“Bước đi thế kỉ” (2015)
Lấy cảm hứng từ ước mơ “bước trên những đám mây” của nghệ sĩ bạo gan Philippe Petit người Pháp, bộ phim “Bước đi thế kỉ” kể về hành trình “dạo chơi” có một không hai nối liền hai tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới – biểu tượng đầy tự hào của nước Mỹ và cũng là tòa nhà cao kỷ lục vào những năm 1970. Ngay cả những nhà phê bình dày dặn kinh nghiệm nhất cũng phải tỏ thái độ ngao ngán khi xem một bộ phim “chóng mặt” như “Bước đi thế kỉ”.
“Tôi đã phải nhìn ra chỗ khác một vài lần vì cảm giác độ cao trong phim”, Denise Widman, thành viên Ban giám đốc của Liên hoan phim Boston Jewish Film thành thực chia sẻ với báo giới, “Tôi cảm thấy có chút buồn nôn. Tôi cảm thấy lo lắng nữa. Đó là một thứ cảm giác ngứa ngáy râm ran và có chút lo sợ”.
Trong nhiều suất chiếu phim, các khán giả đã phải bỏ dở giữa chừng để ra ngoài…nôn mửa vì quá chóng mặt. Nhiều khán giả khác cũng phản ánh triệu chứng chóng mặt, đau đầu kéo dài sau khi xem “Bước đi thế kỉ”.
“127 giờ” (2010)
“127 giờ” đưa người xem trải qua hành trình gay cấn tự giải thoát của chàng trai ưa mạo hiểm Aron Ralston. Khi bị rơi vào một hố sâu và không có sự trợ giúp nào từ bên ngoài, anh đã tự mình cắt đứt phần dưới cánh tay bằng một con dao cùn để cứu lấy cuộc sống của bản thân. Dựa trên một câu chuyện có thật, bộ phim này không hề thích hợp với những khán giả yếu tim và sợ cảnh máu me.
Ngoài phân đoạn cắt tay ám ảnh, bộ phim còn “tra tấn” thần kinh thị giác của người xem bằng những cảnh quay nhân vật chính phải uống luôn nước tiểu của mình, khi hết lương khô thì tìm ăn bất cứ thứ gì có thể, từ côn trùng bò lên người cho tới cặp kính sát tròng đeo trên mắt.
“Irréversible” (2002)
Bộ phim là tập hợp một loạt các sự kiện diễn ra theo trình tự thời gian ngược, xoay quanh một đêm đau thương tại Paris khi nàng Alex xinh đẹp bị một người lạ mặt cưỡng bức và đánh đập một cách tàn nhẫn. Đây cũng chính là bộ phim sở hữu một trong những cảnh sex kinh hoàng nhất lịch sử điện ảnh hiện đại. Cảnh cưỡng bức trong phim là một cảnh quay liền, khiến người xem sởn da gà và cảm giác như đang diễn ra thật ngoài đời.
Trên thực tế, cảnh quay này cũng được quay nhiều đúp và hiệu ứng quay liên tục chỉ được tạo ra bằng kỹ xảo. Nhà phê bình điện ảnh Roger Ebert đã đánh giá “Irréversible” là tác phẩm “quá bạo lực và tàn nhẫn mà hầu hết mọi người đều không thể xem nổi”.
“Cây đời” (2011)
Tác phẩm từng giành được giải Cành cọ Vàng tại LHP quốc tế Cannes 2011 hoàn toàn không phải một sự lựa chọn phù hợp cho những khán giả…dễ buồn ngủ. Phần hình ảnh và âm nhạc trong phim được trau chuốt và đạt đến tính duy mĩ cao cùng một nội dung nhân văn, sâu sắc, tuy nhiên, “Cây đời” lại rất kén người xem. Nhịp phim dàn trải, thiếu kịch tính và đặt ra nhiều vấn đề quá mơ hồ, xa xôi, khiến nhiều người không đủ kiên nhẫn để có thể hiểu hết ý đồ của phim.
Nhà hát Avon tại Connecticut còn phải đưa ra một bảng khuyến cáo khán giả nên tìm hiểu bộ phim trước rồi mới bỏ tiền ra mua vé. Một vài rạp chiếu phim khác tại Mỹ cũng chấp nhận trả lại tiền cho những khán giả rời khỏi rạp chiếu phim trong vòng 30 phút đầu tiên.
“Cloverfield” (2008)
Tác phẩm kinh dị của đạo diễn Matt Reeves được quay hoàn toàn bằng một camera cầm tay do một nhân vật trong phim quay. Đây là một kiểu quay phim hết sức độc đáo góp phần làm nên thành công cho bộ phim. Tuy nhiên, chính cách thức quay phim này lại làm cho người xem rạp bị chóng mặt như say tàu xe. Một số rạp chiếu phim trên thế giới còn phải đặt hẳn bảng cảnh báo cho các khán giả xem phim.