Oda luôn có những ý đồ thú vị trong cách mà ông gọi tên mọi thứ trong One Piece. Tuy nhiên, vì sự khác biệt trong ngôn ngữ của người Nhật và chúng ta, những ý đồ này của Oda sẽ khó có thể truyền tải một cách trọn vẹn trong các bản dịch thuật. Do đó, nếu không chú ý, bạn có thể sẽ rất dễ dàng bỏ qua những chi tiết thú vị này, những thứ vốn là một phần làm nên một One Piece đầy hấp dẫn.
Nekomamushi cùng đòn Akabyoubu
Cách Oda đặt tên chiêu thức của ngài Neko khá thú vị khi ông sử dụng chữ 踊 (Hán-Việt: dũng - tức nhảy vọt lên cao) là để ám chỉ một điệu nhảy mà người vũ công sẽ xoay tròn trong lúc bật người lên không trung. Bạn cũng có thể thấy Oda vẽ cảnh một cơn lốc xoáy nhỏ được tạo ra bởi ngài Neko trong lúc ông nhảy lên tấn công Kaido. Nhưng nếu dịch ra tiếng Việt hoặc Hán Việt chúng ta chỉ có thể dịch là Xích Miêu Vũ hoặc Điệu nhảy của chú mèo đỏ do chữ dũng với ý nghĩa nhảy vọt nay chúng ta đã không còn sử dụng nữa.
Đòn Xích Miêu Vũ của Nekomamushi
Kawamatsu và đòn Amanogawa
Đòn Amanogawa của Kawamatsu được Oda ghi là 海野川 tức Hải Dã Xuyên hay sông Hải Dã. Tuy nhiên bạn có biết phiên âm amanogawa cũng là cách mà người Nhật dùng để gọi dải Ngân Hà hay dòng sông thiên đường? Cũng dễ hiểu khi nhát chém của Kawamatsu có phạm vi vô cùng rộng và tạo thành một vệt vòng cung xung quanh Kaido có hình dáng giống như một thiên hà nhỏ. Ngoài ra, chữ Hải Dã với Hải có nghĩa là biển, Dã có nghĩa là thôn quê, hoang dã ám chỉ thân phận người cá cũng như biệt danh Kappa (một loài lưỡng cư) của Kawamatsu khi cậu có thể vừa sống dưới nước vừa sống trên bờ.
Đòn Hải Dã Xuyên theo trường phái Kappa
Inuarashi và đòn Inu odoshi
Inu Odoshi được Oda viết bằng hán tự là 犬大門風 tức Khuyển Đại Môn Phong hay "kém sang" hơn chút là chó sủa cổng nhà. Tuy nhiên theo như mình tra tìm cách viết của Oda bằng cụm いぬおどし tức inu odoshi thì cụm này ám chỉ những thứ vô nghĩa nhưng có thể dọa sợ những chú chó khiến chúng bất an và bắt đầu sủa lên. Chẳng hạn như tiếng gió lọt qua cổng, tiếng người đi ngang cửa hay những âm thanh không xác định như vậy. Do đó Inu Odoshi còn được người Nhật gọi là Khuyển Uy (doạ sợ chó).
Inu Odoshi
Nếu chú ý một chút thì bạn sẽ thấy Oda vẽ khu vực mà ngài Inu tấn công Kaido được vẽ giống như một chiếc cửa đang bị đá rất mạnh.. Tuy nhiên liệu đòn tấn công này có thực sự vô nghĩa với Kaido không thì chúng ta phải đợi vài chương nữa mới rõ.
Okiku và chiêu Zansetsu gama
Zansetsu gama được dịch là Tàn Tuyết Liêm. Trong đó Tàn Tuyết ám chỉ biệt danh của Okiku, với khả năng sử dụng những đòn chém rét lạnh tới tận linh hồn và nạn nhân sẽ vĩnh viễn mang theo vết thương đó dù là có xuống địa ngục. Còn Liêm có thể liên quan tới truyền thuyết về một loài yêu quái có tên kamaitachi tại Nhật Bản. Đây là loài yêu quái sử dụng vũ khí là lưỡi liềm hoặc một chiếc dao cạo, thường hay cắt chân của nạn nhân bằng những luồng gió xoáy trong cơn bão tuyết. Vết cắt sắc bén và nhanh chóng đến nỗi nạn nhân không hề nhận ra là mình đã bị cắt chân và vẫn bước đi cho đến khi tự vấp ngã. Các bạn cũng có thể thấy sự tương đồng giữa truyền thuyết về loài yêu quái này với Okiku khi cô đang tấn công Kaido bằng những lưỡi đao gió hình tròn vô cùng sắc bén.
Tàn Tuyết Liêm của Okiku
Izo và chiêu Dangiri gan
Chúng ta có thể tạm dịch chiêu này là Đạn Thiết Hoàn. Hiện tại tôi vẫn chưa rõ là chữ "gan" trong chiêu thức này của Izo mang nghĩa là phiên âm của "gun" tức khẩu súng hay có nghĩa đơn giản là "hình tròn" hoặc bắn liên hoàn. Hay cũng có thể Oda cố ý chơi chữ khi nó mang nghĩa của cả hai? Chúng ta vẫn chưa rõ có gì đặc biệt trong những phát bắn của Izo nhưng căn cứ theo tên của chiêu thức này thì có vẻ những viên đạn do Izo bắn ra có khả năng cắt chém mục tiêu (thiết trong tên chiêu thức có nghĩa là cắt chém). Ngoài ra, thức ăn yêu thích của Izo là một món đậu phụ rán kiểu Nhật có tên là ganmodoki. Liệu có phải Oda đang có ý chơi chữ hay chỉ đơn giản là trùng hợp thôi các bạn nhỉ?
Dangiri gan của Izo
Raizo và Maki maki no Jutsu
Maki maki no Jutsu – nhẫn pháp: quyển chi thuật hay đơn giản hơn là thuật quyển trục. Raizo đã dùng chiêu này để hấp thụ một đòn Boro Breath của Kaido sau đó phản lại cho hắn ta. Trong khi phản lại đòn này, Raizo đã hét to "houkan!" tức phụng hoàn. Houkan là một thuật ngữ ám chỉ quá trình các shogun ở Nhật bị buộc phải trao trả lại vương quyền cho Thiên Hoàng Minh Trị trong cuối thời kỳ Edo, sau một thời gian dài Nhật Bản bị các tướng lĩnh, nhiếp chính vương chia cắt quyền lực. Điều này trở nên thú vị khi nó đúng với quá trình Raizo hoàn trả lại "sức mạnh" - theo đúng nghĩa đen vào người Kaido – một vị Hoàng trong Tứ Hoàng.
Maki maki no jutsu – Houkan
Oden nhị kiếm phái – Tougen Totsuka
Do đây là một chiêu thức của Oden được nhóm Kin’emon phối hợp để thi triển nên không có nhiều bí ẩn chưa trong cái tên này. Tougen Totsuka hay Đào Nguyên Thập Quyền Kiếm chính là chiêu thức mà Oden dùng để để lại vết sẹo trên người Kaido. Nếu có gì đó thú vị thì tôi đoán hẳn là vết sẹo của Kaido khá giống hình chữ thập, trùng với tên chiêu thức chẳng hạn? Ngoài ra, chúng ta cũng nên lưu ý thêm là phải cần đến 4 người trong nhóm Xích Sao mới có thể thi triển được chiêu thức mà Oden từng một mình dùng ra chưa rõ liệu đòn này có thể gây tổn thương lên Kaido như Oden đã từng hay không, thế nhưng nếu đòn này chỉ làm Kaido trầy da chứ không đủ để làm Kaido bị thương quá nặng thì cơ hội chiến thắng Kaido của nhóm Xích Sao có lẽ hãy còn xa vời lắm.
Đào Nguyên Thập Quyền Kiếm
Trên đây là những thông tin thú vị trong cách Oda đặt tên chiêu thức của nhóm Cửu Hồng Bao. Nếu bạn có phát hiện nào thú vị khác, đừng ngại bình luận ở bên dưới nhé.
Nguồn: Hội những người ăn ngủ cùng One Piece