Trong thần thoại cổ đại Trung Hoa, chỉ có 2 nhân vật có đủ gan náo loạn Long Cung đó chính là Na Tra và Tôn Ngộ Không. Sức mạnh là vậy nhưng trong Tây Du Ký khi giao chiến với nhau, Na Tra lại dễ dàng bị Tôn Ngộ Không đánh bại.
Trong Tây du ký hồi thứ nhất có viết:" Na Tra đang thi triển pháp lực thì nghe thấy tiếng gió từ thiết bảng. Trong lúc vội vàng né tránh không kịp xoay sở thì bị trúng chiêu của Ngộ Không. Na Tra đành thu lại pháp thuật và binh khí, đau đớn tháo chạy, bại trận mà về".
Nói về Na Tra, sau khi náo loạn Long Cung, gia đình Lý Tịnh đã bị Tứ Hải Long Vương giữ lại để "hỏi chuyện". Lấy cớ này, Na Tra đã bóc thịt trả mẹ, róc xương trả cha. Sau khi chết hồn Na Tra bay về với Thái Ất Chân Nhân, được Thái Ất Chân Nhân hoán thân tráo cốt vào cây sen, sống lại một lần nữa.
Sau khi sống lại, Na Tra có thêm 3 bảo bối đó là Vòng Càn Khôn, Hỗn Thiên Lăng và Phong Hỏa Luân, tất cả đều trở thành những vũ khí lợi hại dưới sự chỉ đạo của Na Tra. Không những vậy, Na Tra còn có thể biến ra 3 đầu 6 tay, đao thương bất nhập. Một người lợi hại như vậy, sao có thể thua Tôn Ngộ Không một cách dễ dàng đây?
Na Tra là một chiến thần vô cùng lợi hại, có 3 đầu 6 tay và nhiều bảo bối.
Lý do thứ nhất, khi giao chiến trong Tây du ký, lợi dụng Na Tra không để ý, Tôn Ngộ Không đã nhanh chóng biến ra nhiều phiên bản của mình khiến cậu bị rối trí rồi từ từ Tôn Ngộ Không thật tiếp cận từ phía sau Na Tra, đánh cậu 1 đòn choáng váng. Có thể thấy, điều khiến Tôn Ngộ Không hơn Na Tra đó là sự nhanh nhạy trong suy nghĩ và linh hoạt về tay chân. Xét cho cùng, Na Tra là người, dù có lợi hại, 3 đầu 6 tay nhưng vẫn không thể thắng được một con khỉ thành tinh. Trên thế gian này, còn có ai có thể nhanh hơn khỉ cơ chứ?
Kế tiếp đó phải kể đến thầy của Na Tra và Tôn Ngộ Không. Trong Tây du ký, thầy của Tôn Ngộ Không là Bồ Đề Tổ Sư, người mà Như Lai Phật Tổ cũng phải nể mặt vài phần. Còn về phía Na Tra, cậu là đệ tử của Thái Ất Chân Nhân. Nếu đặt lên bàn cân với Bồ Đề Tổ Sư, Thái Ất Chân Nhân quả thực còn phải nỗ lực hơn rất nhiều!
Xét theo khía cạnh khác, việc tu hành của Tôn Ngộ Không là do tự lực cánh sinh mà có, sự giúp đỡ chỉ đến vài lần để "định hướng" lối đi. Sau nhiều nỗ lực đi tìm thầy cũng như tu luyện, Tôn Ngộ Không mới có thể nắm chắc trong tay mọi loại phép thuật.
Không giống như Tôn Ngộ Không, Na Tra sớm đã được Thái Ất Chân Nhân nhận làm trò, một tay nuôi lớn và truyền thụ phép thuật cũng như võ công cho. Mặc dù cũng có sự dày công luyện tập nhưng để so sánh, vẫn không thể bằng Tôn Ngộ Không.
Cuối cùng, lúc xảy ra cuộc giao tranh, Tôn Ngộ Không đang đại náo Thiên Cung, cố gắng tạo dựng tên tuổi của mình trong sử sách còn Na Tra đã trở thành 1 vị thần tiên từ lâu rồi. Đặt trong hoàn cảnh này, ý chí của một người đầy ý chí chiến đấu, dũng cảm đầy mình cộng thêm sự cố chấp thành danh chắc chắn trước sau cũng sẽ chiến thắng 1 vị tiên đã an phận nhiều năm!