Batman với Batman Begins (2005): Batman & Robin (1997) luôn bị coi là “điểm đen” của dòng phim siêu anh hùng bởi phần nội dung nông cạn, hời hợt và những màn trình diễn tẻ nhạt. Warner Bros. không muốn thương hiệu “ngủ yên” quá lâu, nhưng cũng phải đến 8 năm sau, Batman Begins mới ra đời. Đó là tác phẩm hoàn toàn mới, kể về nguồn gốc Người Dơi (Christian Bale) do Christopher Nolan thực hiện. Ngay cả khi phim chứa đựng tình tiết gợi mở về Joker, chính Nolan cũng không chắc chắn liệu phần tiếp theo có được “bật đèn xanh”. Song, nhờ lối xây dựng chân thực và mang đậm màu sắc hình sự, Batman Begins đã chinh phục số đông giới phê bình và khán giả, qua đó mở đường cho lần lượt The Dark Knight (2008) và The Dark Knight Rises (2012) sau đó.
Star Trek với Star Trek (2009): Thương hiệu khoa học viễn tưởng trên truyền hình bắt đầu đổ bộ lên màn ảnh lớn vào năm 1979. Tuy nhiên, sau ba thập kỷ, Star Trek đã có những bước thụt lùi rõ rệt, mà đỉnh điểm là việc bản thân nguyên tác truyền hình bị dẹp bỏ vào năm 2005. Đúng 4 năm sau, đạo diễn J.J. Abrams giúp hồi sinh thương hiệu bằng bộ phim điện ảnh Star Trek (hay còn được gọi là Star Trek XI) bằng hàng loạt gương mặt trẻ trung như Chris Pine, Zachary Quinto, Zoe Saldana… Từ thắng lợi đó, Star Trek đến nay lại tiếp tục trên màn ảnh nhỏ. Song, thất bại phòng vé của Star Trek Beyond (2016) khiến chính loạt phim điện ảnh hiện lâm nguy, và có nguy cơ mất cả Pine lẫn Chris Hemsworth.
Fast & Furious với Fast & Furious (2009): Chia tay Vin Diesel ngay sau phần một - The Fast and the Furious (2001) - xem ra là quyết định thiếu khôn ngoan của Universal. Nhận thấy phần 3 - Tokyo Drift (2006) - có thể là dấu chấm hết cho toàn bộ thương hiệu, hãng quyết định mời tài tử sắm vai cameo ở cuối phim, qua đó mở đường cho nhân vật Dominic Toretto sớm trở lại. Và khi toàn bộ dàn sao tái xuất, Fast & Furious bước đầu tự tin lại nhờ 363 triệu USD của phần 4. Mọi chuyện cứ thế dần tốt đẹp lên kể từ Fast Five (2011) với ngôi sao Dwayne “The Rock” Johnson, và đây hiện thuộc nhóm thương hiệu điện ảnh ăn khách nhất mọi thời đại.
X-Men với X-Men: First Class (2011): X-Men của đạo diễn Bryan Singer là cột mốc quan trọng của dòng phim siêu anh hùng, nhưng có dấu hiệu hụt hơi về mặt chất lượng với phần ba - X-Men: The Last Stand (2006). Thương hiệu thực sự gặp rắc rối khi X-Men Origins: Wolverine (2009) bị cả giới phê bình lẫn khán giả đại chúng chỉ trích. Thật khó để nói rằng X-Men: First Class thành công về mặt doanh thu, nhưng tái khởi động thương hiệu bằng dàn diễn viên trẻ tuổi thực sự là làn gió mới cần thiết dành cho loạt phim dị nhân. Đây là bệ phóng vững chắc để Fox “gây bão” với X-Men: Days of Future Past (2014) sau đó.
Planet of the Apes với Rise of the Planet of the Apes (2011): Hành tinh khỉ là loạt phim điện ảnh kinh điển của Hollywood, với bộ phim đầu tiên ra đời năm 1968. Năm 2001, đạo diễn lừng danh Tim Burton remake nguyên tác, và hứng chịu vô số lời chỉ trích từ báo chí. Đúng 4 năm sau, các nhà sản xuất bắt đầu đưa ra ý tưởng tái khởi động Hành tinh khỉ thêm một lần nữa, và kết quả chính là Rise of the Planet of the Apes. Nhờ kỹ xảo tân tiến và màn hóa thân tài tình của Andy Serkis trong vai khỉ Caesar với công nghệ motion capture, bộ phim trở thành nét khác biệt đặc sắc của mùa phim hè 2011. Được đà thành công, Fox làm tiếp Dawn of the Planet of the Apes (2014) và War for the Planet of the Apes (2017). Tổng cộng ba phim đã thu về khoảng hơn 1,68 tỷ USD.
The Muppets với The Muppets (2011): Những chú rối ngộ nghĩnh do Jim Henson sáng tạo từng có hai thập kỷ làm mưa làm gió trên truyền hình. Nhưng phim điện ảnh Muppets from Space (1999) đã gây tổn hại lớn cho thương hiệu, và hai dự án màn ảnh lớn tiếp theo buộc phải rút lui xuống màn ảnh nhỏ. Jason Segel và Nicholas Stoller - những fan cuồng của nguyên tác - không chấp nhận điều đó, và bắt tay thực hiện bộ phim điện ảnh The Muppets. Tác phẩm ra đời năm 2011 thu 165 triệu USD - tức cao nhất toàn thương hiệu - và thậm chí còn ẵm giải Oscar cho Ca khúc chủ đề xuất sắc. Đến nay, những chú rối vẫn “sống khỏe” trên màn ảnh nhỏ, bất chấp việc phim điện ảnh Muppets Most Wanted (2014) là bước thụt lùi về mặt doanh thu.
Mission: Impossible với Mission: Impossible - Ghost Protocol (2011): Câu chuyện của Nhiệm vụ bất khả thi hơi phức tạp. Phần đầu giúp khẳng định tên tuổi hạng A của Tom Cruise. Phần hai vẫn thắng lớn dù bộ phim của Ngô Vũ Sâm vấp phải nhiều chỉ trích. Đến Mission: Impossible III (2006) của J.J. Abrams, thương hiệu rơi xuống điểm đáy, một phần bởi đời tư của Tom Cruise bị chỉ trích và soi mói dữ dội sau sự cố nhảy chồm chồm trên ghế sofa và nói lời yêu Katie Holmes trong chương trình của Oprah Winfrey. Mất 5 năm, Tom Cruise và cộng sự ở loạt phim có màn trở lại đầy ấn tượng với Ghost Protocol. Hàng loạt pha hành động mãn nhãn giúp phim thu 694 triệu USD. Loạt phim vẫn đang được nối dài, và mới nhất là Mission: Impossible - Fallout - bom tấn thu hơn 791 triệu USD hồi mùa hè.
Alien với Prometheus (2012): Quái vật Xenomorph ngoài không gian do Ridley Scott sáng tạo đã gieo rắc nỗi kinh sợ cho nhiều thế hệ khán giả kể từ cuối thập niên 1970. Nhưng giống như nhiều thương hiệu khác, sự hâm mộ của công chúng giảm dần theo thời gian khi đội ngũ biên kịch không đưa ra được câu chuyện mới hấp dẫn. Lần lượt Alien: Resurrection (1997) hay loạt ăn theo Alien vs. Predator khiến khán giả chán chường. Thế rồi, Ridley Scott bất ngờ thực hiện Prometheus - một tác phẩm tưởng như độc lập, nhưng hóa ra chính là để giải thích cho nguồn gốc của loài Xenomorph, và gặt hái thành công đáng kể tại phòng vé. Song, bản thân bộ phim lại đặt ra thêm nhiều câu hỏi, và Alien: Covenant (2017) tiếp tục gây ra sự hoài nghi. Phản ứng thiếu mặn mà dành cho bộ phim mới nhất khiến thương hiệu lập tức lại bị đặt cho dấu hỏi lớn.
Jurassic Park với Jurassic World (2015): Đạo diễn Steven Spielberg hiện thực hóa thế giới khủng long mà Michael Crichton từng tưởng tượng ra trên những trang sách vào năm 1993 thông qua Công viên kỷ Jura - bom tấn thu 1,02 tỷ USD. Song, đến Jurassic Park III, các nhà sản xuất dường như đã “hết bài”. Mãi 14 năm sau, Jurassic World mới có thể ra đời. Đây vừa là tập phim tái khởi động, vừa được coi như phần tiếp theo của bộ ba phim đầu tiên. Kỹ xảo khiến loài khủng long trở nên sống động hơn bao giờ hết, và quãng thời gian dài chờ đợi khiến nhiều thế hệ khán giả cùng đến rạp thưởng thức bộ phim. Kết quả cuối cùng của Jurassic World thực sự gây ngạc nhiên lớn: 1,67 tỷ USD, tức nằm trong top 5 phim ăn khách nhất mọi thời đại. Phim đã có tiếp Jurassic World: Fallen Kingdom (2018), và bộ ba phim mới dự kiến khép lại vào năm 2021.
Star Wars với Star Wars: The Force Awakens (2015): Năm 1999, George Lucas khiến cả thế giới sục sôi khi bắt đầu tung ra bộ ba phim tiền truyện cho Chiến tranh giữa các vì sao. Nhưng lần lượt The Phantom Menace (1999) hay Attack of the Clones (2002) đều chỉ đem tới nỗi thất vọng lớn lao. Dù thu rất nhiều tiền, loạt phim điện ảnh Star Wars dường như đã cạn kiệt niềm tin sau Revenge of the Sith (2005). Song, khi Disney mua lại Lucasfilm, họ đã sớm cho tái khởi động cỗ máy kiếm tiền hàng đầu. Thành quả chính là The Force Awakens - bom tấn ra đời vào cuối 2015 và thu hơn 2 tỷ USD. Thành công cho thấy khán giả không bao giờ quay lưng lại với Star Wars nếu thương hiệu cho ra đời một tác phẩm hấp dẫn.
(Theo Ngọc Nhi - zing.vn)