Matrix Trilogy, 20 năm đột phá điện ảnh, hàng trăm năm tìm kiếm định nghĩa tồn tại của loài người
Việc liên tục tạo ra những bộ phim/series truyền hình nói về "Ngày tận thế", các nhà làm phim đã phản ánh nỗi ám ảnh mơ hồ của con người trước sự lụi tàn.
Khi đọc truyện, xem phim, chúng ta có xu hướng đợi chờ khoảnh khắc "unveiling" (hé lộ) - được kết nối bởi toàn bộ sự kiện/diễn biến trong nội dung. "Unveiling" là khoảnh khắc của sự thật, có thể đau đớn nhưng vô cùng đẹp đẽ. Nói theo cách khác, "Ngày tận thế" chưa chắc đã là sự sụp đổ của một nền văn minh, mà là khoảnh khắc sự thật ghê gớm nào đó được hé lộ.
Nhà triết học Jean Baudrillard (1929 - 2007) đã nói lên niềm khao khát của con người: Chúng ta đến từ đâu; tại sao lại ở đây và vai trò chính xác của mỗi cá thể là gi. Ông lập luận rằng, những thứ này vẫn nằm ngoài phạm vi kiến thức của con người; khoa học lý giải được sự vật trong phạm vi phân tử nhưng chưa đưa ra bức tranh đầy đủ về trí tưởng tượng của động vật bậc cao.
Con người, của hiện tại hay quá khứ, vẫn khao khát tin vào một hay nhiều thực tại ngoài vũ trụ này.
Ý tưởng của Baudrillard là chất liệu chính dẫn đến phần đầu tiên, The Matrix (1999). Trên thực tế, cuốn sách nổi tiếng nhất của Baudrillard - Similacra and Simulation (tạm dịch: Vật thay thế và Mô phỏng) đã xuất hiện trong 20 phút đầu của Matrix (1999). Sau khi sự mơ hồ của Thomas A. Anderson (Neo), hacker trẻ tuổi, bị khơi gợi bởi một kẻ bí ẩn trên intenet - gã đã mở bản copy của Simulacra and Simulation và để lộ số tiền tiết kiệm cùng vài chiếc đĩa mềm. Bạn biết không? Chương mở đầu của cuốn sách tên là "Hư vô" - ám chỉ những thứ tri giác con người có thể cảm nhận nhưng không xác định được.
Anh em đạo diễn Wachowskis đã tham khảo chủ nghĩa Hư vô của Baudrillar và mô phỏng nó trong Matrix, rằng - thực tại là thứ vô nghĩa và rất có thể, chúng ta vĩnh viễn không tìm ra đáp án.
Nhưng trớ trêu thay, khi nhà sản xuất của The Matrix liên lạc với Baudrillard để mời tham gia bộ phim, ông đã từ chối và nói rằng, các đạo diễn đã hiểu sai về cuốn sách.
Baudrillard đã từng giải thích về "điều khó chấp nhận nhất" trong The Matrix chính là, nó dựa trên triết lý cổ xưa của Plato chứ không phải của ông. Như thế nào? Chi tiết nằm trong "Ngụ ngôn hang đá" của Plato:
The Matrix nhắc nhở chúng ta phải nghi ngờ về những "thực tại sai lầm". Con người, về bản chất, rất dễ bị đánh lừa và Neo là cá thể giúp nhân loại nhận ra thế giới ảo đã xâm chiếm thực tại. Thế nhưng, thực tại là điều gì đó xa xỉ trong Matrix và khao khát khám phá kết thúc của con người cũng mãnh liệt như mong muốn tìm ra điểm khởi đầu.
The Architect và Oracle mới là "trùm cuối" trong Matrix, không phải Neo
Bạn có bất ngờ khi biết rằng, Neo, "The One", không phải kẻ mạnh nhất và cũng không có quyền chi phối Matrix?
Là một trong những mắt xích quan trọng nhất, vai trò sống còn của Matrix lại do The Architect và Oracle quyết định. Bạn có thể đọc bài viết này để tìm hiểu về khởi nguồn của Matrix.
The Architect
Architect là một chương trình cao cấp, không có khiếu hài hước của thế giới Máy móc cũng như người tạo ra Matrix. Có thể hiểu, Architect là "admin" AI lớn nhất trong hệ thống Máy móc.
Người đàn ông với đôi mắt sáng và khuôn mặt nghiêm nghị này, thực chất là phiên bản mô phỏng con người để cố gắng hiểu được bản chất của nhân loại.
Ông đã tạo ra Matrix đầu tiên, như nơi chốn lý tưởng cho tâm trí của con người (những kẻ đã biến thành pin năng lượng cho máy móc). Tuy nhiên, nhận thức của con người đã phủ nhận Matrix là thế giới hoàn hảo và khiến nó... crash.
Nỗ lực tiếp theo của Architect là thêm "thói thô tục" của con người vào Matrix, từ đó hình thành luật nhân-quả nhưng bản beta đó cũng thất bại.
Tiếp theo, Architect cho con người trong Matrix quyền lựa chọn nhưng giới hạn ở mức "mơ hồ". Architect lưu ý rằng, Matrix không phải hệ thống hoàn hảo như ông muốn. Sự trói buộc ban đầu làm nên Matrix cũng là nguyên nhân khiến hệ thống này sụp đổ thêm nhiều lần nữa. Cứ khoảng 100 năm trôi qua, Matrix cần phải "reload" để duy trì sự ổn định.
Tuy nhiên, The One, lỗ hổng của Matrix lại rất bướng nên phải có cách đặc biệt mới tái lập được toàn bộ hệ thống. Và kẻ giúp Architect lèo lái những gì quan trọng nhất, chính là Oracle.
Oracle
Oracle, hay nhà tiên tri, cũng là chương trình máy tính trong Matrix. Điều khác biệt là, bà có cái nhìn sâu sắc về tâm lý con người, đến mức có khả năng vẽ ra (lập trình) tương lai viễn tưởng, viên mãn cho nhiều đời The One, trong đó có Neo.
Không nhiều người hâm mộ nhận ra rằng, người phụ nữ có vẻ hiền hậu và thông thái này chịu trách nhiệm chấm dứt cuộc chiến vô tận trong Matrix - bằng cách thao túng các nhân vật chủ chốt trong phe nổi dậy.
Chi tiết Oracle đoán được Neo sắp đánh đổ chiếc lọ trong bếp, kỳ thực không phải nhờ khả năng tiên tri - mà đã được lập trình sẵn. Như đã nói ở trên, tâm trí con người rất dễ đánh lừa, ta luôn có xu hướng bấu víu vào những chi tiết nhỏ nhất để củng cố niềm tin của bản thân trong sự mơ hồ.
Trong ngôi nhà của Oracle có dòng chữ temet nosce, nghĩa là "biết mình" - và bà ta gieo vào tâm trí Neo sự nghi ngờ về con đường của chính mình, lưu ý nhân vật chính đã có được "món quà" nhưng hãy chờ đợi điều gì đó, cũng có thể là "kiếp sau".
Neo, The One của Matrix Trilogy, không hề biết rằng bản thân chính là lỗ hổng của hệ thống, là lỗi coding không thể tránh khỏi khi Architect tạo ra Matrix. Sai lầm đó là không thể sửa chữa nhưng có thể kiểm soát được.
Trước khi Neo xuất hiện, đã từng có tới 5 The One, làm đúng như những gì anh đang làm để cứu vớt nhân loại. Tuy nhiên, chỉ có kết cục duy nhất: Zion bị tiêu diệt và xây mới bởi 23 người, còn Matrix được khởi động lại, trở về trạng thái ban đầu.
Neo từng hỏi Oracle rằng, bà cũng là chương trình của Matrix, vậy tại sao lại giúp con người? Đơn giản vì, Oracle và loạt nhân vật phụ trợ trong Matrix, tất cả đều là sự dối trá do Máy mọc tạo để kiểm soát lỗ hổng nguy hiểm nhất: The One.
Đây là hình thái kiểm soát Matrix: Mỗi khi hệ thống này phát sinh lỗi, y như rằng The One sẽ xuất hiện. Thế nhưng tài cán cỡ nào cũng phải tìm đến Oracle để nghe "tiên nhân chỉ lộ", quay về nguồn gốc của Matrix và reset nó.
Có thể coi đây là sự luân hồi, là vòng lặp bất tận của loài người.
Điều khiến Neo khác biệt hoàn toàn với những The One trước đó, chính là tình yêu với đả nữ Trinity.
The Architect - Oracle: Âm dương lưỡng cực trong Ma Trận
Chủ đề lớn nhất trong Matrix Trilogy, chính là sự đối nghịch nhưng hòa hợp giữa: Kiểm soát (control) và lựa chọn (choice).
The Architect đại diện cho sự kiểm soát. Sau khi Máy móc đánh bại loài người, chính ông đã thiết kế Matrix để giữ nhân loại trong tầm kiểm soát. Matrix rất đẹp đẽ nhưng không bao giờ đạt đến mức hoàn mỹ, nó không thể ngăn toàn bộ nhân loại từ chối và thức tỉnh khỏi Matrix.
Cứ mỗi lần như vậy, Architect lại phải thốt lên: "Mất cả cánh đồng [fetus field] rồi" và tái xây dựng thiết kế của mình.
Còn Oracle đại diện cho quyền lựa chọn. Máy móc tạo ra bà như "đồng nghiệp" đối nghịch với Architect (nam da trắng/nữ da màu) để tung hứng lẫn nhau, thao túng Matrix triệt để hơn.
Sau nhiều lần tiếp xúc với các The One cũng như chứng kiến Matrix reset, Oracle đi đến kết luận: Cách duy nhất để giữ con người trong tầm kiểm soát, là cho họ lựa chọn có chấp nhận Matrix hay không. Nghĩa là gì? Luôn có một tỷ lệ nhỏ con người từ chối Matrix. Còn Zion, ngỡ như thành trì cuối cùng của nhân loại, lại chính là cấp độ kiểm soát khác cho những kẻ đã thức tỉnh. Cả Neo và đặc vụ Smith đều là hệ quả của phương thức kiểm soát này.
Theo cách hiểu nào đó, Oracle mới là trùm cuối thực sự của Matrix Trilogy, vì mọi thứ đều nằm trong lòng bàn tay của bà:
(A) - Smith cuối cùng sẽ trở nên siêu mạnh, đến nỗi trở thành hiểm họa cho toàn bộ Máy móc
(B) - Máy móc chấp nhận các điều kiện vì hòa bình của Neo, đổi lấy việc Smith bị đánh bại
(C) - Rằng cuối cùng, Neo và Smith sẽ hợp nhất và triệt tiêu lẫn nhau
Oracle đại diện cho khía cạnh mềm mỏng, nữ tính của Tạo hóa (Source) và The Architect là khía cạnh nam tính, cứng rắn. Không ai trong số họ là tốt hay xấu, trục thiện và ác do hai AI lâu đời này tạo ra, vốn dĩ chỉ để cân bằng Matrix.