Kiếm hiệp Kim Dung: Những chưởng môn xinh đẹp nhưng đau khổ vì tình

Trong các tác phẩm kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung luôn xuất hiện nhiều mỹ nhân xinh đẹp với những mối tình khiến bao người ao ước. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những mỹ nhân xinh đẹp sở hữu võ công thâm hậu, nhưng lại cả đời đau khổ vì tình.

Lâm Triều Anh – tổ sư phái Cổ Mộ

Lâm Triều Anh không phải là nhân vật được nhắc đến nhiều lần trong các truyện võ hiệp Kim Dung, nhưng để lại được ấn tượng sâu sắc trong tâm trí độc giả. Bà chính là người sáng lập nên môn phái Cổ Mộ - môn phái mà sau này Tiểu Long Nữ và Dương Quá theo học.

Lâm Triều Anh cũng là người tình của đệ nhất cao thủ thời bấy giờ là Vương Trùng Dương. Trong tác phẩm Thần điêu đại hiệp, cố nhà văn Kim Dung đã mô tả chuyện tình của hai người vô cùng đẹp nhưng buồn.

Kiếm hiệp Kim Dung: Những chưởng môn xinh đẹp nhưng đau khổ vì tình - Ảnh 1.

Lâm Triều Anh là người sáng lập nên môn phái Cổ Mộ.

Trong một lần gặp gỡ Quách Tĩnh trên núi Toàn Chân, Khưu Xứ Cơ có nói về Lâm Triều Anh qua bài thơ được khắc trên đá. Ông ta nói người viết trên đó là nhân vật kiệt xuất trong võ lâm, thân thế vô cùng đặc biệt, văn võ toàn tài, phiêu dật tuyệt luân, tuy không phải là thần tiên, song cũng là nhân kiệt trăm năm mới có.

Lâm Triều Anh vốn có tình ý, muốn sau này kết phu thê với Vương Trùng Dương, nhưng vì sự nghiệp chống giặc chưa thành nên Vương Trùng Dương dù biết vẫn cố né tránh chuyện này, khiến cho Lâm Triều Anh đau khổ, hai người từ thù hóa thành bạn, giờ đây vì tình cảm mà lại hóa thù địch, hẹn tỷ võ trên núi Chung Nam.

Vương Trùng Dương hết mực nhường nhịn, nhưng càng làm nàng ta tức giận hơn. Thế là ông đành phải động thủ, nhưng đấu mãi vẫn không phân thắng bại, điều đó càng khiến Lâm Triều Anh oán giận thêm vì nghĩ ông quá coi thường mình. Vương Trùng Dương đề nghị đấu Văn. Lâm Triều Anh nói nếu thua sẽ không làm phiền ông nữa, còn nếu thắng, nhất định nàng phải được ngôi cổ mộ. Ngụ ý là sống cùng với ông ở đó. Hai người hẹn nhau sáng hôm sau quyết đấu.

Sáng hôm sau, gặp nhau, nàng nói: "Nếu huynh đắc thắng, muội sẽ tự vẫn tại chỗ, thế là không bao giờ còn thấy mặt nhau. Nếu muội thắng, thì huynh phải cho muội trú trong Hoạt Tử Nhân Mộ, suốt đời nghe muội sai bảo, không được làm trái bất cứ việc gì. Nếu không, huynh sẽ phải xuất gia, hoặc làm đạo sĩ, hoặc làm hòa thượng. Dù làm đạo sĩ hay hòa thượng, thì cũng phải xây dựng tự quán trên núi, ở bên muội mười năm".

Sau đó, trước sự kinh ngạc khôn xiết của Vương Trùng Dương, từng nét chữ như rồng bay phượng múa dần dần hiện ra trước mắt ông, nàng đã khắc một bài thơ nói về Trương Tử Phòng chống giặc Tần. Ngay tối hôm đó ông dọn ra ngoài cho nàng ở cổ mộ, còn ông thì xuất gia dựng một đạo quán ở bên cạnh nàng, đạo quán ấy là tiền thân của cung Trùng Dương, thuộc Toàn Chân Giáo sau này.

Sau khi vào cư trú nơi này, Lâm Triều Anh tìm hiểu một số môn võ công mà Vương Trùng Dương khắc họa ở đây, rồi nghiền ngẫm sáng chế cách khắc chế môn võ công đó viết nên bộ Ngọc nữ tâm kinh.

Ngọc nữ tâm kinh là môn võ công mà Lâm Triều Anh dành cả đời mình trong cổ mộ viết nên, cốt chỉ để khắc chế toàn bộ võ công của Vương Trùng Dương và phái Toàn Chân.

Quách Tương – tổ sư phái Nga Mi

Xuất hiện trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp và phần đầu tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký, Quách Tương là con gái út của Quách Tĩnh – Hoàng Dung trong, nàng có sự hào hiệp của cha và sự thông minh, tinh quái của mẹ.

Kiếm hiệp Kim Dung: Những chưởng môn xinh đẹp nhưng đau khổ vì tình - Ảnh 2.

Quách Tương yêu thầm Dương Quá.

Vì hâm mộ Thần điêu đại hiệp – Dương Quá nên Quách Tương vô tình bị cuốn vào cuộc phiêu lưu với anh từ khi nàng được Kim Dung cho xuất hiện. Tình yêu dành cho Dương Quá ngày càng gia tăng, nhưng Quách Tương lại để trong lòng bởi biết Dương Quá chỉ yêu mỗi Tiểu Long Nữ. Sau khi Thần điêu đại hiệp kết thúc, Quách Tương đã bỏ đi tìm Dương Quá và nhận tin gia đình mình đã tử nạn vì bảo vệ thành Tương Dương. Quá đau khổ, Quách Tương đã xuất gia và sáng lập phái Nga Mi và từ bỏ mối tình thầm lặng với Dương Quá.

Diệt Tuyệt sư thái - chưởng môn đời thứ ba của phái Nga Mi

Xuất hiện trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký của cố nhà văn Kim Dung . Diệt Tuyệt sư thái là chưởng môn nhân đời thứ ba của phái Nga Mi, võ công thuộc hàng thượng thừa trong giới võ lâm, nổi danh cùng báu vật trấn sơn Ỷ thiên kiếm. Đồng thời, bà cũng nổi tiếng là một nhân vật cứng nhắc, giáo điều, nặng nề định kiến và quan điểm hắc bạch phân minh lại quá độc ác, lạnh lùng nên đến chết vẫn không chịu đứng ngang hàng Minh giáo và cũng không chịu nhận lấy sự giúp đỡ của Trương Vô Kỵ. Chính sự cứng nhắc, bảo thủ của bà khiến cho nhiều người nhận định Diệt Tuyệt sư thái là nhân vật đáng ghét nhất Ỷ thiên đồ long ký.

Kiếm hiệp Kim Dung: Những chưởng môn xinh đẹp nhưng đau khổ vì tình - Ảnh 3.

Diệt Tuyệt sư thái trong phim Ỷ thiên đồ long ký 2019.

Trong phim Ỷ thiên đồ long ký 2019, khi Diệt Tuyệt sư thái còn chưa đi tu, bà và đại sư huynh Cô Hồng Tử đã từng là một đôi tình nhân. Cô Hồng Tử nghe danh Quang Minh tả sứ Dương Tiêu võ công siêu phàm, nhiều lần thách đấu. Ông đem theo cả Ỷ thiên kiếm để đọ chiêu với Dương Tiêu mà vẫn thua, thậm chí còn bị đối thủ giữ lại bảo kiếm. Quá căm tức, Cô Hồng Tử phát bệnh mà chết. Diệt Tuyệt sư thái đem mối hận này đổ lên đầu Dương Tiêu, trở thành kẻ thù không đội trời chung với Minh giáo. Bà sáng tạo nên hai pho kiếm pháp là "Diệt kiếm" và "Tuyệt kiếm" để thực hiện ý đồ tận diệt Minh giáo của mình.

Mặc dù không phải là nhân vật chính nhưng nói rằng Diệt Tuyệt sư thái là nhân vật phụ thì cũng không thỏa đáng bởi vai trò của bà trong cốt truyện Ỷ thiên đồ long ký là cực kỳ quan trọng. Diệt Tuyệt sư thái là người gây nên mối hiềm khích của cả võ lâm thể hiện qua việc bà đã giết Kỷ Hiểu Phù nên gây oán với Dương Tiêu từ đó hai bên đánh nhau càng gây thêm mối oan cừu giữa hai phe chính tà trong võ lâm.

Diệt Tuyệt sư thái cũng chính là người chủ xướng liên kết lục đại môn phái vây đánh đỉnh Quang Minh ra tay hạ sát người của Minh giáo một cách tàn độc khiến Trương Vô Kỵ phải đứng ra can thiệp và chịu đựng ba chưởng của Diệt Tuyệt sư thái.

Trong lúc lục đại môn phái đã bị Triệu Mẫn bắt giữ, Diệt Tuyệt sư thái đã truyền chức chưởng môn cho Chu Chỉ Nhược và nói rõ bí mật về Đồ long đao, Ỷ thiên kiếm cho cô. Bắt Chu Chỉ Nhược chiếm đoạt Đồ long đao và Ỷ thiên kiếm, luyện thành võ công cái thế để tận diệt Minh giáo và đánh đuổi quân Mông Cổ. Vì biết đệ tử có tình yêu sâu nặng với Trương Vô Kỵ, người mà bà luôn cho là một đại ma đầu, bà bắt Chu Chỉ Nhược phải lập lời thề độc không lấy Trương Vô Kỵ làm chồng nếu vi phạm lời thề, con cái của Chu Chỉ Nhược sẽ không có kết cục tốt đẹp.

Hành động ép buộc Chu Chỉ Nhược của Diệt Tuyệt sư thái cũng là nguyên nhân của gần như tất cả những diễn biến về sau liên quan đến các nhân vật chính; Trương Vô Kỵ, Tạ Tốn, Triệu Mẫn, Tiểu Chiêu, Chu Chỉ Nhược...

Có thể nói Diệt Tuyệt sư thái và Lý Mạc Sầu đều vì yêu mà trở nên độc ác. Nhưng khác ở chỗ là Lý Mạc Sầu vì bị phụ tình mà sinh nên thù hận, từ một nữ nhân xinh đẹp trở thành một nữ ma đầu ai ai cũng khiếp sợ, còn Diệt Tuyệt sư thái vì mất đi người mình yêu mà trở nên oán hận căm ghét tất cả nhưng người có liên quan đến Minh giáo, chỉnh vì muốn diệt trừ Minh giáo để báo thù cho người mình yêu bà đã gây nên bao sóng gió trên giang hồ, làm tổn thương cả những đệ tử thân cận nhất.

Chu Chỉ Nhược - chưởng môn đời thứ tư của phái Nga Mi

Kiếm hiệp Kim Dung: Những chưởng môn xinh đẹp nhưng đau khổ vì tình - Ảnh 4.

Chu Chỉ Nhược trong phim Ỷ thiên đồ long ký 2019.

Chu Chỉ Nhược là một trong những vai nữ phản diện để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong Ỷ thiên đồ long ký nói riêng và các tác phẩm của cố nhà văn Kim Dung nói chung. Đây từng là một thiếu nữ hiền lành, dễ bảo, nhan sắc mỹ miều được Diệt Tuyệt sư thái phái Nga Mi hết lòng yêu mến và truyền lại chức chưởng môn phái Nga Mi. Trải qua nhiều biến cố với những thăng trầm trong giang hồ và sự đổ vỡ của mối tình khắc cốt ghi tâm với Trương Vô Kỵ, dần dần Chu Chỉ Nhược dần trở thành một nhân vật đáng sợ.

Đây cũng là một trong những nữ nhân sở hữu võ công vượt trội trong thế giới võ thuật Kim Dung. Chu Chỉ Nhược lĩnh ngộ mọi tinh hoa võ thuật trong bộ Cửu âm chân kinh, thành thạo Nga Mi cửu dương kinh, Nga Mi kiếm pháp và Kim đỉnh miên chưởng.

Theo Người Đưa Tin