Ra mắt từ năm 1932, zombie là một trong những thể loại lâu đời bậc nhất thế giới điện ảnh. Qua quá trình phát triển gần một thế kỷ, thể loại phim này đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện với hàng loạt các ý tưởng sáng tạo. Không cần đầu tư trăm tỷ như World War Z (2013) hay Peninsula (2020), nhiều tác phẩm có kinh phí thấp hơn nhưng lại vô cùng xuất sắc.
1. The Night Eats the World (Phủ Tối Thế Giới)
The Night Eats the World là tác phẩm của Pháp với nhân vật chính là chàng nhạc công tên Sam (Anders Danielsen Lie). Một ngày nọ, anh tới nhà bạn gái cũ thuộc một khu chung cư để lấy lại những cuốn băng nhạc. Nhưng vì cô đang có tiệc, Sam đành vào một phòng ngồi chờ rồi vô tình ngủ quên. Khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, anh bàng hoàng nhận ra cả thế giới đã biến thành xác sống do thảm họa vào tối đó.
Từ đây, chàng nhạc công buộc phải tìm cách sống sót bằng số thực phẩm ít ỏi còn lại và tìm đường thoát khỏi nơi đây. The Night Eats the World có nội dung chậm và khai thác sâu tâm lý chứ không phải những màn tẩu thoát kịch tính hay máu me. Song, phim vẫn hấp dẫn vì mượn bối cảnh xác sống để nói về sự cô đơn của con người. Yếu tố kinh dị vừa phải và cao trào những phút cuối là một chút gia vị để tác phẩm trở nên trọn vẹn.
2. The Girl with All the Gifts (Vùng Xác Sống)
The Girl with All the Gifts là bộ phim xác sống của Anh, dựa theo quyển tiểu thuyết ăn khách cùng tên. Tác phẩm lấy bối cảnh tương lai gần khi phần lớn nhân loại biến thành những thây ma khát máu do một loại nấm kí sinh bí ẩn. Niềm hi vọng cuối cùng của nhân loại là thế hệ trẻ em nhiễm bệnh nhưng vẫn giữ được ý thức.
Chúng bị giam trong một căn cứ quân sự để nghiên cứu và được dạy dỗ bởi Helen Justineau (Gemma Arterton). Thảm họa xảy đến khi đàn xác sống phá được cổng rào để lọt vào trong. The Girl with All the Gifts được đánh giá xuất sắc không kém gì 28 Days Later (2002). Không chỉ kịch tính, kinh dị bởi những màn trốn chạy liên tục, phim còn đặt ra câu hỏi về tương lai của con người trong mối quan hệ với thiên nhiên.
3. REC (Góc Quay Đẫm Máu)
REC là cơn gió lạ của điện ảnh Tây Ban Nha với kinh phí vỏn vẹn chỉ 2 triệu USD và được quay theo phong cách found-footage (góc nhìn bằng máy quay cầm tay của chính nhân vật). Phim theo chân nữ phóng viên Ángela Vidal (Manuela Velasco) trong một chuyến phóng sự thực địa theo chân các anh lính cứu hỏa. Tuy nhiên, họ không biết rằng bản thân đã lọt vào một ổ dịch xác sống vừa bùng phát.
Nhờ lợi thế found-footage, REC mang đến những trải nghiệm chân thật hệt như người xem cũng đang mắc kẹt trong một tòa chung cư đầy xác sống. Những màn tấn công, cắn xé cũng vì thế mà trở nên bất ngờ và đáng sợ hơn hẳn. Không những thế, những bí ẩn về nguồn gốc căn bệnh dần xuất hiện xuyên suốt hành trình sinh tồn tàn khốc khiến phim hấp dẫn đến từng giây phút.
4. The End? (Thang Máy Định Mệnh)
Mắc kẹt trong một tòa chung cư trong The Night Eats the World hay thậm chí tàu hỏa như Train to Busan vẫn còn thoải mái chán so với chiếc thang máy trong The End?. Bộ phim mới từ Ý này mang đến ý tưởng vô cùng độc đáo khi chàng doanh nhân Claudio (Alessandro Roja) mắc kẹt trong thang máy khi đại dịch zombie bùng phát. Cánh cửa chỉ có thể mở hờ khiến anh thoát khỏi cảnh bị đàn thây ma cắn xé.
Song, lợi thế dần trở thành thảm họa khi Claudio không thể thoát khỏi cái không gian chật hẹp này. Mà dẫu có thoát được, anh sẽ ngay lập tức rơi vào vòng vây của hàng đàn xác sống chờ sẵn. Không những thế, Claudio cũng bất lực khi chứng kiến từng người quen của anh dần trở thành con mồi của zombie. Có lẽ chỉ khi rơi vào trường hợp này, khán giả mới có thể hiểu rõ nỗi sợ kinh hoàng mà anh phải chịu đựng.
5. #Alive (#Sống Còn)
#Alive là bộ phim xác sống mới nhất của Hàn Quốc với sự góp mặt của Yoo Ah In và Park Shin Hye. Phim có nội dung khá tương đồng với The Night Eats the World khi cũng kể về chàng game thủ Joon Woo (Yoo Ah In) chứng kiến đại dịch zombie qua khung cửa sổ. Tác phẩm sau đó cũng tập trung vào cuộc sống cô độc của anh chàng với lượng nhu yếu phẩm, điện, nước ngày một cạn dần còn xung quanh thì toàn thây ma khát máu.
Tuy nhiên, Joon Woo có phần may mắn hơn khi căn hộ đối diện còn một người sống sót khác là Yoo Bin (Park Shin Hye). #Alive không mang nhiều cảnh hành động như Peninsula nhưng ý tưởng mới lạ, nặng tâm lý giúp tác phẩm gợi nhớ tới Train to Busan vô cùng thành công cách đây vài năm. Hình tượng xác sống như… siêu nhân là một điểm cộng cho yếu tố kinh dị, máu me của phim.