Hơn một năm kể từ khi công bố dự án vào tháng 11/2019, đến nay, phim điện ảnh “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền đã bước vào giai đoạn chuẩn bị ra rạp. Quãng đời 15 năm lưu lạc của nàng Kiều không thể đưa trọn lên màn bạc, nên việc chọn một giai đoạn để truyền tải hết những tâm tư, thông điệp trong khoảng thời gian hết sức “gói gém” của điện ảnh là một thách thức lớn đối với cả biên kịch, nhà sản xuất lẫn đạo diễn.
Không đơn thuần chỉ là sự “mua vui một vài trống canh”, truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du mang hàm súc lớn lao mà bất kì xã hội và thời đại nào cũng đều mong muốn chạm tới, đó là sự tự do. Từng lớp nhân vật xuất hiện trong phim điện ảnh “Kiều” không chỉ bồi đắp cho những kịch tính xoay quanh chuyện tình tay ba Kiều – Thúc Sinh – Hoạn Thư, mà Hoạn Bà, Tú Bà, Mã Giám Sinh và cả nhân vật hư cấu như Hiền Bá, Thị Liên cũng đều là những số phận đại diện phản ánh tâm hồn, tình cảm, tính cách và nhất là khát vọng tự do của con người ở mọi tầng lớp xã hội.
Khát vọng tự do trong “Kiều” là gì?
Tác giả kịch bản NSUT Phi Tiến Sơn và đạo diễn Mai Thu Huyền mong muốn gửi đi nhiều thông điệp giá trị xoay quanh chuyện tình tay ba Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư.
Là nàng Kiều bán mình chuộc cha, bị đẩy vào chốn mua vui cho khách làng chơi, ôm nỗi sợ hãi đàn ông nhưng rồi lại cảm kích Thúc Sinh - người đàn ông muốn đưa nàng ra khỏi chốn đầy “cuộc say, trận cười”. Chuyện tình nàng Kiều - chàng Thúc nảy nở từ niềm khao khát được tự do yêu thương, sống cuộc đời Kiều lựa chọn chứ không phải là con tạo xoay vần theo lòng tham kim tiền của Tú Bà hay cái thú mê dục, hám sắc của những gã như Hiền Bá. Khoảng tự do của Kiều không dài. Thoát khỏi lầu xanh của Tú Bà nàng lại rơi vào cạm bẫy của mẹ con Hoạn Thư, mà thực chất là những định kiến, tư tưởng coi thường phụ nữ, coi thường giá trị con người của ý thức hệ phong kiến.
Mỗi số phận nhân vật trong phim đều mang nỗi niềm ẩn khuất riêng.
Là chàng Thúc Sinh cố gắng gầy dựng sự nghiệp để thoát khỏi sự khinh bạc của mẹ vợ nhưng chẳng bao nhiêu là đủ khi trong mắt Hoạn Bà chàng rể vẫn chỉ mang kiếp “chó chui gầm chạn”. Phận làm rể nhà quyền quý khiến bản lĩnh đàn ông của Thúc Sinh bị mắc kẹt trước Hoạn Thư và gia đình nàng. Phải chăng đó là lí do Thúc Sinh chọn nghề buôn chỉ để trốn tránh thực tại, rồi đem lòng yêu và cứu Kiều khỏi lầu xanh? Ở bên nàng, Thúc Sinh được thể hiện sức mạnh của một người đàn ông, chở che và yêu thương người con gái tài sắc này.
Hoạn Thư mang tiếng ghen muôn đời khi ra tay hành hạ Kiều, nhưng ở một góc nhìn khác, nàng tiểu thư họ Hoạn cũng đớn đau muôn phần khi bị giam cầm trong chính địa vị của mình. Hoạn Thư và Thúc Sinh đến với nhau vì tình yêu nhưng mọi thứ sớm lụi tàn, lạnh lẽo bởi không thể thoát khỏi định kiến do chính tầng lớp quan lại thời bấy giờ đưa ra “con quan lại lấy con quan”. Cũng vì phải giữ lấy danh giá gia tộc hơn là cảm xúc con tim, Hoạn Thư đã rơi vào cảnh ghen tuông ngoài mặt, trong lòng nát tan. Nàng có sắc, có tài, có xuất thân cao quý nhưng thiếu tự do thì vẫn không thể sống cuộc đời mình mong muốn.
Hoạn Thư cũng bị “nhốt” trong chính địa vị của mình.
Chung quy lại, dẫu thâm độc như Hoạn Bà, hám tiền như Tú Bà, kiếp kĩ nữ buông xuôi như Thị Liên hay gã Hiền Bá thô tục, kệch cỡm đều luôn âm ỉ niềm khao khát tự do sâu thẳm bên trong hoàn cảnh, định kiến xã đã kiềm hãm họ. Tác giả kịch bản NSƯT Phi Tiến Sơn và đạo diễn Mai Thu Huyền cho biết khát vọng tự do là một trong những thông điệp mà phim điện ảnh “Kiều” muốn truyền tải đến khán giả. Qua những thước phim trên màn ảnh rộng, mong rằng khán giả có thể cảm thấu giá trị lớn lao của sự tự do, biết trân trọng khi được sống cuộc sống mình chọn và phải có trách nhiệm với nó.