Chùm tác phẩm: Sống mòn, Đời thừa, Lão Hạc, Chí Phèo… là những tác phẩm văn học hiện thực nổi tiếng của nhà văn Nam Cao. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng để cố NSND Bùi Cường sáng tạo nên “Cậu Vàng” và được chính con rể của mình - Trần Vũ Thủy làm đạo diễn thực hiện niềm mong ước còn dang dở. Trước, bộ phim là “Bữa ăn cuối cùng của Lão Hạc” nhưng sau những chuyện mất mát không hay xảy ra, nhà sản xuất (NSX) quyết định lấy tên “Cậu Vàng” cho phim. Tên phim cũng khá phù hợp nội dung. Bởi, nhân vật chính - chú chó Vàng - diễn viên bốn chân mà cố NSND Bùi Cường cũng đã dành rất nhiều tâm huyết tạo nên một hình tượng mới, mạch kết nối các nhân vật trong phim lại với nhau và được ông nhân hóa như đại diện một giai cấp xã hội nghèo khổ nhưng biết phản kháng, đấu tranh để sinh tồn, bảo vệ những người thân yêu của mình.
Phim Việt có sự tham gia của những chú chó không mới nhưng phim mà có đến 53 phân đoạn dành cho diễn viên bốn chân này, đứng đầu số lượng diễn xuất thì có lẽ hiện nay chỉ có “Cậu Vàng”. Đây là góc nhìn mới nhằm đáp ứng sự mới lạ hơn với tác phẩm gốc vốn đã thuộc hằn sâu qua bao thế hệ, hay đáp ứng thu hút sự quan tâm, tò mò của khán giả khi bước chân vào “thương trường” điện ảnh. “Cậu Vàng” vốn dĩ không có diễn viên bán vé. Cái lạ nhất đó chính là “cậu Vàng”.
Hơn nửa bộ phim, hình ảnh chú chó xuất hiện đa phần là quấn quýt bên Lão Hạc, sớm hôm hai ông cháu bầu bạn bên nhau và chinh phục người xem bởi lòng trung thành, ngoại hình dễ thương cùng ánh mắt biết nói. Hình ảnh Lão Hạc vỗ về, hát ru cho Vàng ngủ cũng đủ khiến những người yêu thương động vật đồng cảm. Dĩ nhiên, một bộ phim dài 90 phút không thể chỉ lấy sự dễ thương, ánh mắt cảm xúc của con vật để thu hút người xem mà còn là những sự kiện xảy ra xung quanh nó. Đó là sự xung đột của những kẻ tham lam độc ác của tầng lớp trên chiếm đoạt lấy những thứ không thuộc về mình. Một mình Lão Hạc với con chó chỉ có thể phản kháng một cách yếu ớt và rồi sự tận cùng của cái đói, cái nghèo, của sưu cao thuế nặng là ông lão phải đành đoạn quyết định bán “đứa cháu” của mình đi. Dù trước đó, lão đã cuống quýt, lo lắng vì sợ Vàng ăn phải khi nhìn thấy bã chó ở giếng nước. Điều cuối cùng mà lão làm được chính là bữa cơm no trước khi cậu Vàng bị bắt đi. Phân đoạn này chính là hình ảnh xúc động nhất, tượng đài trong lòng người mộ nghệ khi đọc truyện ngắn của Nam Cao. Ở phim, Cậu Vàng có được cơ hội trở về với lão Hạc nhưng đã bán đi rồi thì chỉ còn có thể nấp sau cửa mà khóc, mà lén nhìn “cháu”. Cậu Vàng đứng quay đầu nhìn chủ trước khi chạy đi bằng ánh mắt buồn thương.
Cái mới khác của phim đó chính là cố NSND Bùi Cường đã khơi dậy tính thiện lương của nhân vật Binh Tư - một kẻ nát rượu, bất cần đời, đi tù nhưng sống trọng đạo lý, không quên cái tình, cái nghĩa mà người khác dành cho mình mà quay về làm điều có ích. Nêu cao tình làng, nghĩa xóm của gia đình Giáo Thứ, nhất là bà giáo - một gia đình trí thức nghèo nhưng vẫn san sẻ, đùm bọc, giúp đỡ Lão Hạc. Đặc biệt, cái ác trong phim Cậu Vàng phải bị quả báu. Gia đình Bá Kiến, Lý Cường bị trừng phạt thích đáng vì độc ác tham lam, dùng quyền lực đàn áp, hà hiếp dân lành, cướp bóc mà mình đã gây ra.
Ở cuối phim, hình ảnh cậu Vàng xuất hiện mạnh mẽ hơn với những pha hành động mà không ít người mong đợi. Dẫu bị đuổi đi nhưng chú chó trung thành vẫn luôn ở bên cạnh chủ, đánh đuổi kẻ tham lam, độc ác. Con trai của Lão Hạc trở về sau khi kiếm được tiền. Cải và Cò đoàn tụ bên nhau như tượng trưng cho cuộc sống của những người nông dân nghèo ấy đã có một tương lai tốt đẹp hơn.
Trong phim, đạo diễn ngoài việc đưa đến những hình ảnh đẹp về làng quê, cánh đồng hoa cải qua với những cú flycam chinh phục thị giác còn có các loại hình nghệ thuật ca trù, múa rối nước… Bên cạnh những điều mới lạ, phim cũng không tránh khỏi những hạt sạn không đáng có về màu sắc, nhịp phim khá nhanh. Diễn xuất của Băng Di với vai diễn vợ ba Bá Kiến khá mâu thuẫn xuất hiện với sắc thái “chẳng phải tay vừa”, sẵn sàng “đấu đá” với các bà vợ còn lại nhưng về sau lại trở nên yếu ớt. Xung đột nhà Bá Kiến và Will có được nhiều phân cảnh ấn tượng nhưng có lẽ do chỉ gói gọn trong 90 phút nên khó lòng gỡ được những nút thắt này được. Tuy nhiên, bộ phim cũng là một điều đáng khen khi dũng cảm trở thành người tiên phong đưa những tác phẩm văn học đã đi sâu vào lòng người lên màn ảnh rộng.