Có những sự nhầm lẫn, sơ suất trên phim trường dẫn tới thiệt hại lớn về kinh tế nhưng đau lòng hơn cả là mất mát về con người.
Trên phim trường có rất nhiều đạo cụ thật và giả. Những vật dụng sắc, nhọn, dễ gây thương tích thường được làm bằng đồ giả để tránh chấn thương. Ngoài ra, một số quy tắc khác để đảm bảo về số lượng cũng như kinh phí khiến đạo cụ giả về đồ đạc hay thực phẩm cũng được sử dụng. Trong bộ phim The Hateful Eight (2015), cảnh quay một cây đàn cổ đã gây thiệt hại lớn cho đoàn phim.
Nguyên nhân là do nhầm lẫn, nam diễn viên Kurt Russell đã cầm nhầm cây đàn cổ thật, không phải cây đàn giả cổ và đập vỡ nó trong một cảnh quay nhân vật thể hiện sự tức giận. Đáng nói, cây đàn thật do bảo tàng Martin cho đoàn phim mượn, trị giá 40.000 USD (hơn 913 triệu đồng). Sau sự cố tai hại này, bảo tàng quyết định không cho bất kỳ đoàn phim nào mượn đồ nữa.
Với những dự án phim Trung Quốc chỉ riêng đạo cụ và phục sức có đến cả trăm thứ. Vì vậy trong cùng một cảnh quay nhưng nhân viên trong đoàn lẫn diễn viên thường xuyên nhầm lẫn vật này với vật kia. Chính vì sơ suất này gây ra cảnh tượng phụ kiện thời trang, trang sức cho nhân vật bị thay đổi trong “chớp mắt”.
Nữ diễn viên Thái Thiếu Phân từng chia sẻ chuyện dở khóc dở cười trên phim trường của "Hậu Cung Chân Hoàn Truyện". Cảnh tượng bàn ăn trong hoàng cung với la liệt món ăn sơn hào hải vị là điều quen thuộc với khán giả. Tuy nhiên không phải món nào cũng là đồ thật. Trong một cảnh hoàng hậu gắp đồ ăn cho Ung Chính (Trần Kiến Bân đóng), vì không biết là đồ giả nên nam diễn viên nhai mãi đồ ăn mà không được. Hóa ra miếng thịt giả được làm bằng cao su.
Sự nhầm lẫn còn đến từ việc đãng trí của diễn viên khi nhầm lịch bay. Nam diễn viên Marlon Brando đã nhầm lịch trình làm lỡ chuyến bay khi thực hiện bộ phim Bố già (The Godfather 1972). Cả đoàn phim phải dời lịch quay sang buổi tiếp theo vì sự vắng mặt của tài tử này, gây thiệt hại cả tỷ đồng cho nhà sản xuất.
Câu chuyện nhầm lẫn trên phim trường gây thương tiếc nhất phải kể tới vụ nhầm đạn thật và đạn giả đã cướp đi sinh mạng của nam diễn viên Lý Quốc Hào – con trai của Lý Tiểu Long. Khi tham gia quay bộ phim "The Crow" (1994), anh bị bắn chết bởi một viên đạn thật. Dù ở cảnh quay đấu súng được yêu cầu dùng đạn giả - đạn mã tử nhưng cây súng được sử dụng lại có đạn thật. Ở cảnh trước đó, Quốc Hào vào vai một rocker bị sát hại quay trở lại báo thù. Lúc 0h30 ngày 1/4/1993, cảnh quay nhân vật của anh bị súng lục bắn ở cự ly gần, anh gục ngã xuống sàn. Nhìn anh quằn quại đau đớn dưới sàn, mọi người trong ê-kíp ngỡ anh đang diễn sâu, tới khi đạo diễn hô "cắt", anh đã không thể gượng dậy, mãi mãi ra đi ở tuổi 28.
Trong lúc tập dợt cho một phân đoạn trên sân khấu có dùng súng giả, nữ diễn viên trẻ Ma Leyi Mu Nianyi người Myanmar đã tử vong vì không biết đạo cụ hóa ra lại là súng thật. Tin buồn vào sáng 12/10/2018 khiến làng giải trí nước này bàng hoàng vì cái chết của ngôi sao mới 19 tuổi. Khi đó Nianyi đang luyện tập cho cảnh tự tử bằng súng chuẩn bị buổi diễn tại một ngôi làng nhỏ thuộc bang Kachin (Myanmar), cô đã vô tình bắn chết chính mình vì không biết khẩu súng có đạn thật bên trong.
Trong một số bộ phim Nhật Bản, kiếm là một đạo cụ quen thuộc ở các phân đoạn võ thuật. Thông thường các đoàn phim sẽ dùng kiếm giả bằng cao su hoặc nhựa. Một số ít đạo diễn dùng kiếm thật để tăng hiệu ứng hình ảnh chân thật cho cảnh quay. Vậy nhưng đó cũng chính là nguyên nhân gây ra tai họa nếu chỉ một sơ suất xảy ra. Nam diễn viên Daigo Kashino bị thanh kiếm samurai dài 73 cm đâm ngang bụng trong một phân cảnh dùng kiếm thật, gây nên cái chết đau lòng. Khi đó anh mới 33 tuổi.