Ra mắt cách đây không lâu, Mulan (tựa Việt: Hoa Mộc Lan) trở thành tâm điểm của sự chú ý khi là một trong những cái tên duy nhất dám trình chiếu trong thời buổi bệnh dịch vẫn đang hoành hành. Nhiều người kỳ vọng câu chuyện về nữ anh hùng Trung Hoa sẽ có chất lượng xuất sắc, càn quét phòng vé và mang về thành công vang dội. Thế nhưng, thực tế đang nhìn nhận Mulan như một tác phẩm yếu ớt tại rạp chiếu và trên mạng xã hội. Mặc dù được lòng giới phê bình phương Tây, bộ phim lại bị vùi dập không thương tiếc tại các trang mạng châu Á.
Một trong những lý do lớn bên cạnh diễn xuất cứng như khúc gỗ của nữ chính Lưu Diệc Phi chính là việc bộ phim xuyên tạc, sử dụng sai các hình tượng, điển tích trong văn hóa Trung Hoa. Phần đông người dân đại lục coi Mulan giống một tác phẩm giải trí "ăn theo" của Hollywood không hơn không kém, mang mác châu Á nhưng thực chất lại khác xa so với thực tế.
Đạo diễn Niki Caro (phải) của Mulan
Dẫu vậy, đạo diễn Niki Caro của Mulan vẫn hào hứng đăng đàn chia sẻ về quá trình thực hiện bộ phim sao cho “chuẩn Trung Quốc” nhất có thể. Cô chia sẻ bộ phim đã tham vấn rất nhiều chuyên gia sử học Trung Quốc cùng những lĩnh vực khác, đồng thời tìm kiếm nguồn cảm hứng riêng cho bộ phim thay vì trung thành với bản hoạt hình từ năm 1998.
“Tôi đã thực hiện vô vàn những nghiên cứu vì điều tối quan trọng của bộ phim này chính là việc phải trung thành và tôn trọng nền văn hóa Trung Hoa, thể hiện mọi thứ một cách chân thật nhất có thể”, cô nói. Vị đạo diễn còn chia sẻ rằng cô thường xuyên phải kiểm tra lại các sự kiện và chi tiết trong suốt quá trình làm phim để chắc chắn rằng dù chi tiết nhỏ nhất cũng không thể bị bỏ qua hay làm sai lệch.
“Tôi đã phải rất cẩn thận trong việc làm bộ phim trung thực và chi tiết nhất có thể, khi đây không phải là một nền văn hóa mà bản thân tôi đã quen thuộc. Mọi khía cạnh của phim đều được tìm tòi, nghiên cứu tỉ mẩn bởi cả một đội ngũ. Chúng tôi tham khảo điện ảnh Trung, tranh ảnh Trung thời xưa và cả những sự kiện chiến tranh trong lịch sử. Thêm vào đó, chúng tôi còn có cả một chuyên gia quân đội nhà Đường đến tư vấn để thực hiện các phân đoạn trong phim”, bà còn khoe thêm để khẳng định chắc nịch rằng Mulan đang đi đúng hướng.
Thoạt mới nghe qua, có vẻ ai cũng phải gật gù vì sự đầu tư và nghiêm túc của đạo diễn Niki Caro trong việc xây dựng lên một Mulan “đúng chuẩn Trung Quốc”. Thế nhưng, không hiểu đội ngũ chuyên gia của phim đã tìm tòi đến đâu khi Mulan nhanh chóng bị các netizen “lật sổ” điểm danh từng sai lầm một trong văn hóa, hình thức thể hiện.
Gia đình Mulan chắc cũng "không phải dạng vừa đâu" mới dám đem Phượng Hoàng đi canh cửa cạnh chó đá như thế này
Cụ thể, một trong những sai lầm lớn nhất của Mulan chính là việc bộ phim sử dụng hình ảnh Phượng Hoàng - một trong Tứ Linh đi làm vật canh cửa cho nhà nữ chính ở quê (thay vì chó đá như truyền thống). Thực tế tại châu Á, loài chim thần thoại này chỉ được sử dụng cho Hoàng Hậu vì nó đại diện cho sự xa hoa, quyền quý cao sang.
Có lẽ sự dũng cảm của Mộc Lan được di truyền từ nhiều thế hệ trước khi dám lấy Phượng Hoàng làm gia huy riêng cho gia tộc
Hình tượng Phượng Hoàng linh thiêng bay lờ đờ khắp phim cũng kéo theo đó là những sai lầm khác. Gia đình của Mulan chỉ là dòng dõi dân thường nhưng lại dám cả gan lấy hình Phượng Hoàng làm gia huy - một hành động mang tính chất “phạm thượng” chứ chưa cần nói đến giả trai đi đánh giặc. Nhân vật của Củng Lợi - một “phù thủy” thiên biến vạn hóa được đưa vào đầy khiên cưỡng cũng có cái kết nhạt nhẽo không kém. Thực chất, nền văn hóa Á Đông ít khi nào nhắc tới khái niệm phù thủy mà thường coi dòng nhân vật này như “yêu quái”.
Một dòng sông đóng băng nhưng xanh xanh vàng vàng không biết ở nơi nào của Trung Quốc
Đó là còn chưa hề nhắc tới những địa điểm “ảo lòi” Trung Quốc chưa hề có như dòng sông băng giá lại có cây cối mọc sum suê rêu phong bám đầy, hay những vấn đề liên quan tới phục trang, dàn quân đánh trận nhìn đã biết được thực hiện qua loa, “râu ông nọ cắm cằm bà kia” thiếu thuyết phục.
Khán giả Trung Hoa cũng không mặn mà lắm với Mulan
Thật khó có thể phán đoán không biết đội ngũ tư vấn viên hùng hậu của Mulan đã tìm tòi những tài liệu nào để có thể mang đến một bộ phim phá tan logic và thực tế đến như vậy. Sai lệch trong văn hóa của phim có thể không bị để ý bởi khán giả phương Tây nhưng đối với người châu Á, tất cả đều là những hạt sạn to không đỡ nổi, góp phần làm nên sự lai căng kỳ cục của Mulan và khiến bộ phim bị quay lưng bởi người dân đại lục.
Nguồn ảnh: Disney, NYTimes