7 phim điệp viên được mong chờ làm tiếp

Nhiều bộ phim điệp viên từng khiến khán giả say mê xứng đáng được làm thêm hậu truyện.

Spies Like Us (1985): Trong phim, Emmett Fitz-Hume (Chevy Chase) và Austin Millbarge (Dan Aykroyd) là hai gã vụng về tin rằng mình đang làm điệp viên cho chính phủ Mỹ. Trên thực tế, họ đang bị lợi dụng làm con mồi để khơi mào chiến tranh hạt nhân.

Cả Spies Like Us và Ghostbusters đều là những bộ phim hài được yêu thích trong thập niên 1980. Hai bộ phim cùng có sự góp mặt của nam diễn viên Dan Aykroyd. Tuy nhiên, Ghostbusters đã được sản xuất hậu truyện và làm lại thêm hai lần trong khi tương lai của Spies Like Us vẫn còn mù mịt.

True Lies (1994): Rất lâu về trước, đạo diễn kiêm biên kịch James Cameron từng nói thế giới sẽ không dành sự quan tâm cho một bộ phim hài lấy đề tài chống khủng bố như True Lies, gián tiếp phủ nhận khả năng bộ phim có sự tham gia của Arnold Schwazenegger và Jamie Lee Curtis được sản xuất thêm hậu truyện. Năm 1994, phim đã mang về cho 20th Century Fox 378,89 triệu USD doanh thu từ phòng vé toàn cầu với kinh phí sản xuất là 115 triệu USD

Tháng 5, We Got This Covered từng đưa tin một series truyền hình ngoại truyện của True Lies đang được sản xuất và dự kiến phát hành trên Disney+. Hai nhân vật chính trong bộ phim năm 1994 cũng trở lại trong các vai phụ. Tuy khán giả sắp được thấy vợ chồng nhà Tasker tái xuất, bản phim truyền hình vẫn không phải phần hậu truyện True Lies mà khán giả mong đợi suốt 26 năm qua.

Spy Game (2001): Trong bộ phim, cựu nhân viên CIA Nathan Muir (Robert Redford) phải đấu tranh với các cơ quan mật vụ để tìm cách giải cứu Tom Bishop (Brad Pitt), chàng điệp viên do một tay ông đào tạo, thoát khỏi tay bọn bắt cóc.

Dù tương lai của Tom Bishop vẫn rộng mở sau khi trở về từ vụ bắt cóc, khán giả khó có cơ hội được thấy phần hậu truyện của Spy Game được thực hiện. Doanh thu toàn cầu của phim chỉ nhỉnh hơn 143 triệu USD trong khi kinh phí sản xuất đã lên tới 115 triệu USD. Doanh thu xấp xỉ mức hòa vốn và sự ra đi của đạo diễn Tony Scott năm 2012 chỉ là một trong rất nhiều trở ngại mà bộ phim đã ngót nghét 20 năm tuổi cần vượt qua.

Get Smart (2008): Bộ phim hành động hài có sự tham gia của Steve Carell và Anne Hathaway là phiên bản điện ảnh chuyển thể từ series phim truyền hình Get Smart nổi tiếng giữa thập niên 1960. Khi ra rạp, Get Smart đã thu về 230,68 triệu USD từ phòng vé toàn cầu. Con số cao gấp 2,8 lần tiền vốn 80 triệu USD ban đầu nhà sản xuất đã bỏ ra.

Tuy nhiên, sau 12 năm, Get Smart vẫn không được làm thêm hậu truyện dù phim đã có một ngoại truyện ăn theo nhan đề Get Smart's Bruce and Lloyd: Out of Control ra mắt chỉ 11 ngày sau khi phim phát hành.

Tinker Tailor Soldier Spy (2011): Trong bộ phim điệp viên từng nhận ba đề cử Oscar, nhiệm vụ tìm ra tên gián điệp KGB trà trộn trong tổ chức MI6 đã buộc cựu gián điệp George Smiley (Gary Oldman) tạm dừng quãng thời gian hưu trí để trở lại thế giới tình báo khốc liệt.

Khả năng cạnh tranh tượng vàng Oscar là lý do chính khiến hãng Focus Features đầu tư vào Tinker Tailor Soldier Spy, tuy nhiên bộ phim đã ra về tay trắng. Tại phòng vé, tác phẩm chỉ thu về hơn 81 triệu USD. Sau 9 năm, dù nguyên tác tiểu thuyết của tác giả John Le Carre còn tới hai tập, phần hậu truyện của Tinker Tailor Soldier Spy vẫn bóng chim tăm cá.

The Man From U.N.C.L.E (2015): Bộ phim của đạo diễn Guy Ritchie đã hồi sinh cuộc chiến tranh điệp viên ăn khách một thời trên màn ảnh nhỏ thập niên 1960. Trong phim, chàng điệp viên CIA Napoleon Solo (Henry Cavill) và nhân viên KGB Illya Kuryakin (Armie Hammer) bất đắc dĩ phải hợp tác trong nhiệm vụ ngăn chặn âm mưu của một tổ chức tội phạm liên quan tới vũ khí hạt nhân.

Phim sở hữu kịch bản lớp lang, âm nhạc bắt tai, hình ảnh bắt mắt. Tuy nhiên, con số 107,5 triệu USD doanh thu toàn cầu trên 75 triệu USD kinh phí đầu tư đã khiến Warner Bros. chần chừ trước ý tưởng về một phần hậu truyện.

Spy (2015): Nhân vật chính trong Spy là Susan Cooper (Melissa McCarthy), một phụ nữ tròn trịa, độc thân, đã qua tuổi thanh xuân, làm công việc điều phối cho chàng điệp viên Bradley Fine (Jude Law). Fine đột ngột hy sinh khiến Cooper quyết xung phong ra thực địa trả thù cho người cô bấy lâu thầm thương trộm nhớ.

Bộ phim hành động hài hước của đạo diễn Paul Feig là ví dụ cho thấy một người đàn ông trung niên hào hoa lái siêu xe, dùng vũ khí tối tân và hẹn hò những cô đào nóng bỏng không phải là công thức duy nhất làm nên một phim điệp viên ăn khách. Tại phòng vé, phim thu về 235,67 triệu USD từ 65 triệu USD vốn đầu tư. Khán giả mong chờ hậu truyện của Spy để được tiếp tục theo dõi chuyện tình oan gia ngõ hẹp giữa Cooper và Rick Ford (Jason Statham).

(Theo zingnews.vn)