Lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về tuần làm việc đầu tiên sau lễ nhậm chức đầy sóng gió của Thủ tướng Anh Winston Churchill trong Thế chiến II, bộ phim chính kịch Giờ Đen Tối (Tựa gốc: Darkest Hour) sẽ chính thức công phá màn ảnh rộng từ ngày hôm nay 19.01.2018, mở đầu năm 2018 đầy hứa hẹn của hãng phim Universal. Ở độ tuổi 65 của mình, vị Thủ tướng lỗi lạc nhất nước Anh đã phải hứng chịu nhiều sự hoài nghi từ phía Đức vua George VI cũng như từ phía người dân về khả năng lãnh đạo. Mặc dù vậy, với trí tuệ sắc sảo, ông đã vượt qua tất cả và đưa ra quyết định làm thay đổi toàn bộ cục diện của cuộc chiến. Phim được chắp bút bởi biên kịch Anthony McCarten, người được biết đến với sự thành công của tác phẩm Theory Of Everything (2014). Đảm nhiệm vai chính của bộ phim nặng ký này chính là Gary Oldman, người vừa vinh dự nhận giải Nam diễn viên xuất sắc trong phim chính kịch tại Lễ trao giải Quả Cầu Vàng lần thứ 75 khi hóa thân thành vị thủ tướng vĩ đại Winston Churchill trong chính bộ phim Giờ Đen Tối.
Và không chỉ có Gary Oldman cùng dàn diễn viên thực lực như Kristin Scott Thomas (The English Patient), Lily James (Cinderella), Ben Mendelsohn (The Dark Knight Rises)… Giờ Đen Tối còn được nhà sản xuất đầu tư cực kỳ kỹ lưỡng về phần bối cảnh và phục trang cho các nhân vật. Mời về đội ngũ những tên tuổi đình đám, là “gương mặt thân quen” tại các kỳ trao giải như: Sarah Greenwood, Katie Spencer, Jacqueline Durran… nhà sản xuất đang chứng tỏ tham vọng đưa Giờ Đen Tối trở thành một “chiến mã” trên đường đua Oscar. Mới đây, Giờ Đen Tối đã vinh dự nhận về 12 đề cử BAFTA, giải thưởng vẫn được gọi ví von là “Oscar Anh Quốc”, trong đó bao gồm các đề cử cho thiết kế sản xuất, thiết kế phục trang và hóa trang. Dưới bàn tay tài hoa của đội ngũ sản xuất, việc tái hiện lại bối cảnh Vương Quốc Anh vào mùa xuân lịch sử năm 1940, thời kỳ “biến than đá thành kim cương” trở nên chân thực và sống động hơn bao giờ hết.
1. Tái hiện lại chân thực bối cảnh nước Anh kiệt quệ trong Chiến tranh Thế giới II
Giờ Đen Tối tái hiện thời kỳ nước Anh đang gặp khủng hoảng về công nghiệp và cả lực lượng quân sự. Cả đất nước phải thắt lưng buộc bụng khi Thế chiến II nổ ra trong khi tàn dư từ Chiến tranh Thế giới I vẫn chưa được khôi phục. Để phản ánh lại tình trạng nguy cấp lúc này của đế quốc đã từng được mệnh danh là “nơi Mặt Trời không bao giờ lặn”, đạo diễn Joe Wright đã quyết định cộng tác với thiết kế sản xuất từng nhận đề cử Oscar danh giá Sarah Greenwood và chuyên gia dựng cảnh Katie Spender.
“Sarah và Katie đóng vai trò rất quan trọng trong dự án này. Từng cùng nhau làm rất nhiều bộ phim, chúng tôi có thể phối hợp thực sự ăn ý với nhau”, Joe Wright bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối về hai người đồng sự của mình.
Đạo diễn Wright đã đưa ra những chỉ dẫn cho Sarah và Katie rằng London ở thời điểm năm 1940 hoàn toàn khác biệt so với London ở thời kỳ hiện đại. Nó trông bụi bặm và hoang tàn hơn. Vì thế, nhóm thực hiện đã tránh lựa chọn những địa danh đã trở thành biểu tượng của thành phố này để đưa lên màn ảnh rộng. Màu vàng ảm đạm, màu xanh nhạt, những chiếc sofa cũ và cả những tấm thảm bạc phếch đã được tìm về từ khắp mọi nơi. Nội thất bên trong văn phòng làm việc của Thủ tướng Anh ở số 10 phố Downing cũng đã có sự điều chỉnh về màu sắc theo đúng yêu cầu của Quay phim từng nhận đề cử Oscar Bruno Delbonnel và đạo diễn Wright.
Bộ phận mỹ thuật cũng không bị bó buộc trong việc dựng lại hoàn toàn các thiết kế nội thất tại nơi làm việc của Thủ tướng Churchill vì có rất ít tài liệu được lưu trữ miêu tả về cách bài trí đồ đạc của gian phòng này ở giai đoạn năm 1940. Tuy nhiên, nhóm thực hiện lại coi đó là một thuận lợi trong quá trình dàn dựng bối cảnh. “Điều đó cho phép chúng tôi có thể thoả sức phát huy trí tưởng tượng của mình. Nó khiến cho người xem nghĩ tới ngôi nhà số 10 phố Downing dù rằng chẳng có chi tiết nào trong cảnh dựng của chúng tôi giống với công trình lịch sử đó. Cầu thang cũng đặt ngược hướng là một ví dụ.” Greenwood chia sẻ.
Phòng nội các chiến tranh – nơi Winston Churchill điều hành nội các của mình trong thời chiến – giờ đã trở thành một bảo tàng và việc quay phim tại đây là điều không thể. Trong thực tế, đoàn làm phim đã khắc phục điều này bằng cách dành nhiều ngày trời để lựa chọn các địa điểm có thể mang tới hiệu ứng tương tự. Bối cảnh về Phòng nội các đã được dàn dựng tại Ealing Studio ở UK – phim trường lâu đời nhất của thế giới và từng là nơi thực hiện những bộ phim kinh điển như The Ladykillers và It Always Rains on Sunday. Còn bối cảnh Toàn nhà Nghị viện cũng đã được dàn dựng tại phim trường của hãng Warner Bros nằm ở miền Đông Nam nước Anh.
2. Màn hóa trang bậc thầy theo đúng chuẩn mực với hình tượng nguyên mẫu
Tài tử Gary Oldman từng quen mặt với khán giả qua nhiều vai diễn ở những thể loại khác nhau, đáng nhớ nhất là vai diễn Sirius Black trong loạt phim kinh điển Harry Potter. Nhờ những màn hóa thân xuất thần thành các nhân vật có tạo hình hết sức đặc biệt như trong các phim Dracula, True Romance, The Fifth Element, nam diễn viên Gary Oldman được mệnh danh là "tắc kè hoa của xứ sở sương mù”. Lần này, trong Giờ Đen Tối, nam diễn viên sẽ lại "biến hình" khi khoác lên lớp hóa trang kì công để trở thành vị cựu Thủ tướng Winston Churchill bệ vệ.
Gary Oldman chia sẻ trong suốt bộ phim ông đã phải dành tới 200 tiếng đồng hồ trên ghế hóa trang và đeo thêm khối lượng bằng đến nửa cân nặng của anh để có được dáng hình mập mạp của Thủ tướng Winston Churchill. Cùng với khả năng mô phỏng giọng nói và âm điệu bậc thầy, Gary Oldman đã được giới phê bình ngợi khen nhiệt liệt vì sự hy sinh vì nghệ thuật để có thể hoàn thành tròn trịa vai diễn “nặng đô” này.
Khi nhận được đề cử cho hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại BAFTA 2018, giải thưởng danh giá còn được ví von là Oscar của xứ sở sương mù, ông đã không kìm nén được cảm xúc: “Đây là lần thứ ba tôi vinh dự được đề cử cho giải BAFTA với hạng mục dành cho nam diễn viên. Sự công nhận này có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Nó không đơn thuần chỉ đánh dấu một mốc son trong sự nghiệp của tôi cùng các đồng nghiệp, đây còn là một đặc ân cho vai diễn Thủ tướng Winston Churchill mà tôi hằng tâm đắc”.
Được biết, tác giả của phần hóa trang ấn tượng này là chuyên gia người Nhật Kazuhiro Tsuji, người đứng sau những tạo hình xuất sắc nhất Hollywood như nhân vật Hellboy trong phim cùng tên của đạo diễn Guillermo Del Toro, nhân vật Thade trong phim giả tưởng Planet of the Apes của đạo diễn Tim Burton, hay con quỷ Grinch do diễn viên hài Jim Carrey thủ vai trong How The Grinch Stole Christmas. Sau bề dày thành tích vang dội ấy, Kazuhiro Tsuji đã từ giã Hollywood để theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật cá nhân nhưng chính bằng sự kiên nhẫn thuyết phục đến cùng của Gary Oldman, ông tái xuất một lần duy nhất cho vai diễn này.
Bên cạnh sự hóa trang xuất sắc hoàn hảo cho nhân vật Winston Churchill, ê-kíp Giờ Đen Tối còn rất thành công khi tái hiện hình ảnh của những nhân vật khác trong phim. Với mái tóc vàng uốn xoăn, cách trang điểm tự nhiên cùng phong thái sang trọng, Kristin Scott Thomas đã mang tới hình ảnh của phu nhân Clementine Churchill đầy quý phái.
3. Phục trang giao thoa đồng điệu giữa phong cách hoàng gia và hiện đại
Với những tác phẩm mang đề tài chiến tranh tại Vương quốc Anh thì phục trang luôn là một điểm nhấn tối quan trọng để khắc họa thành công hình tượng nhân vật cũng như xây dựng từng thước phim một cách chân thực nhất. Giờ Đen Tối hoàn toàn làm chủ được các khâu phục dựng phục trang của mình với Jacqueline Durran, người đã từng nhận Giải thưởng Oscar, BAFTA, Giải thưởng của Hội thiết kế phục trang, Giải thưởng Evening Standard Britist Film Award với bộ phim đình đám Anna Karenina cũng do Joe Wright làm đạo diễn. Mới đây nhất, Anna Karenina đã rất thành công khi tạo nên các mẫu trang phục trong bộ phim bom tấn Beauty and the Beast với doanh thu phòng vé vượt ngưỡng 1,2 tỷ đô – la toàn cầu.
Trong cuộc phỏng vấn mới nhất, Jacqueline Durran đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc xây dựng nên một bản sao của Winston Churchill giống hết sức có thể là điều tối quan trọng với thể loại phim tiểu sử. Không chỉ vậy, đối với tất cả các thành viên khác của Nghị viện, bà cũng dành không ít tâm sức để họ có những bộ trang phục góp phần lột tả nên những nét tính cách giống với nhân vật thực ngoài đời.
Vì lẽ đó, để tạo nên một nhân vật vua George VI của riêng Giờ Đen Tối, khác với nhân vật trước đó trong The King’s Speech (2010), Jacqueline Durran đã lựa chọn trang phục màu xanh dương bởi lẽ “Điều này không chỉ gợi lên lòng yêu nước của ông, mà còn khiến ta có cảm giác ông đang gánh vác một trách nhiệm, một sứ mệnh vô cùng quan trọng.”
Xóa bỏ hình tượng Cinderella trước đó, Lily James phác họa hình ảnh cô thư ký xinh đẹp Elizabeth Layton (Lily James) đơn giản và tinh tế trong những bộ đầm cổ điển.
Khi được hỏi về lần làm việc với đồng nghiệp thân thiết, Jacqueline Durran giãi bày: “Giai đoạn đầu tiên của việc tạo ra Churchill trong phim là cho Gary gặp Kuzo. Vì vậy, họ bắt đầu làm việc trực tiếp với nhau. Và rồi đến Joe, nhà sản xuất, và bản thân tôi đến từ nước Anh, nên những bộ vest rộng là điều tôi nghĩ tới ngay lập tức. Và sau đó tôi bắt đầu tìm tòi về phục trang. Bởi Gary Oldman không cùng số đo cơ thể với Churchill, chúng tôi đã thay đổi kích thước của thắt lưng, phần đệm của cánh tay, để trông giống nhất với Thủ tướng Churchill."
Có thể nói, trang phục là một trong những yếu tố giúp cho Gary Oldman có được màn nhập vai xuất thần nhất. Nam diễn viên gạo cội Gary Oldman từng bày tỏ về vai diễn của mình: "Mọi nhân vật đều rất thử thách theo cách riêng nhưng vai Winston Churchill thực sự là một vai khó. Có rất nhiều việc phải làm. Không chỉ về ngoại hình đâu, ông ấy còn là một trong những người vĩ đại nhất nước Anh và là một biểu tượng. Đôi khi tôi cũng thấy có chút nản lòng nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy thú vị đến thế trong cả cuộc đời. Tôi đã vô cùng háo hức khi được đóng vai ngài ấy".
Giờ Đen Tối được khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc kể từ ngày hôm nay 19.01.2018.