Trong đó, nhiều khán giả khen phim nhưng cũng không ít người phản ứng cho rằng phim đề cao vai trò Thiên Địa Hội, xuyên tạc lịch sử.
Phim "Đất rừng phương Nam" lấy cảm hứng từ tác phẩm "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi và phiên bản truyền hình "Đất phương Nam" từng khiến khán giả màn ảnh nhỏ yêu thương khi phát sóng năm 1997.
Phim "Đất rừng phương Nam" kể lại hành trình của bé An (Hạo Khang đóng) bơ vơ đi tìm cha sau khi mất mẹ. An gặp được Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) và sau đó gặp được cha con ông Tiều (Tiến Luật đóng) - thành viên Thiên Địa Hội kháng Pháp hoạt động bí mật, bé Xinh (Bảo Ngọc đóng) cùng nhiều người khác.
Tất cả đều bảo bọc, giúp đỡ An. Song song hành trình của An là phong trào yêu nước của nghĩa quân cùng các thành viên hội nhóm như Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn…
Phim mang đến nhiều hình ảnh đẹp, gợi nhớ về vùng đất phương Nam trù phú, màu mỡ về sản vật. Dàn diễn viên diễn xuất từ tròn vai đến tốt, ấn tượng nhất là Tuấn Trần vai Út Lục Lâm, Băng Di vai Tư Mắm, Tiến Luật vai ông Tiều.
Trấn Thành diễn chưa ra chất nhân vật Bác Ba Phi khi chưa thể chọc cười khán giả bằng lối kể chuyện của mình nhưng cũng không đến mức quá tệ. Âm nhạc được phối mới đầy hào hùng, tạo được cảm xúc cho tác phẩm.
Câu chuyện phim có nhiều thay đổi theo hướng giải trí, mạch nhanh, pha trộn yếu tố bi - hài, tạo kịch tính với những phân cảnh hành động, cháy nổ. Khác với cái tình trong phiên bản truyền hình, bản điện ảnh đề cao cái nghĩa, lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm.
Những điểm hạn chế của phim nằm ở chỗ kỹ xảo còn chưa tốt, tác phẩm cho thấy được sự trù phú của một phương Nam sung túc sản vật nhưng lại chưa thấy nhiều sự đàn áp của ngoại xâm với vùng đất này.
Những cảnh áp bức, bóc lột chưa thể hiện đủ để làm nền cho các hoạt động nổi dậy khiến cho cảm xúc còn ở lưng chừng, chưa được đẩy lên cao trào.
Ngay sau khi "Đất rừng phương Nam" ra rạp, nhiều khán giả khen ngợi phim: "Phim quá đẹp, nội dung không như bản truyền hình nhưng giải trí vừa đủ"; "Tôi quá xúc động khi nhạc phim vang lên, mọi người xem xong không về mà ở lại vỗ tay, hát theo nhạc phim"; "Tôi nghĩ phim giải trí tốt, diễn viên diễn xuất cũng tốt"…
Nhiều đạo diễn, diễn viên khen ngợi phim: "Phim đem đến tiếng cười, nước mắt và cả sự rung động về lòng tự hào dân tộc, về khí chất của con người miền Nam, và con người Việt Nam. Xem phim thấy yêu quê hương mình hơn, và yêu cái nghề của mình hơn" - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh viết.
"Nghẹn ngào, nức nở, thương những con người của Đất rừng phương Nam quá xá. Cảm ơn ê-kíp cho mình thưởng thức một tác phẩm tràn đầy cảm xúc!" – đạo diễn Charlie Nguyễn bày tỏ…
Tiến Luật vào vai ông Tiều - thành viên Thiên Địa Hội.
Tuấn Trần vai Út Lục Lâm, diễn xuất tốt nhân vật này.
Bé Cò trong phim "Đất rừng Phương Nam.
Bé Xinh trong phim "Đất rừng Phương Nam".
Bên cạnh đó, một số người cho rằng tác phẩm đã xuyên tạc lịch sử khi đề cao vị thế Thiên Địa Hội, trang phục của người Hoa, không phải của người miền Nam ngày xưa. Họ nhận định: "Phim đề cao Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn, hạ thấp vai trò Việt Minh, xuyên tạc lịch sử"; "Tôi đề nghị hội đồng kiểm duyệt xem xét cấm chiếu phim này"; "Phim lật sử mà cũng được duyệt, đổi tên thành Đất rừng Trung Hoa"…
Tiến sĩ Hà Thanh Vân viết bài dài trên trang mạng xã hội Facebook, có đoạn trích: "Thật ra bộ phim với chuyện lấy "Thiên Địa Hội" làm chủ đạo thế này thì đã thoát ly xa khỏi nguyên tác. Vậy cách tốt nhất để cho dư luận khỏi chỉ trích là đổi tên phim thành "Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ", vì bé An trong phim cũng có đất diễn mấy đâu, toàn thấy là Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) hay anh Tiều (Tiến Luật đóng) đi mãi võ.
Nhưng cũng nên lưu ý là gọi anh Tiều có ý bảo là anh ấy người Tiều (Triều) Châu. Thưa rằng các gánh "Sơn Đông mãi võ" thì đều là người Sơn Đông nên mới chết danh và cụ Nguyễn Hiến Lê có viết điều này rất rõ.
Thế thì, sau khi xem phim xong, tôi nghĩ là đổi tên phim là tốt nhất, khỏi chê trách, so sánh gì với nguyên tác "Đất rừng phương Nam" của Đoàn Giỏi. Tên phim là "Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ"!".
Trước sự chỉ trích này, nhiều người trong giới lẫn một số khán giả cho rằng phim điện ảnh là tác phẩm hư cấu, không phải tư liệu lịch sử, không thể xem như phim tài liệu để soi mói từng chi tiết.
Ngay từ ban đầu, nhà làm phim đã nói rõ phim chỉ lấy cảm hứng câu chuyện bé An đi tìm cha trải dài khắp vùng đất phương Nam và gặp được những con người hào sảng của vùng đất này, không chuyển thể theo đúng nguyên tác.
Ở bản truyền hình, bối cảnh phim cũng được lùi lại trước năm 1930 so với nguyên tác tiểu thuyết là sau năm 1945, do những biến động lịch sử giai đoạn này còn Việt Minh ra đời từ 1941. Phim điện ảnh làm theo cột mốc bối cảnh này của phiên bản truyền hình, để có thêm những tình tiết được bổ sung làm dày thêm câu chuyện phim.
Thêm vào đó, người Hoa kiều gồm cả người Tiều (Triều Châu) xuất hiện nhiều ở phương Nam xưa nên dấu ấn của họ trong trang phục không thể phủ nhận. Vì thế, nhà làm phim vẫn có thể sáng tạo trong khuôn khổ đủ để tạo nên tác phẩm phục vụ khán giả dưới góc nhìn mới.
Hãy cứ xem "Đất rừng phương Nam" là một tác phẩm điện ảnh đậm tính giải trí, thương mại.
Trấn Thành bị chỉ trích trang phục nhưng đây chỉ là hình ảnh trong video ca nhạc (MV) "Bài ca Đất Phương Nam" - nhạc phim của "Đất rừng Phương Nam". Trang phục này không xuất hiện trong phim.
Nhà thơ, nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt nhìn nhận: "Tôi tin đây là một bộ phim có rất nhiều cảnh quay đẹp và tạo được cảm xúc với phần đông khán giả Việt Nam ra rạp để xem một bộ phim giải trí. Ngoài ra, thông qua bộ phim này, tôi còn nhìn thấy miền Tây sẽ là một điểm đến du lịch rất tiềm năng khi khán giả xem phim và mong muốn đến với những bối cảnh mà bộ phim đã quay, đó là một thành công không dễ với một phim điện ảnh Việt Nam lúc này.
Vì đây là một phim lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng. Do đó, những tranh cãi về chi tiết lịch sử, cũng như sự xuất hiện của các nhân vật như thế nào so với nguyên tác rõ ràng đang tạo ra một cuộc tranh cãi cần thiết.
Ở góc độ một người đọc tác phẩm và một người xem phim, tôi cũng đồng ý là có những thứ hoàn toàn không có trong tác phẩm văn học, cũng như nếu so với bối cảnh lịch sử thì có nhiều chi tiết trong phim cũng không hợp lý.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng đây là một phim giải trí không phải là phim lịch sử, việc ê-kíp hư cấu để tạo ra kịch tính cho câu chuyện là có thể hiểu được. Vấn đề quan trọng là cách chúng ta hư cấu có tạo ra sự đồng thuận với cảm xúc khán giả có hiểu biết về lịch sử vùng đất, hay là chúng ta đi ngược lại với những gì thuộc về lịch sử của vùng đất đó.
Do đó, chúng ta không cần quá soi xét, nhất là khi đây cũng không phải là một phim lịch sử. Chưa kể về mặt tư liệu lịch sử, tôi cho rằng chúng ta cũng chưa có một hệ thống quy chuẩn nhất định về trang phục của các thời kỳ một cách tường minh, để từ đó dựa vào đó mà soi chiếu với phục trang của các nhân vật trong phim".
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng: "Nói chung, đây là một bộ phim có tầm vóc và khơi gợi được nhiều cảm xúc về dân tộc, về chất hào sảng của người phương Nam. Dĩ nhiên vẫn còn vài chỗ chưa thực sự "chín tới", nhưng với một tác phẩm điện ảnh như thế này, tôi tin sẽ ăn khách và mang lại nhiều cảm hứng để nâng tầm điện ảnh Việt. Cái kết mở cũng cho thấy còn nhiều chất liệu để khai thác trong (những) phần tiếp theo".