Ông già Captain America – Avengers: Endgame: Trong bom tấn thứ 22 của Marvel, sau khi du hành thời gian để trả lại 6 Viên đá Vô cực về chỗ cũ, Steve Rogers quay trở lại hiện tại với ngoại hình già nua. Hình ảnh lạ lẫm của Cap được cho là sản phẩm của CGI. Nhưng thực chất, đây là kết quả do kết hợp một vài kỹ thuật. Đầu tiên Chris Evans được hóa trang cho già đi. Để đảm bảo cơ thể của Đội trưởng Mỹ giống với một ông già, đội ngũ sản xuất đã nhờ đến diễn viên lớn tuổi Patrick Gorman. Gorman vừa đăng một bức ảnh trong trang phục của Cap khi về già với các chấm tham chiếu CGI. Điều này cho thấy rất có thể, họ đã dùng kỹ xảo để ghép mặt của Chris Evans sau khi hóa trang vào phần thân của Patrick Gorman.
Bắt khay đồ ăn trưa – Spider Man: Một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất phim là khi Spider Man đỡ trọn khay đồ ăn trưa của MJ lúc cô suýt đánh rơi nó xuống sàn. Nhiều khán giả cho rằng phân đoạn này chắc chắn là kết quả của kỹ xảo. Trên tay Spider Man chỉ có chiếc khay trống, còn các món ăn được thêm thắt nhờ giai đoạn hậu kỳ. Thực tế thì Sam Raimi đã phải dành 16 tiếng luyện tập để bắt được khay đồ ăn một cách chuẩn xác. Đội ngũ sản xuất đã bôi một ít keo dính lên tay của Raimi nhằm đảm bảo chiếc khay dễ bám vào tay của nam diễn viên và nâng cao khả năng đỡ khay thành công.
Cuộc rượt đuổi giữa chiếc Tumbler và xe chở rác – The Dark Knight: Khoảnh khắc chiếc siêu xe Tumbler của Batman rượt đuổi và va chạm với một chiếc xe tải chở rác ở tốc độ tối đa có thể coi là cảnh thú vị nhất The Dark Knight. Đạo diễn Christopher Nolan dành sự quan tâm lớn tới các hiệu ứng thực tế. Vì vậy, khán giả có lý do để tin rằng hai chiếc xe không thực sự va chạm mà hoàn toàn là sản phẩm của CGI. Thực chất, đội ngũ sản xuất đã tạo ra một mô hình thu nhỏ giống hệt đường hầm – nơi cuộc rượt đuổi diễn ra. Cùng với đó là 1/3 mô hình cơ giới của chiếc Tumbler và xe chở rác, tập trung vào vị trí mà hai chiếc xe đã va chạm.
Những vết thương của T-1000 – Terminator 2: The Judgment Day: Phân cảnh T-1000 chịu đựng vô số vết thương trong phim được nhiều người hâm mộ khẳng định hoàn toàn là kết quả của hiệu ứng kỹ thuật số. Nhưng thật bất ngờ khi nó được tạo ra bởi sự kết hợp nhiều công cụ và hiệu ứng đặc biệt. Chẳng hạn, khi đầu của T-1000 bị nổ tung trong lúc thoát khỏi bệnh viện, thứ chúng ta nhìn thấy là một mô hình vật lý, với một cỗ máy điện tử được sử dụng để điều khiển chuyển động của phần đầu. CGI chỉ được sử dụng cho khung hình cuối cùng khi đầu T-1000 liền lại hoàn toàn. Những "vết thương" kim loại lỏng của T-1000 trong suốt bộ phim thực tế là những chiếc khăn giấy dán vào quần áo của Robert Patrick. Nó được kết hợp với CGI để làm nổi bật hình dạng ban đầu và sự biến mất của vết thương.
Chiếc bút bay - 2001: A Space Odyssey: Mở đầu kiệt tác khoa học viễn tưởng của Stanley Kubrick là phân đoạn tiến sĩ Heywood Floyd (William Sylvester) ngồi trong một chiếc tàu con thoi. Khi đó, một cây bút bất ngờ bay lơ lửng trong không khí trước khi được một tiếp viên hàng không lấy lại. Năm 1968 không phải là thời điểm của những hiệu ứng hình ảnh hiện đại. Vì vậy, nhiều người đồng tình rằng chiếc bút được treo lên bởi một sợi dây trong. Thực tế thì chiếc bút được dính lên một tấm kính trong suốt nhằm tạo cảm giác trôi nổi trên không.
Cú trượt ngược và biến mất trong bồn tắm - Mary Poppins Returns: Cú trượt ngược vào bồn tắm và biến mất dưới bong bóng xà phòng là khoảnh khắc ly kỳ và thú vị của cô bảo mẫu ma thuật. Người xem hoàn toàn có thể tin rằng đây là sản phẩm của CGI. Sự thật thì đội ngũ sản xuất đã khéo léo xây dựng một chiếc bồn tắm với một đường trượt bí mật ở phía dưới, cho phép các diễn viên trượt xuống một tấm thảm được đặt ở đó.
(Theo Nguyên Hạnh - zing.vn)