Phim điện ảnh Psycho (Tâm Thần) không chỉ là tác phẩm mang tính biểu tượng của đạo diễn Alfred Hitcook mà còn trở thành một trong những phim kinh dị xuất sắc nhất Hollywood. Ra mắt từ thập niên 1960 nhưng không khí rùng rợn trong Psycho vẫn chưa bao giờ lỗi mốt, thậm chí còn truyền cảm hứng sáng tạo cho nhiều tác phẩm sau này, nổi bật nhất là cách xây dựng nhân vật phản diện điên cuồng như nam chính Norman Bates.
Psycho (1960) là phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Robert Bloch, xoay quanh động cơ giết người bí ẩn của sát nhân tâm thần Norman Bates
Nếu như Psycho làm nhiều thế hệ khán giả ám ảnh thì câu chuyện có thật đằng sau bộ phim này còn ghê rợn hơn thế. Đó là vụ án kinh hoàng về sát nhân tâm thần Ed Gein, hay còn được gọi là "đồ tể làng Plainfield" với thú vui giết người rồi lấy da, sưu tầm hài cốt. Gây phẫn nộ nhất là cái kết quá nhẹ nhàng dành cho "ác quỷ", cho đến nay vẫn còn làm dư luận tranh cãi dữ dội bởi tính công lý.
Nhìn lại tội ác rúng động lịch sử của Ed Gein
Nước Mỹ thập niên 1950 từng bị rung chuyển bởi vụ án giết người và tàng trữ thi thể của Ed Gein tại bang Wisconsin. Sau khi báo chí công khai hình ảnh về ngôi nhà kinh dị, toàn bộ phận cơ thể người của hung thủ thì sự kiện này còn làm cả thế giới khiếp sợ. Ed Gein ngay lập tức trở thành nỗi ác mộng của xứ cờ hoa, được dư luận nhắc đến với biệt danh "đồ tể làng Plainfield" và "quỷ dữ Plainfield".
"Đồ tể làng Plainfield" Ed Gein là một trong những hung thủ giết người khét tiếng nhất nước Mỹ, nổi tiếng với cách thức lột da tàn nhẫn
Ngày 16/11/1957, Ed Gein bị bắt sau khi cảnh sát tìm thấy thi thể của nữ nhân viên bán hàng Bernice Worden bên trong nhà kho. Thi thể bị tàn phá trong tư thế vô cùng kinh hãi. Đáng sợ hơn cả là hung thủ tàng trữ hàng loạt đồ vật liên quan đến người chết.
Các nhà điều tra không chỉ đào được hài cốt hay bộ phận cơ thể mà còn tìm thấy nhiều đồ "nội thất" làm từ người gây ám ảnh.
Trong quá trình thẩm vấn, Ed Gein thừa nhận rằng đã giết người và thực hiện hành vi trộm mộ từ năm 1947 đến 1952. Hắn thường xuyên đến nghĩa địa địa phương để khai quật những thi thể phụ nữ trung niên giống mẹ mình, sau đó đem về nhà. Bên cạnh nạn nhân Bernice Worden thì cảnh sát còn xác định thêm thi thể của Mary Hogan, chưa kể đến những mảnh thi thể vô danh, không xác định được là do Ed Gein giết hại hay trộm lên từ mộ.
Hiện trường nhà kho kinh dị của Ed Gein
Ed Gein gây ra tội ác rùng rợn nhưng lại nhanh chóng thoát án tử hình nhờ bệnh án tâm thần phân liệt. Theo điều tra thì quá khứ của y có liên quan đến bạo hành tinh thần đến từ người mẹ nghiện kiểm soát. Nhất là sau khi mẹ ruột qua đời đột ngột vì đột quỵ, Ed Gein dần trở nên điên loạn và coi sưu tầm thi thể người là sở thích.
Nhờ vậy mà thay vì ngồi tù, Ed Gein dành phần đời còn lại trong một trại tâm thần cho đến khi qua đời ở tuổi 77. "Miễn tử kim bài" mang tên bệnh lý thần kinh của hắn cũng khiến dư luận tranh cãi dữ dội, cho rằng pháp luật nên có cách trừng trị thích đáng hơn đối với những trường hợp siêu mất nhân tính.
Năm 1984, Ed Gein qua đời qua đời tại Viện Sức khỏe Tâm thần Mendota do suy hô hấp - một cái kết khá nhẹ nhàng so với tội ác tày trời trong quá khứ
Nguồn cảm hứng bất tận đằng sau nhân vật Norman Bates
Sau này, vụ án Ed Gein đã gây ảnh hưởng cực lớn lên nền văn hóa đại chúng Mỹ, nổi bật nhất là nhân vật Norman Bates trong phim Psycho với trạng thái tinh thần và tính cách tương tự.
Theo tác giả Robert Bloch, nhân vật Norman Bates được ông lấy cảm hứng trực tiếp từ Ed Gein bởi họ sống ngay gần nhau tại Wisconsin, chỉ cách khoảng 50 dặm mà chưa một lần nghi ngờ về khả năng phạm tội. Đây chính là ý tưởng cho "gã hàng xóm quái vật" - một người tưởng chừng hiền lành, vô tội nhưng lại suy nghĩ bệnh hoạn, sẵn sàng ra tay giết chóc.
Cả hung thủ ngoài đời lẫn nhân vật Norman Bates đều có chung nhiều vấn đề về mẹ
Trong Psycho, Norman Bates bị kiểm soát nghiêm ngặt bởi mẹ Norma. Bà cho rằng quan hệ tình dục là tội lỗi và tất cả phụ nữ (ngoại trừ bà) đều là gái điếm. Hai mẹ con vốn sống với nhau như thể "không còn ai trên thế giới này" cho đến khi người mẹ qua đời đột ngột, khiến Norman sốc nặng rồi tự hình thành một nhân cách mới. Từ đây dẫn đến cú twist "ngơ ngác, ngỡ ngàng và bật ngửa" ở cuối phim, khiến người xem không thể phân biệt đâu mới là hung thủ giết người tàn nhẫn.
Gia đình Norman Bates sở hữu một nhà nghỉ, nơi chứng kiến cái chết thương tâm của bất kỳ người phụ nữ trẻ nào một mình qua đêm
Cảnh giết người trong nhà tắm đã khiến Psycho trở thành huyền thoại trong dòng phim kinh dị
Hiện tại, nhân vật Norman Bates đã góp phần sinh ra khái niệm "American Psycho" (tâm thần kiểu Mỹ), biểu tượng cho những gã sát nhân 2 mặt, thường xuyên tiếp cận "con mồi" bằng vẻ ngoài hiền lành, tốt bụng. Đây cũng là nhân vật xếp hạng thứ 2 trong danh sách "100 anh hùng và nhân vật phản diện hàng đầu của Viện phim Mỹ". Bên cạnh đó là câu thoại kinh điển "Bạn thân nhất của một thằng con trai chính là mẹ của hắn" đứng ở vị trí thứ 56 trong danh sách "100 câu thoại hay nhất điện ảnh Mỹ".
Ngoài tài tử Anthony Perkins trong Psycho (1960) thì nhân vật Norman Bates còn được đảm nhận bởi Freddie Highmore trong phiên bản truyền hình Bates Motel (2013)