 tháng nhưng các fan hâm mộ của vũ trụ điện ảnh Marvel (viết tắt: MCU) đã nôn nóng đếm ngược từng ngày để được ra rạp chiêm ngưỡng phần cuối còn chưa kịp được đặt tên của Giai đoạn 3 - Avengers 4.
Sau phần phim này, tương lai của MCU là một câu hỏi lớn dành cho khán giả. Với việc Disney sắp hoàn tất thương vụ mua lại 20th Century Fox, người xem kỳ vọng Marvel sẽ đem lên màn ảnh nhóm X-Men và Fantastic Four trong thời gian tới. Giờ đây, trên lý thuyết, nhóm Avengers và biệt đội dị nhân X-Men hoàn toàn có thể cùng nhau chiến đấu chống lại những tên trùm phản diện. Tuy nhiên, khi nhìn vào các dự án tiếp sau Avengers 4, người ta vẫn chưa thể tìm thấy dấu vết của những "đứa con rơi" vừa được Marvel Studios mang trở về nhà. Vậy đâu là lý do cho việc chần chừ này của họ?
1. Vũ trụ điện ảnh Marvel đang có quá nhiều siêu anh hùng cần được khai thác
Khi Infinity War được công chiếu, khán giả nhận ra một sự thật rằng số anh hùng của MCU đã trở nên quá nhiều đến mức đội ngũ biên kịch không thể nghĩ ra được một kịch bản nào để nhét hết tất cả mọi người vào một bộ phim. Rất nhiều fan hâm mộ đã viết những hashtag như #CônglýởđâuchoValkyrie hay #CônglýởđâuchoAntMan trên mạng xã hội để bày tỏ sự thất vọng khi nhìn thấy nhân vật yêu thích của họ không có cơ hội được tham gia trận đại chiến vô cực.
Chưa dừng lại ở đó, Giai đoạn 4 của MCU còn là mảnh đất màu mỡ để đội ngũ làm phim vun xới cho lứa anh hùng trụ cột mới, thay thế cho các Avengers đời đầu như Iron Man hay Captain America. Chúng ta sắp có hàng tá bộ phim riêng về Doctor Strange, Spider-Man, Black Panther, Captain Marvel và thậm chí là Black Widow. Nên nhớ rằng các nhân vật kể trên đã được khán giả khao khát nhìn thấy họ phô diễn sức mạnh trên màn ảnh từ trước khi thương vụ mua bán những nhân vật bên nhà Fox được công bố, do đó tất nhiên Marvel Studios không thể mạo hiểm "lật ngược thế cờ".
2. Nếu làm không khéo, những khó khăn từ "Vũ trụ X-Men và Fantastic Four" có thể lan sang MCU
Công bằng mà nói, dù cho X-Men là thương hiệu siêu anh hùng bạc tỷ đầu tiên được cả thế giới công nhận, họ vẫn phải "ngả mũ" trước người anh em MCU ở khoản thiết lập một hệ thống các phim liên quan đến nhau. Sự thiếu hoạch định cho tương lai của đội ngũ sản xuất ở Fox đã năm lần bảy lượt đẩy nhóm X-Men vào hoàn cảnh khó khăn, tiêu biểu là hai quả bom xịt sở hữu những tình tiết sai logic trầm trọng là X-Men: The Last Stand (2006) và X-Men Origins: Wolverine (2009).
Bắt đầu từ năm 2011, First Class Trilogy được sản xuất, bao gồm X-Men: First Class (2011), X-Men: Days of Future Past (2014) và X-Men: Apocalypse (2016) đã mang đến một bộ mặt sáng sủa hơn cho các dị nhân của Giáo sư Xavier. Đặc biệt, chi tiết lội ngược dòng thời gian của Wolverine trong Days of Future Past có công dụng na ná viên đá Time Stones trong MCU khi đã đảo lộn quá khứ, đổi trắng thay đen tất cả những sự kiện xảy ra trong loạt phim này kể từ năm 1973. Tuy nhiên, còn vô số những hạt sạn không thể giải quyết hết khiến Deadpool (một nhân vật cũng đến từ Fox) từng phải nhận xét: "These timelines are confusing." (Dòng thời gian gì đâu mà loạn xì ngầu.)
Tiếp theo là số phận của nhóm Fantastic Four. Phiên bản remake Fantastic Four(2015) được xem như một trò cười bởi những xáo trộn cẩu thả trong khâu lựa chọn chất liệu gốc (truyện tranh). Hậu quả là "Bộ Tứ Siêu Đẳng" bị biến thành một mớ hành động hỗn độn, nội dung lan man và gần như là bộ phim siêu anh hùng tệ hại nhất từng được ra mắt. Chính vì nước cờ sai lầm này, Fox đã không dám động đến đứa con cưng của mình trong suốt gần 3 năm cho đến khi bán luôn cho Disney.
3. Không dễ để tập hợp các sao lại một chỗ
Nếu sáp nhập các nhóm anh hùng lại với nhau, điều bối rối đầu tiên xảy ra đó là Human Torch (thành viên có khả năng biến bản thân thành ngọn đuốc sống trong Fantastic Four) đời đầu chính là Captain America sau này – Chris Evans và buồn cười hơn là Human Torch phiên bản remake 2015 cũng là một thành viên của MCU: Michael B. Jordan – ông em họ quay về giành ngôi vương của Black Panther, Eric Killmonger. Đó là chưa kể đến việc Quicksilver của X-Men vẫn còn sống khỏe mạnh và đang tìm kiếm cha ruột của mình, còn Quicksilver của MCU thì đã "ngỏm" từ thuở nào rồi.
Tiếp theo, không hiểu vì lý do gì mà sang đến First Class Trilogy, nhân vật Mystique do Jennifer Lawrence thủ vai đã trở thành nhân vật trung tâm của loạt phim (trong khi tại phiên bản đầu tiên, Mystique đơn giản là một cận vệ trung thành của Magneto). Tuy nhiên, có một vấn đề rằng bộ ba Michael Fassbender (Magneto), James McAvoy (Giáo sư X) và Jennifer Lawrence (Mystique) đã từng tuyên bố rằng họ chỉ tiếp tục quay lại với nhân vật của mình khi cả ba đều đặt bút ký hợp đồng phim. Điều này cũng có nghĩa là dàn sao trụ cột của X-Men sẽ làm khó đội ngũ biên kịch cũng như túi tiền của Marvel Studios nếu muốn mang nhóm dị nhân này vào vũ trụ của mình.
Hơn thế nữa, việc Hugh Jackman nói lời từ biệt nhân vật Wolverine thông qua tác phẩm Logan (2017) cũng là một điều vô cùng đáng tiếc đối với các fan hâm mộ Marvel vì ước mơ được nhìn thấy Wolverine chiến đấu cùng Avengers đã tan thành mây khói. Và chắc chắn, không ai muốn nhìn thấy một gương mặt nào khác được khoác lên mình thân phận của "Người Sói", vì đơn giản, gần 20 năm hóa thân thành nhân vật này đã biến Wolverine và Hugh Jackman trở thành một khái niệm duy nhất.
4. Quan trọng hơn cả, thế giới quan của các loạt phim là khác nhau
Trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel, nhóm Avengers là tập hợp của những con người có sức mạnh đặc biệt và cùng nhau chống lại những tên ác nhân nhăm nhe phá hủy thế giới. Ở đó, họ được người dân yêu quý, tôn trọng và ca ngợi. Vì thế, xung đột nghiêm trọng nhất xuyên suốt MCU chính là tính chính trị của nó – xung đột của một biệt đội siêu nhân hoạt động ngoài vòng kiểm soát của chính phủ. Quan trọng hơn, phạm vi của MCU là toàn thể vũ trụ với những thực thể đến từ các tinh cầu xa xôi và lạ lẫm, Trái Đất chỉ là một mắt xích quan trọng chứ không phải là chiến trường duy nhất.
Trong "Vũ trụ X-Men", sợi dây nối liền tất cả mọi thứ chỉ là thái độ của con người đối với dị nhân. Bối cảnh phim đặt ra một giả thuyết khi những thảm họa hạt nhân đã thay đổi bộ gene của loài người, khiến một bộ phận nhỏ không bị chết đi mà tiến hóa trở nên mạnh mẽ hơn trước. Họ tàng hình, họ điều khiển được vật chất, họ chạy được với tốc độ siêu nhanh, và họ trở thành "quái vật" trong mắt những con người không sức mạnh. Vũ trụ X-Men cũng tràn ngập tính chính trị với bộ phim tiêu biểu X-Men: First Class (2011) đã dung hòa giả thuyết dị nhân trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô; nhưng hơn hết, chính phủ trên toàn thế giới lo ngại "dị nhân" sẽ trở thành dịch bệnh giết chết con người. Cuộc chiến của các X-Men không đến từ đâu xa, họ chiến đấu với chính cộng đồng các dị nhân – với một nửa trong số đó quan niệm rằng hãy tiêu diệt loài người yếu ớt luôn sợ hãi chúng ta đi, và một nửa thì mong muốn người bình thường và người đột biến có thể cùng nhau chung sống.
Bốn lý do trên chỉ là một con số nhỏ trong hàng tá những lý do để giải thích cho việc vì sao MCU không vội mang nhóm X-Men hay Fanstatic Four vào trong vũ trụ điện ảnh của mình. Tuy nhiên, nghệ thuật là sáng tạo không ngừng, chẳng ai có thể đoán trước được Kevin Feige đã chuẩn bị đến đâu cho tương lai của những đứa con Marvel. Chừng nào họ còn sở hữu 6 viên đá vô cực và một đội ngũ làm phim tâm huyết, ngày mà tất cả các nhân vật truyện tranh Marvel "quy về một mối" chỉ còn là vấn đề thời gian.
(Theo Thùy Nhiên - Kênh 14)