Bộ phim Tenet do đạo diễn phim tài ba Christopher Nolan mới khởi chiếu gần đây nhưng đã tạo ra một sức hút vô cùng lớn đối với người hâm mộ điện ảnn. Phim kết hợp giữa yếu tố du hành thời gian và khoa học viễn tưởng với các yếu tố về phim điệp viên để mang đến cho khán giả những cảm giác hồi hộp không ngừng từ đầu cho đến cuối.
Nhiều người đã xem phim cho rằng Tenet rất khó hiểu, đòi hỏi phải nghiên cứu thêm và có thể phải xem lại để hiểu đầy đủ các khái niệm mà Nolan đặt ra với khán giả. Mặc dù khán giả gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi và hiểu được các khía cạnh của bộ phim, những câu truyện hậu trường sau cũng cho thấy các diễn viên cũng gặp phải những khó khăn này.
1. Diễn viên không được biết kịch bản của nhau, kể cả đoàn làm phim
Việc kiểm soát thông tin về bộ phim vô cùng chặt. Sau khi trailer cuối cùng được tung ra, người hâm mộ vẫn không biết bộ phim nói về vấn đề gì. Đoàn diễn viên cũng đã phải chịu sự bảo mật thông tin như vậy. Điển hình, Sir Michael Caine chỉ được phép đọc phần có vai diễn của ông trong kịch bản, trong khi những diễn viên chính của bộ phim như Robert Pattinson và John David Washington được đọc toàn bộ kịch bản, nhưng phải đọc trong phòng riêng đóng kín ở Warner Bros. Studios.
2. Diễn viên trong phim thực sự đã phải diễn "ngược"
Tenet đề cập đến khái niệm "nghịch đảo", nghĩa là một sự kiện nhất định diễn ra "ngược lại". Điều này được thấy trong cảnh cuối khi một số phân cảnh có các diễn viên nói ngược lại hoặc di chuyển ngược lại trong khi những người khác di chuyển chính xác.
Trong một số phân cảnh như thế, các diễn viên thực sự phải học cách di chuyển "ngược", các món võ cũng bị đảo ngược, hoặc thậm chí học cách nói ngược lời thoại của họ. Ví dụ khó khăn nhất chắc chắn là vai diễn của Kenneth Branagh, khi anh phải học cách nói ngược lại lời thoại của mình bằng giọng Nga.
3. Tenet sử dụng 100% các pha hành động và kĩ xảo thực tế
Ngày nay, khi công nghệ và CGI phát triển, càng ngày càng ít nhu cầu sử dụng kỹ xảo thực tế, vì sử dụng kỹ xảo máy tính rẻ và nhanh hơn rất nhiều. Tuy vậy, trong Tenet, Nolan quyết định quay bộ phim của mình hoàn toàn dựa vào hiệu ứng thực, từ chối sử dụng bất kỳ màn hình xanh nào trong quá trình sản xuất phim. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì Nolan ưa thích các hiệu ứng thực tế và chỉ sử dụng công việc kỹ thuật số khi thực sự cần thiết.
4. Christopher Nolan đã ấp ủ dự án phim Tenet gần… 20 năm
Mặc dù Nolan chỉ mới bắt đầu làm kịch bản cho bộ phim khoảng sáu năm trước, nhưng những ý tưởng cốt lõi của Tenet đã hiện hữu trong tâm trí đạo diễn người Anh này gần 20 năm.
Bất kỳ ai đã xem phim đều hiểu rằng những ý tưởng này phải được nghiên cứu trong một thời gian gian, do bộ phim dựa trên sự cân bằng tinh tế giữa khoa học viễn tưởng và khoa học thực tế. Lượng nghiên cứu cần thiết để Tenet có thể hiểu được với người xem ít nhất phải mất nhiều năm để hoàn thành, chưa nói đến việc hiểu đầy đủ và cô đọng thành một bộ phim bom tấn.
5. Cảnh đâm máy bay là thật
Một trong những yếu tố đáng nhớ nhất của bộ phim đến từ kế hoạch đâm một chiếc máy bay vào Cảng Tự do của Neil. Cảnh phim trông thật khó tin, như thể một chiếc máy bay thực sự đã đâm vào một tòa nhà vậy. Lý do tại sao nó trông thật như thế là vì cảnh ấy hoàn toàn là thật!
Ban đầu, đạo diễn Nolan định sử dụng mô hình thu nhỏ quay cảnh này, nhưng sau đó ông nhận ra sẽ rẻ hơn nếu chỉ mua một chiếc máy bay hết đát và đâm nó vào một tòa nhà có thật. Đây không phải là lần đầu tiên Nolan phá hủy một chiếc máy bay cho bộ phim của mình. Trong phần mở đầu khó quên của The Dark Knight Rises, nơi Bane dàn dựng một cuộc chạy trốn giữa không trung, ông cũng đã cho phá hủy một chiếc phi cơ.
6. Tenet là một trong những bộ phim gốc có kinh phí cao nhất trong lịch sử
Không cần phải nói rằng Nolan là một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất ở Hollywood hiện nay. Do đó, Christopher Nolan muốn gì sẽ có đó. Vì vậy, mặc dù đây là một bộ phim gốc (thường rẻ hơn so với các phim bom tấn nhượng quyền thương mại), hãng phim Warner Bros. đã cung cấp cho Nolan một khoản kinh phí khổng lồ lên tới 205 triệu đô la để quay phim.
Đây là một kinh phí khổng lồ cho một bộ phim gốc, khiến nó trở thành một trong những bộ phim gốc đắt đỏ nhất mọi thời đại. Mặc dù những bộ phim như Endgame nhận được ngân sách cao hơn, nhưng những bộ phim ấy có khả năng thu hút được lượng lớn khán giả hơn nhờ vào thương hiệu/tên tuổi. Việc một bộ phim gốc được cấp kinh phí lớn như này cho thấy hãng đánh giá cao Nolan như thế nào.
7. Nolan đã cố gắng làm cho Tenet chính xác về mặt khoa học nhất có thể
Về cốt lõi, Tenet là một bộ phim khoa học viễn tưởng dựa vào trí tưởng tượng nhiều hơn là khoa học. Tuy nhiên, bất chấp điều này, Nolan vẫn muốn bộ phim của mình ít nhất phải dựa trên một nguyên lý khoa học có thật nào đó. Để đạt được độ chính xác như mong muốn hoặc chí ít là sự hợp lý, Nolan đã yêu cầu nhà vật lý Kip Thorne, người đã đoạt giải Nobel Vật lý vào năm 2017, đọc qua kịch bản và đưa ra một số trợ giúp trong việc xử lý các khái niệm đã có trong kịch bản. Không cần phải nói, việc có được sự hỗ trợ từ một nhà bác học thực sự đã giúp Tenet có được lợi thế về độ thực tế to lớn như thế nào.
8. Nhân vật Kat được viết riêng cho Elizabeth Debicki
Vai nữ chính trong Tenet, Kat, được Elizabeth Debicki thể hiện rất xuất sắc. Một số người sẽ nói rằng cô thật hoàn hảo đối với vai diễn nhưng điều thú vị là khán giả không phải là người duy nhất nghĩ như vậy. Hóa ra, vai Kat đã được viết riêng cho Debicki.
Nữ diễn viên người Pháp/Úc này đã được Nolan đề nghị đóng vai Kat, nhưng cô vẫn nhất quyết tham gia thử vai để cảm thấy như mình đã giành được vai diễn này. Nolan đã quyết định như vậy sau khi người đồng sản xuất/vợ của anh, Emma Thomas, khăng khăng rằng anh phải viết lại vai Kat cho Debicki sau khi xem cô ấy trong phim Widows.