Ở thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ cách đây 20, điện ảnh năm 1999 có rất nhiều sự kiện đáng nhớ mà theo nhận định của tạp chí Entertainment Weekly thì đây là “năm đã thay đổi nền phim ảnh”.
Trong một năm có quá nhiều bộ phim đặc sắc ra mắt khán giả, ngoài danh sách 9 bộ phim dưới đây, chúng ta không thể không nhắc đến The Iron Giant, Election, Being John Malkovich, Boys Don’t Cry, Eyes Wide Shut, The Mummy, Notting Hill, The Talented Mr. Ripley, 10 Things I Hate About You, Cruel Intentions, Magnolia, Star Wars: Episode I - The Phantom Menace,…
1. The Matrix (Ma Trận)
Từ bộ đôi đạo diễn nhà Wachowski, The Matrix đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, được khán giả lẫn giới phê bình yêu mến, mang về 4 giải Oscar và đưa tên tuổi của Keanu Reeves lên đỉnh cao. The Matrixđã tác động lớn đến nền điện ảnh Hollywood, điển hình là trào lưu ứng dụng hiệu ứng slow-motion trong các cảnh hành động.
Trải qua 20 năm, The Matrix đã chứng minh giá trị bền bỉ của mình và được xem là một trong những phim khoa học viễn tưởng xuất sắc nhất mọi thời đại.
2. The Sixth Sense (Giác Quan Thứ Sáu)
Cú twist kinh điển của The Sixth Sense ngày nay hẳn đã không còn gì mới mẻ, nhưng với khán giả năm 1999, nó chính là khoảnh khắc điện ảnh gây sốc và thỏa mãn nhất mà họ từng trải qua ở rạp. Bộ phim dẫn dụ người xem vào câu chuyện rùng rợn về một bác sĩ tâm lý điều trị cho một cậu bé có khả năng ngoại cảm, để rồi cái kết khiến tất cả phải há hốc mồm.
The Sixth Sense thu về đến 672,8 triệu đô, một kỷ lục chỉ mới bị phá vỡ gần đây bởi bom tấn kinh dị IT. “I see dead people” (Con nhìn thấy người chết) cũng được Viện Hàn lâm đưa vào danh sách những câu thoại đáng nhớ nhất trong lịch sử điện ảnh.
3. Austin Powers: The Spy Who Shagged Me
Trong tập thứ hai của loạt phim về điệp viên Austin Powers cùng kẻ thù không đội trời chung Dr.Evil (cả hai vai đều do Mike Myers đóng), khán giả được gặp Mini-Me và Fat Bastard lần đầu tiên. Bộ phim trở thành tác phẩm ăn khách thứ 10 trong năm 1999 và dù nhận được “cà chua thối” từ Rotten Tomatoes, nó vẫn luôn được nhắc đến như một trong những phim hài hước nhất của thập niên 90.
4. American Beauty (Vẻ Đẹp Mỹ)
Ngay khi ra mắt, bộ phim tâm lý American Beauty đã được các trang báo đồng loạt công nhận là tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất năm. Trong phim, Kevin Spacey thủ vai Lester Burnham, một người đàn ông đang gặp khủng hoảng tuổi trung niên. American Beauty đã châm biếm lối sống thực dụng của tầng lớp trung lưu nước Mỹ một cách đầy chua cay mà cũng rất hài hước qua triết lý hoa hồng và túi rác.
Màn ra mắt của đạo diễn sân khấu Sam Mendes ở địa hạt điện ảnh đã mang về thành công vượt bậc với 356,3 triệu đô doanh thu và 5 giải Oscar quan trọng, bao gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam chính xuất sắc nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất.
5. American Pie
American Pie không chỉ thổi một làn gió mới vào thể loại phim hài - sex tuổi teen mà còn bất ngờ trở thành cú hít phòng vé, mở đầu cho 3 tập phim nữa cùng với 4 phần phim phát hành DVD trực tiếp. Ngày nay, American Pie luôn được nhắc đến trước tiên khi bàn về những phim khai thác vấn đề tâm sinh lý, tình dục của tuổi dậy thì.
6. Fight Club
Tác phẩm của đạo diễn tài hoa David Fincher kể về một “người dẫn chuyện” không tên do Edward Norton thủ vai. Anh nhân viên cổ cồn trắng nhàm chán, bế tắc đã tình cờ gặp gỡ tay buôn xà bông Tyler Durden (Brad Pitt) trên một chuyến bay và theo hắn tham gia một câu lạc bộ đánh đấm bí mật.
Bên cạnh cú twist gây sốc, Fight Club còn hấp dẫn nhiều thế hệ khán giả nhờ những lớp nghĩa sâu xa. Những chủ đề mà bộ phim thể hiện cũng mang tính đại diện cao và có ý nghĩa về mặt văn hóa. Vì thế, dù được xem là một thất bại phòng vé và gây chia rẽ giới phê bình, Fight Club giờ đây đã trở thành một tượng đài điện ảnh. Trên IMDb, từ nhiều năm nay, bộ phim đứng thứ 10 với điểm 8.8 trong danh sách những phim xuất sắc nhất mọi thời đại do người dùng bình chọn.
7. The Blair Witch Project
The Blair Witch Project đích thị là một bộ phim đã thay đổi cuộc chơi. Với kinh phí ít ỏi chỉ 60 ngàn đô, nó đã thu về đến 248,6 triệu đô toàn cầu. Thành tích để đời này nhờ công lớn của kế hoạch quảng bá thông minh trên internet vốn chưa hề có tiền lệ.
The Blair Witch Project xoay quanh một nhóm bạn vào rừng để tìm hiểu thực hư lời đồn đại của dân địa phương về một mụ phù thủy, và họ đã nhận phải một kết cục đắng. Được quay theo phong cách found-footage (giả tài liệu) từ điểm nhìn của chính nhân vật, clip giới thiệu của bộ phim đã nhanh chóng lan truyền trên mạng, lôi kéo nhiều khán giả tin câu chuyện là có thật.
8. The Green Mile (Dặm Xanh)
Frank Darabont tuy không có sự nghiệp đồ sộ nhưng ông chính là vị đạo diễn đã để lại cho đời 2 bộ phim xuất sắc và giàu cảm xúc bậc nhất: The Shawshank Redemption và The Green Mile. Cả hai đều dựa trên tác phẩm của Stephen King, đều có bối cảnh nhà tù và cùng được đề cử Oscar.
Bối cảnh của The Green Mile diễn ra trong thời kỳ Đại Khủng hoảng những năm 1930 ở Mỹ, xoay quanh mối quan hệ của tử tù da đen John Coffey (Michael Clarke Duncan) và người quản giáo da trắng Paul Edgecomb (Tom Hanks). Trên nền là một câu chuyện mang màu sắc siêu nhiên kỳ lạ, bộ phim thể hiện cái nhìn sâu sắc về sự phân biệt chủng tộc trong lòng xã hội Mỹ, đặc biệt ở những nơi mà tự do bị kìm hãm như ngục tù.
9. Toy Story 2 (Câu Chuyện Đồ Chơi 2)
Ban đầu, phần 2 của Toy Story chỉ dự kiến phát hành DVD nhưng rất may Pixar đã đổi ý và gấp rút “nâng cấp” thành bản chiếu rạp chỉ trong vòng 9 tháng. Nhờ đó, chúng ta được thưởng thức một phần hậu truyện hay hơn cả phần gốc. Toy Story 2 cũng là một trong số những tác phẩm hiếm hoi được chứng nhận 100% “tươi” trên Rotten Tomatoes. Sau 20 năm, loạt phim hoạt hình danh tiếng sẽ tái xuất với phần 4 ra mắt năm nay.
(Theo 123Phim)