Từ một dòng phim được đánh giá là thứ cấp, thể loại kinh dị (horror) ngày càng khẳng định tầm vóc qua cả hai tiêu chí nghệ thuật và doanh thu. Có thể thấy, thể loại kinh dị đang chiếm cứ một vị trí đặc biệt trong lòng khán giả đại chúng.
Và nếu tự nhận là một fan hâm mộ của dòng phim này thì bạn đã biết được các cập độ của phim kinh dị trước. Nếu tìm hiểu kĩ thì bạn sẽ biết nó không đơn giản chỉ là "sợ" đâu mà có đến tận 3 cấp độ kinh hãi đấy.
Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu nhé!
Cấp độ 1: The Grossed-Out (Kinh Tởm)
The Grossed-Out là những giây phút máu me nhất trong phim, gợi cảm giác đau về mặt tâm lý, hoặc cảm giác hoảng sợ khi thấy những bộ phận trên cơ thể được đem lên khung hình một cách kì dị.
Ví dụ một cái đầu lăn đến bên chân nhân vật chính, một cánh tay máu me bị đứt lìa nắm lấy chân nữ phụ, một cái bẫy sập ngay chân một gã đang chạy trốn trong rừng… thường là những mô típ điển hình của mức độ này.
Bên cạnh đó đi kèm những thước phim máu me này thường là phần score (nhạc nền) rất ma quái, tiếng violin hoặc dàn dây réo rắt, hoặc tiếng dàn kèn thật trầm tạo cho người xem cảm giác "sởn da gà".
Mức độ này thường gặp nhiều ở cái thể loại nhánh của dòng kinh dị như thể loại tra tấn (Saw, The Human Centipede), chặt chém (Scream, Child's Play), ăn thịt người (Hannibal, The Green Inferno).
Cấp độ 2: The Horror (Kinh Dị)
Đây là mức độ phổ biến nhất của dòng phim kinh dị và có lẽ cũng là thân thuộc nhất với khán giả trên toàn thế giới. The Horror chơi đùa với trí tò mò của khán giả về thế lực siêu nhiên, ma quỷ trong một bộ phim.
Trong đa số phim thuộc nhánh Supernatural Horror (Ma Quỷ, Siêu Nhiên), thế lực hắc ám thường được giấu mặt tới tận hồi 3. Xuyên suốt tác phẩm, khán giả chỉ thấy bóng dáng chúng lướt qua vài giây, hay thoắt ẩn thoắt hiện phía sau nhân vật. Giây phút chúng lộ diện hoàn toàn chính là thời điểm The Horror lên tới cao trào.
Giải thích ngắn gọn thì mức độ 2 tập trung vào sự xuất hiện và hiện diện của những thứ phi tự nhiên, những thứ có diện mạo gớm ghiếc, đáng sợ. Mức độ 2 này cũng thường sử dụng Jump-scare rất nhiều vì đó là cách khai thác hiệu quả nhất những nhân vật kì dị này trong công cuộc "hù dọa" nhân vật chính lẫn khán giả.
Ví dụ điển hình của cấp độ này là quái vật Xenomorph trong Alien (1979), khủng long Indoraptor trong Jurassic World: Fallen Kingdom (2018), Sadako trong The Ring (2002) hay Valak của The Conjuring 2 (2016).
Cấp độ 3: The Terror (Kinh Hoàng)
Đây là mức độ "nặng đô" nhất và cũng là điều mà các phim kinh dị luôn cố gắng hướng tới. The Terror tập trung vào nỗi sợ tâm lý của khán giả, thay vì những màn Jump-scare đôi khi quá dễ đoán, mức độ này sẽ xây dựng một cảm giác bất an, ám ảnh xuyên suốt cả bộ phim.
Có thể nói, The Terror là mức độ tập trung vào yếu tố con người nhất. Những bộ phim kinh dị được giới phê bình đánh giá cao đa phần nằm ở mức độ này do tính nhân bản, cũng như việc thoát ra khỏi những lối mòn và mô típ quá cũ kỹ của phim kinh dị truyền thống.
Nếu muốn trải qua cảm giác này thì chúng ta hãy xem cảnh quay cận mặt con búp bê quỷ ám Annabelle hay những nụ cười "hơi sai sai" trong Get Out (2017), và hành tung bí ẩn của những người hàng xóm, quá khứ vụn vặt chưa sáng tỏ của người bà đã khuất trong Hereditary (2018)…